Điều trị bệnh lõm ngực bằng phương pháp mới
Lõm xương ức là dị tật thành ngực phổ biến nhất ở trẻ em với tỷ lệ mắc 1/300 trẻ sinh sống. Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư vừa áp dụng thành công phương pháp điều trị không xâm lấn có tên 'đặt chuông nâng xương ức' đem lại cơ hội cho nhiều trẻ mang căn bệnh này.
Thấy lõm ngực, không ngờ con bị bệnh
Cách đây nửa năm, cháu Nguyễn Thanh Hoàng (14 tuổi, Thái Bình) được gia đình đưa đến BV Nhi T.Ư khám do có vết lõm ở ngực. Gia đình cho biết, khi Hoàng được 8 - 9 tuổi, cháu vẫn phát triển bình thường, ngực chưa thấy rõ vết lõm sâu. Năm cháu 11 tuổi, thấy con có vết lõm nhưng gia đình vẫn không để ý vì chưa biết đến bệnh lõm xương ức. “Mãi tới khi đọc thông tin trên mạng về căn bệnh này, nhìn thấy hình ảnh bệnh nhân, tôi mới nghi ngờ con có bệnh. Rồi khi thấy con kêu khó thở, tức ngực, tôi mới đưa con đi khám” – mẹ cháu Hoàng chia sẻ.
Được bác sĩ giải thích về bệnh của con, đồng thời tư vấn phương pháp điều trị, gia đình cháu Hoàng đồng ý cho con điều trị bằng phương pháp đặt chuông nâng xương ức. Trẻ được đặt chuông với đường kính vòm hút 26cm. Đến nay, sau 6 tháng điều trị, cháu Hoàng không còn đau ngực, khó thở. Trong quá trình đặt chuông, bệnh nhi cũng không có cảm giác ngứa, không dị ứng hay xuất huyết dưới da trong quá trình sử dụng. Độ sâu vùng lõm đã cải thiện từ 18 mm xuống chỉ còn 10 mm, đường kính diện lõm từ 23cm xuống còn 18cm.
Cùng đợt điều trị với cháu Hoàng là bé Hoàng Thanh An (6 tuổi, Hà Nội). Cháu được gia đình phát hiện tình trạng lõm xương ức từ cách đây một năm. Thấy con hay kêu khó thở, biếng ăn, ngực có một vết lõm sâu, gia đình đưa con đến BV Nhi T.Ư khám thì được biết con mắc căn bệnh lõm xương ức. Bệnh nhi cũng được các bác sĩ áp dụng phương pháp điều trị đặt chuông nâng xương ức đường kính vòm hút 16cm. Tần suất dùng chuông tăng dần theo thời gian và khả năng đáp ứng với thiết bị: Tuần đầu 30 phút/lần, 2 lần/ ngày. Tuần 2: 30 phút/lần, 4 lần/ngày. Tuần 3: sử dụng liên tục trong khi ngủ. Tuần 4: sử dụng liên tục với thời gian tối đa có thể. Bệnh nhân được theo dõi các dấu hiệu cơ năng và thực thể trong quá trình đặt chuông và đánh giá độ sâu diện lõm sau 1 tuần, 1 tháng và 3 tháng (30 phút sau khi bỏ thiết bị). Sau 6 tháng điều trị, diện tích vùng lõm ở vùng xương ức của cháu bé đã được cải thiện. Độ sâu diện lõm giảm từ 15mm xuống còn 8mm, đường kính diện lõm giảm từ 14cm xuống còn 11 cm.
Tương tự, nhiều trẻ bị căn bệnh này đã được các bác sĩ điều trị thành công bằng phương pháp mới.
Thay thế phẫu thuật
TS Tô Mạnh Tuân - Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, BV Nhi T.Ư cho biết, nhiều bố mẹ chủ quan với những vết lõm trên ngực con mà không nghĩ rằng nó là dấu hiệu của căn bệnh nguy hiểm. Trước đây, để điều trị bệnh này, bệnh nhân sẽ được bác sĩ phẫu thuật đặt thanh nâng ngực. Tuy nhiên, phương pháp được coi là duy nhất này vẫn còn tồn tại nhiều biến chứng trong và sau mổ, bệnh nhân mang dị vật trong cơ thể trong khoảng thời gian dài. Do đó BV Nhi T.Ư đã nghiên cứu và ứng dụng thành công phương pháp điều trị không xâm lấn “đặt chuông nâng xương ức”. Sau một năm triển khai, 20 bệnh nhân với tình trạng bệnh khác nhau đã được điều trị thành công với kết quả khả quan.
TS Tô Mạnh Tuân cho biết, chuông nâng xương ức là dụng cụ điều trị lõm xương ức ở trẻ em đã được sử dụng từ 10 năm nay trên thế giới. Ý tưởng sử dụng một công cụ nâng xương ức từ bên ngoài lồng ngực đã có từ hàng thế kỷ trước, nhưng gần đây sự ra đời của chuông nâng xương ức khiến việc điều trị không xâm nhập trở nên khả thi. Chuông nâng xương ức là bộ thiết bị hút đặt bên ngoài lồng ngực, úp lên diện lõm của thành ngực trước, được điều chỉnh áp lực bằng bóng bóp. Thiết bị này có tác dụng nâng xương ức và khung xương sườn bằng lực hút chân không, có thể quan sát hiệu quả bằng cách nhìn vào kính quan sát.
Cấu tạo chuông gồm 3 phần: Thân vòm, kính quan sát và bộ dây bóng bóp. Kích thước vòm cần đủ rộng để hộ trợ toàn bộ vùng ngực lõm, vừa đủ để không chạm vào họng và bụng. Ở bệnh nhân nữ, chuông cần được đặt khéo léo để không đè lên phần vú, gây đau.
Trước tiên, chuông nâng xương ức có thể sử dụng thay thế hoàn toàn cho phẫu thuật đặt thanh nâng. Ngoài ra, chuông cũng có thể dùng trong thời gian chuẩn bị mổ, thậm chí trong cuộc mổ để tạo khoang sau xương ức, giúp việc đặt thanh an toàn hơn.
Theo TS Tô Mạnh Tuân, lõm ngực bẩm sinh có tỷ lệ mắc bệnh không cao nhưng là một bệnh có tỷ lệ biến chứng cao. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh lõm ngực bẩm sinh không chỉ gây biến dạng về mặt thẩm mỹ mà còn gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe và sự phát triển.
Biến chứng tác động mạnh nhất là những thay đổi về mặt thẩm mỹ. Bộ ngực bị biến dạng, càng lớn, càng dậy thì, càng đến tuổi làm đẹp thì ngực càng bị biến dạng mạnh. Ngực trở nên gù vẹo, lõm sâu, co kéo. Đa phần các đối tượng đều cảm thấy xấu hổ, mất tự tin và ngại giao tiếp.
Tùy vào thể lõm ngực là chính tâm hay lệch tâm mà nó tác động tới tim như thế nào. Nhưng thường thì tim sẽ bị di đẩy ra khỏi vị trí bình thường. Sự tác động này thường làm thiếu hụt khối lượng máu tuần hoàn. Tim có thể lệch trái, lệch phải hoặc có khi bị ép ở chính giữa. Hoạt động phát nhịp tim có thể bị nhanh lên hoặc chậm đi bất thường.
Ngoài ảnh hưởng đến tim, lõm ngực còn ảnh hưởng đến phổi. Do dị tật lõm ngực nên thể tích lồng ngực bị giảm rất lớn. Hiện tượng này làm phổi không thể giãn ra được và do đó chức năng hô hấp không đảm bảo. Người bệnh bị chứng thiếu khí thở, thiếu máu thường xuyên,. Vì vậy, nếu thấy dấu hiệu của bệnh lõm ngực ở trẻ, gia đình nên đứa con đến BV sớm để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dieu-tri-benh-lom-nguc-bang-phuong-phap-moi-347838.html