Điều trăn trở của Tổng Bí thư Tô Lâm với Gia Lai và Tây Nguyên
Đó là những điều được Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ trong phát biểu khi làm việc với Tỉnh ủy Gia Lai sáng 6/1/2025.
Những trăn trở gần 10 năm trước
Gần 10 năm trước, chiều 30/7/2016, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Khi ấy, Chủ tịch nước đã trao quyết định của Bộ Chính trị phân công Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an (nay là Tổng Bí thư) giữ chức vụ Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.
Trước đó 14 năm, ngày 17/7/2002, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên được thành lập trong bối cảnh tình hình an ninh, trật tự ở Tây Nguyên có nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch, phản động gia tăng các hoạt động chống phá, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, kích động biểu tình, bạo loạn, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại cuộc sống yên bình của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên...
Phát biểu tại buổi làm việc sáng 6/1, Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc lại những kỷ niệm thời ông làm Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên, một ban chỉ đạo có chức năng nhiệm vụ chủ yếu trong lĩnh vực quốc phòng an ninh song ông đã rất quan tâm và nhìn thấy nhiều bất cập trong phát triển kinh tế xã hội ở Tây Nguyên.
Còn nhớ cuối năm 2017, theo chủ trương của Đảng, Ban chỉ đạo Tây Nguyên kết thúc hoạt động. Phát biểu tại buổi lễ hôm ấy, đồng chí Tô Lâm cho rằng: Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử quan trọng của mình song bên cạnh những kết quả đã đạt được, kinh tế vùng Tây Nguyên vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức như: tăng trưởng chưa thực sự bền vững, vẫn còn thấp so với tiềm năng, lợi thế vốn có của vùng; chất lượng của nền kinh tế chưa cao, thiếu ổn định; công tác quản lý bảo về rừng còn nhiều bất cập, tình trạng vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn diễn ra phức tạp, diện tích rừng bị chặt phá còn lớn...
Đồng chí Tô Lâm cũng chỉ ra nhiều công việc cần làm như: Tiếp tục đề xuất các cơ chế đặc thù để huy động nguồn lực phục vụ kết nối cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn Tây Nguyên và vùng phụ cận; thu hút đầu tư phát triển sản phẩm chủ lực, có lợi thế gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chăn nuôi đại gia súc, dịch vụ du lịch...; tập trung xử lý có hiệu quả vấn đề đất đai, chống phá rừng, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tập trung thực hiện một cách có hiệu quả…
Câu hỏi lớn cho Gia Lai
Sáng ngày 6/1, lắng nghe báo cáo của đồng chí Hồ Văn Niên - Bí thư Tỉnh ủy, Tổng Bí thư chỉ rõ, Gia Lai nằm ở trung tâm Tây Nguyên, rộng thứ hai cả nước, đất đai phì nhiêu, cảnh quan thiên nhiên đa dạng từ các cao nguyên đến thung lũng, sông suối, hồ, và rừng nguyên sinh. Tỉnh có tài nguyên du lịch phong phú với những danh lam thắng cảnh tự nhiên vẫn giữ được sự nguyên sơ, hấp dẫn đặc biệt, những nét văn hóa Tây Nguyên độc đáo, giàu bản sắc của vùng đất huyền thoại với kho tàng sử thi Tây Nguyên và không gian văn hóa âm nhạc cồng chiêng - "Di sản văn hóa phi vật thể" của nhân loại.
Gia Lai có diện tích rừng tự nhiên lớn, đó là thứ tài nguyên vô giá cần hết sức giữ gìn; có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi với các tỉnh trong khu vực và các vùng kinh tế trọng điểm cả nước, làm tiền đề để thu hút đầu tư và phát triển giao thương…
Vậy thì nhiệm vụ lịch sử của Gia Lai hôm nay cần phải làm sao để vươn lên mạnh mẽ bằng đôi chân của mình, không nên tư duy chỉ trông chờ sự hỗ trợ của Trung ương.
Tổng Bí thư đề nghị tỉnh rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tháo gỡ những ách tắc và điểm nghẽn phát triển, phấn đấu thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ 16 đã đề ra. Yêu cầu tỉnh khẩn trương rà soát các chỉ tiêu chưa thực hiện được và các điểm nghẽn phát triển để tháo gỡ, tạo bước đột phá mới. Tổng Bí thư yêu cầu tỉnh Gia Lai đẩy mạnh phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột: nông nghiệp, du lịch, năng lượng tái tạo.
Tháo gỡ vướng mắc để có thể làm giàu từ năng lượng tái tạo
Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu, bày tỏ sự tâm đắc, đánh giá cao và rất quan tâm đến các vấn đề người đứng đầu ngành Công Thương đề xuất.
Từ phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Tổng Bí thư gợi ý thêm hướng làm giàu cho Gia Lai. Tổng Bí thư Tô Lâm quan tâm đến vấn đề tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án năng lượng tái tạo.
"Theo kiến nghị của địa phương thì Bộ Công Thương nghiên cứu xem có thể bố trí tối đa (điện năng lượng tái tạo - PV) sản xuất được bao nhiêu? Đây là nguồn rất quan trọng đóng góp cho nguồn thu địa phương", Tổng Bí thư nêu vấn đề.
Theo Tổng Bí thư, hiện nay mới có 50% được các dự án điện gió được phát điện, còn 50% chưa được sử dụng. Đây là một sự lãng phí bởi các dự án đã làm rồi.
"Đây là vấn đề giữa nhà đầu tư - chính quyền, nhà nước đàm phán với nhau. Phải có cách tháo gỡ. Hiện còn hơn 10 dự án chưa tháo gỡ, nếu cứ để xuống cấp thì sẽ rất lãng phí, mà người ta đã đầu tư rồi nên cần phải tháo gỡ. Tiết kiệm không phải của chỉ Nhà nước mà còn phải tìm cách tháo gỡ khó khăn để tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp, tư nhân, tiết kiệm nguồn lực xã hội", Tổng Bí thư chỉ đạo.
Tổng Bí thư cũng đề nghị tính toán tổng năng lượng cả điện gió, điện mặt trời khả năng phát triển của địa phương được bao nhiêu; đáp ứng của Bộ Công Thương để có thể đóng vào mạch điện truyền dẫn được bao nhiêu.
Về hướng đầu tư trung tâm dữ liệu, Tổng Bí thư cho rằng cần nghiên cứu, tính toán nếu có nguồn điện ổn định, bền vững thì lại có thể nghiên cứu chuyển đổi số, đầu tư trung tâm dữ liệu ở đây.
Về tiềm năng làm giàu, tăng nguồn thu từ năng lượng tái tạo, Tổng Bí thư lấy dẫn chứng từ tỉnh Quảng Trị một năm có thể đóng góp 20.000 MW, đóng góp 2.000 tỷ đồng cho ngân sách. Nếu Gia Lai mà có 20.000 tỷ đồng thì quá tốt. Tổng Bí thư yêu cầu phải tính toán, rất cụ thể để có thể làm được những việc như vậy.
Để người dân Tây Nguyên giàu từ công nghiệp chế biến và thành tỷ phú trên mỗi hecta đất
Từ phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về các giải pháp phát triển công nghiệp và thương mại, Tổng Bí thư Tô Lâm quan tâm và gợi ý vấn đề phát triển công nghiệp chế biến.
Theo Tổng Bí thư, cần có các nhà máy sản xuất chế biến nông sản theo tiêu chuẩn của châu Âu, Hoa Kỳ. "Nghiên cứu Nhà nước đầu tư được không, hay công ty tư nhân lớn, tập đoàn nào có thể đầu tư quy mô lớn để tạo chuỗi cung ứng, xuất khẩu. Nếu Nhà nước không làm được mà không huy động được doanh nghiệp tham gia thì mãi chỉ xuất thô. Nếu không tập trung làm thì sẽ không có được sản phẩm chất lượng cao, giá trị gia tăng cao", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc lại kỷ niệm thời làm Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên, ông đã có phát động phong trào để người dân Tây Nguyên làm sao cứ 1 hecta đất, phải thu về 1 tỷ đồng/năm và cũng đã từng tổ chức hội nghị để tìm giải pháp để thực hiện vấn đề này.
"Tại Hội nghị đã diễn ra, một đại biểu Lâm Đồng cho biết 1 hecta đất thu về tới 26 tỷ đồng trồng rau, hoa, quả xuất khẩu đi Nhật Bản, thu về 26 tỷ đồng/ha. Hoặc như trồng sầu riêng 1 năm thu về 3 - 5 tỷ đồng/ha. Đồng bằng Bắc Bộ trồng lúa thì không được 100 triệu đồng/ha đất/năm; tại Đồng Tháp tôi đến làm việc hôm vừa rồi trồng lúa được 78 triệu đồng/ha/ năm, trồng cây ăn quả thu về 500 triệu đồng/ha/năm, trồng hoa cây cảnh thì thu 600 triệu/ha/năm, nuôi cá tra thì thu về 3,9 - 4 tỷ đồng/ha/năm", Tổng Bí thư nêu rõ từng ví dụ sinh động để gợi ý cho Gia Lai hôm nay.
Tổng Bí thư đề nghị Gia Lai cũng phải nhìn đó để thực hiện theo. Bởi Gia Lai sở hữu một diện tích sản xuất nông nghiệp lớn song 5ha đất mà mỗi năm chỉ thu được 80 triệu đồng, rất vất vả mà lại không hiệu quả. Nếu một người dân có 1 hecta mà thu được 1 tỷ/năm thì sẽ khác.
"Đây là các gợi ý để Gia Lai suy nghĩ biện pháp làm sao để cho người dân giàu lên từ mảnh đất của mình. Nông nghiệp thì đúng là có lúc cần miễn thuế cho nông dân, nhưng người dân giàu lên rồi thì tiêu dùng sẽ tăng, nhà nước sẽ thu từ các khoản thuế tiêu dùng", Tổng Bí thư chỉ đạo.
"Rất khuyến khích phát triển nông nghiệp, làm sao một hecta đất phải đặt ra mục tiêu trồng cây gì, nuôi con gì để người dân có thể thu được 1 tỷ đồng/ha. Đến các địa phương như Sơn La, Lâm Đồng để học hỏi các kinh nghiệm", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giải đáp cụ thể một số kiến nghị của Gia Lai.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Gia Lai là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển, diện tích rộng, đất đai thổ nhưỡng phì nhiêu, địa hình đồi núi, cao nguyên và thung lũng đồng bằng xen kẽ, hình thành khí hậu đặc trưng riêng của mỗi khu vực, là tiền đề thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát triển công nghiệp - thương mại, nhất là công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo.
Để khai thác được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Gia Lai, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh những năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu rõ 5 kiến nghị ở góc độ ngành Công Thương.
Thứ nhất, tập trung nghiên cứu yêu cầu thị trường trong nước, các nước trong khu vực, nhất là các nước trong các FTA mà Việt Nam là thành viên, để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại để hình thành các chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ; chú trọng xây dựng quảng bá thương hiệu sản phẩm chủ lực, vùng trồng, vùng nuôi để có thể đưa vào các thị trường khó tính.
Thứ hai, tập trung nghiên cứu có cơ chế chính sách để thu hút đầu tư các doanh nghiệp vào công nghiệp chế biến, chế tạo để tăng giá trị xuất khẩu vào các mặt hàng nông lâm chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su, các ngành về gỗ. Thúc đẩy các ngành khai thác chế biến nông sản để tạo dư địa mới tăng trưởng cho địa phương cũng như tạo nguồn cung đầu vào cho ngành chế biến cả nước. Có cơ chế hấp dẫn để các doanh nghiệp phát triển logistics để phát huy tiềm năng nỏi trội của địa phương là cửa ngõ của các nước Đông Nam Á, của miền Trung - Tây Nguyên.
Chú trọng, tạo điều kiện để các dự án đầu tư năng lượng hoạt động có hiệu quả. Trước mắt là chủ động đề xuất với Trung ương và Chính phủ cho tháo gỡ các dự án năng lượng tái tạo đã đầu tư. Trong 168 dự án theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì tỉnh Gia Lai có khoảng 7 - 8 dự án cần tháo gỡ, ngoài ra còn hàng chục dự án không nằm trong kết luận nhưng cũng có các vướng mắc tương tự.
"Đề nghị tỉnh Gia Lai có kiến nghị sớm để Bộ Công Thương có trình Chính phủ xem xét sớm tháo gỡ, càng giải quyết sớm bao nhiêu thì nguồn lực đưa vào phục vụ kinh tế địa phương càng tốt bấy nhiêu", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Thứ ba, chú trọng phát triển các loại hình du lịch. Gắn du lịch với thương mại, gắn du lịch - thương mại với xuất khẩu tại chỗ, thông qua hợp tác sản xuất bán sản phẩm tại các địa du lịch ngay tại địa phương. Đây là hình thức đã được thực hiện hiệu quả ở nhiều địa phương.
Thứ tư, thông qua tạo đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia để thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là trong kinh tế - thương mại - đầu tư.
Thứ năm, tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực của địa phương, đồng thời quyết liệt trong cải cách hành chính tạo sự thông thoáng trong thủ tục đầu tư.