Điều tra, xử lý nghiêm vụ Nhật Cường, Gang thép Thái Nguyên cùng 3 đại án
Trong thời gian tới tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh 5 đại án: Nhật Cường, VEC, Sagri, Sabeco, Gang thép Thái Nguyên.
XEM CLIP:
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sáng nay chủ trị cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) để thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 17 đến nay và một số nội dung quan trọng khác.
Đã thu hồi gần 7.600 tỷ đồng
Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất, Đảng ủy Công an TƯ, Thường vụ Quân ủy TƯ, Ban cán sự đảng VKSND tối cao, Ban cán sự đảng TAND tối cao, Ban Nội chính TƯ đã tích cực, khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kết thúc xác minh 1 vụ việc; kết thúc điều tra 8 vụ án/49 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 4 vụ án/30 bị can, hoàn thành xét xử sơ thẩm 6 vụ án/17 bị cáo, xét xử phúc thẩm 3 vụ án/34 bị cáo.
Các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi gần 7.600 tỷ đồng; cơ quan điều tra tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch các tài sản có trị giá 773,37 tỷ đồng, 2,23 triệu USD, 34 bất động sản, 5 ô tô và nhiều tài sản khác.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra dự án nhà máy Đạm Hà Bắc. UB Kiểm tra TƯ đã kỷ luật, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với 1 ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên ủy viên TƯ; 2 nguyên cấp Thứ trưởng có sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Những kết quả đạt được nêu trên tiếp tục khẳng định quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng; hoàn thành đúng tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế.
Phấn đấu đến hết năm 2020 kết thúc điều tra 13 vụ án; ban hành cáo trạng truy tố 17 vụ án; xét xử sơ thẩm 21 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án; kết thúc xác minh, xử lý 18 vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Trong đó, tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong các vụ án:
Vụ án “Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan.
Vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Ban quản lý đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan.
Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri).
Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Quận 1, TP.HCM.
Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - công ty Gang thép Thái Nguyên.
Kết thúc theo dõi, chỉ đạo đối với 3 vụ án, 1 vụ việc
Cũng tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo cho ý kiến đối với một số nội dung.
Cụ thể là đề án sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc số 07 ngày 09/4/2013 của Ban Chỉ đạo; báo cáo kết quả kiểm tra về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có liên quan đến dấu hiệu tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, chức vụ tại một số cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan chức năng, theo kế hoạch số 222, ngày 26/9/2019.
Đồng thời cụ thể hóa, thể chế hóa quan điểm xử lý đối với các hành vi sai phạm trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp xảy ra thời gian trước đây.
Ban chỉ đạo cũng thống nhất kết thúc theo dõi, chỉ đạo đối với 3 vụ án, 1 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do đã được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Xét xử 5 vụ án nghiêm trọng
Xét xử sơ thẩm vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm các quy định về quản lý đất đai; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại công ty Hải Thành, Quân chủng Hải Quân liên quan đến đất số 7-9 Tôn Đức Thắng (Quận 1, TP.HCM).
Xét xử sơ thẩm vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại chi nhánh Lũng Lô miền Nam, công ty Lũng Lô.
Xét xử phúc thẩm vụ án “Vi phạm về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng công ty viễn thông Mobifone, Bộ TT&TT và các đơn vị có liên quan.
Xét xử phúc thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại BHXH Việt Nam.
Xét xử phúc thẩm vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Đà Nẵng.