Điều trị hẹp miệng nối sau mổ bằng nội soi nong bóng Plastic Rigiflex tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An
Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã điều trị thành công cho hai bệnh nhân bị hẹp miệng nối thực quản hỗng tràng sau mổ bằng phương pháp nội soi nong bóng Plastic Rigiflex. Phương pháp này giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục, ăn uống bình thường. Đây là minh chứng cho năng lực chuyên môn và sự phối hợp hiệu quả của đội ngũ y bác sĩ.
Vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã tiếp nhận 2 bệnh nhân bị hẹp miệng nối thực quản hỗng tràng sau mổ. Đó là bệnh nhân S.V.Ch., 58 tuổi, ở Châu Phong, Quỳ Châu được chẩn đoán hẹp miệng nối/K dạ dày đã phẫu thuật/giai đoạn IB; bệnh nhân thứ hai là L.T.T., 70 tuổi (TP Vinh) được chẩn đoán hẹp miệng nối/K dạ dày đã phẫu thuật.
Hai bệnh nhân đã được các bác sĩ phối hợp đa chuyên khoa để điều trị, gồm: TS.BS Đinh Văn Chiến - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, bác sĩ điều trị khoa Ngoại Tiêu hóa cùng với BS CKII Trần Xuân Hưng - Trưởng khoa Nội Tiêu hóa; ThS.BS Tăng Đình Quang, khoa Thăm dò chức năng, điều trị thành công cho bệnh nhân bằng kỹ thuật nội soi nong bóng Plastic Rigiflex.
Sau nội soi nong miệng nối 12 giờ, bệnh nhân được cho ăn cháo, súp lỏng và sau 24 giờ cho ăn cháo đặc. Kết quả điều trị cho thấy cả 2 bệnh nhân đều hết hẹp hoàn toàn, ăn uống lại như bình thường.
"Trước đây tôi đã điều trị rất nhiều ở các cơ sở y tế khác nhau nhưng không đỡ, tôi vẫn bị nuốt nghẹn, ăn uống rất khó khăn đã hơn 3 tháng nay rồi, làm cho tôi rất mệt mỏi về sức khỏe lẫn tinh thần. Lần này may mắn gặp được các bác sĩ nên tôi mới có được mỗi bữa ăn ngon thế này" – một bệnh nhân chia sẻ.
TS.BS Đinh Văn Chiến cho biết: "Hẹp miệng nối sau phẫu thuật ống tiêu hóa là một biến chứng hiếm gặp. Theo các nghiên cứu trên thế giới thì tỷ lệ hẹp miệng nối gặp từ 0,9% - 9% đối với máy cắt nối tròn (circular stapler); 4,6% - 6% đối với máy cắt nối thẳng (linear stapler) và hơn 10% đối với khâu truyền thống. Các nghiên cứu cũng ghi nhận tỷ lệ hẹp miệng nối nói riêng và biến chứng nói chung còn phụ thuộc vào kỹ năng, kinh nghiệm và trình độ của bác sĩ phẫu thuật.
Vì là biến chứng hiếm gặp, tỷ lệ thấp nên có ít nghiên cứu nói về phương pháp điều trị khi có biến chứng hẹp miệng nối. Do đó, khi có bệnh nhân bị hẹp miệng nối, người thầy thuốc rất lúng túng trong tìm hướng điều trị, nên nhiều người bệnh phải đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để điều trị nhưng đều không có kết quả".
Điều trị hẹp miệng nối có nhiều phương pháp, mỗi phương pháp áp dụng cho mỗi bệnh nhân phù hợp, mỗi vị trí của ống tiêu hóa... và nguyên tắc áp dụng là từ can thiệp nhẹ nhất, ít xâm lấn nhất đến can thiệp phẫu thuật lại.
Tuy nhiên, bệnh nhân sau mổ sức khỏe yếu thì vấn đề can thiệp lại là vô cùng khó khăn và nhiều nguy cơ, không phải vị trí ống tiêu hóa nào cũng can thiệp lại được. Vì vậy, người bệnh cần đến cơ sở y tế có các bác sĩ chuyên môn sâu và nhiều kinh nghiệm mới có thể lựa chọn phương pháp tối ưu nhất cho người bệnh.
BS CKII Trần Xuân Hưng - Trưởng khoa Nội Tiêu hóa cho biết thêm: "Ưu điểm của nội soi nong bóng Plastic Rigiflex là phương pháp xâm lấn tối thiểu, giúp giảm thiểu nguy cơ tổn thương và thời gian phục hồi cho bệnh nhân, tỷ lệ thành công của thủ thuật này tương đối cao, giúp cải thiện đáng kể tình trạng hẹp và chức năng tiêu hóa của bệnh nhân. Nhờ áp dụng kỹ thuật gây tê hoặc gây mê hiệu quả, bệnh nhân thường cảm thấy ít đau hoặc không đau trong suốt quá trình thực hiện".
Thành công trong điều trị biến chứng hẹp miệng nối của các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho thấy, bệnh viện không chỉ quan tâm về kỹ thuật, phương pháp điều trị mà còn chú trọng về chiều sâu trong phác đồ điều trị để điều trị cho người bệnh khi có biến chứng, đáp ứng mọi nhu cầu điều trị của nhân dân trong tỉnh và trong khu vực Bắc Trung Bộ.