Điều trị loét tỳ đè như nào để nhanh lành?

Loét tỳ đè do nằm liệt giường thường là những vết thương sâu không tự lành được. Vậy cần chăm sóc ổ loét như thế nào để thúc đẩy quá trình chữa lành vết loét do tỳ đè?

Loét tỳ đè làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống và gây ra nhiều biến chứng tại chỗ cũng như toàn thân. Điều trị loét tỳ đè thường phức tạp và dựa trên đặc điểm cụ thể của từng vết thương.

Điều trị bao gồm điều trị nguyên nhân, giảm đau và chăm sóc tại chỗ để hồi phục tổn thương. Ở những người nằm liệt giường trong thời gian dài, có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa và phát hiện sớm để tránh xuất hiện hoặc làm trầm trọng thêm các vết loét do tỳ đè.

Chăm sóc ổ loét tỳ đè sẽ là bước quan trọng trong quá trình điều trị loét tỳ đè.

Chăm sóc ổ loét tỳ đè sẽ là bước quan trọng trong quá trình điều trị loét tỳ đè.

1. Loét tỳ đè là gì?

Loét tỳ đè là một tổn thương của da và các mô bên dưới, được đặc trưng bởi một vùng mô bị tổn thương (hoại tử) tạo thành một vết thương không thể tự lành.

Nguy cơ phát triển loét tỳ đè liên quan trực tiếp đến việc bất động ở tư thế nằm hoặc ngồi, với sự chèn ép cục bộ làm nguồn cung cấp máu tại chỗ không đủ, hoặc có liên quan đến một bệnh lý khác, đặc biệt là bệnh đái tháo đường.

Người cao tuổi có nhiều nguy cơ bị loét tỳ đè vì da của họ mỏng hơn và nhạy cảm hơn với việc giảm nguồn cung cấp máu cục bộ. Nguy cơ này trầm trọng hơn nếu đi kèm suy dinh dưỡng.

2. Mục tiêu điều trị loét tỳ đè

Các phương pháp điều trị vết loét do tỳ đè rất phức tạp với mục tiêu:

Loại bỏ các nguyên nhân gây chèn ép, rối loạn tuần hoàn máu để khôi phục lưu thông cục bộ;
Thiết lập các điều kiện có lợi cho việc chữa lành, ví dụ làm sạch, khô vết thương rỉ dịch
Giảm đau và khó chịu tại chỗ thông qua các phương pháp điều trị như thuốc giảm đau tại chỗ hoặc toàn thân;
Phòng và điều trị biến chứng;
Ngăn ngừa tái phát.

3. Chăm sóc ổ loét để thúc đẩy quá trình chữa lành vết loét tỳ đè như thế nào?

Để thúc đẩy quá trình lành vết thương, chăm sóc ổ loét tỳ đè sẽ là bước quan trọng trong quá trình điều trị loét tỳ đè.

3.1 Vệ sinh vết loét tỳ đè

Đây là điều kiện thiết yếu để vết thương nhanh chóng lên mô hạt và tiến hành quá trình tái tạo phần mô tổn thương. Có thể rửa vết thương bằng nước muối sinh lí hoặc tốt hơn là các các loại dung dịch có tính sát khuẩn lành tính để làm sạch vết thương.

Nên tránh dùng các chất sát khuẩn có thể gây độc tế bào như hydro peroxid.

Băng vết thương được lựa chọn cho loại cần đảm bảo khả năng kiểm soát dịch tiết.

Băng vết thương được lựa chọn cho loại cần đảm bảo khả năng kiểm soát dịch tiết.

3.2 Băng vết thương

Một vết loét không chỉ sử dụng duy nhất một loại gạc băng vết thương mà phụ thuộc vào tình trạng thực tế của từng vết loét để lựa chọn loại gạc phù hợp.

Băng vết thương được lựa chọn cần đảm bảo khả năng kiểm soát dịch tiết, duy trì độ ẩm cho nền vết thương và hỗ trợ quá trình kéo da non diễn ra nhanh hơn. Đồng thời, do tình trạng tỳ đè vẫn tiếp diễn nên các loại băng gạc có khả năng giảm thiểu áp lực lên vết thương và vùng da xung quanh cần được ưu tiên lựa chọn.

3.3 Các thuốc điều trị khác

Các vết loét do tỳ đè là những vùng da rất nhạy cảm, bị viêm và do đó rất đau. Để giảm đau các thuốc giảm đau có thể được kê đơn như paracetamol hoặc các thuốc kháng viêm giảm đau NSAID. Trong trường hợp đau nặng các thuốc giảm đau opioid như codein, tramadol có thể được kê đơn. Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng xung quanh vết thương, có thể dùng thuốc kháng sinh.

Lưu ý, khi sử dụng thuốc điều trị loét tỳ đè cần tư vấn, kê đơn của các bác sĩ.

Khi vết loét do tỳ đè không lành, nhân viên y tế sẽ xem xét một số biến chứng. Ví dụ, nếu nghi ngờ nhiễm trùng xương, xét nghiệm máu và chụp cộng hưởng từ hoặc thậm chí sinh thiết có thể được thực hiện. Trong một số trường hợp đặc biệt, có thể phải dùng đến phương pháp ghép da để thúc đẩy quá trình lành vết thương

4. Bệnh nhân và người nhà cần lưu ý gì?

Khi có biểu hiện loét tỳ đè cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám phân loại, chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị, chăm sóc thích hợp tránh vết loét lan rộng gây khó khăn phức tạp hơn cho quá trình điều trị sau này.

Bệnh nhân và người nhà cần biết cách quản lý tình trạng bệnh trong bệnh viện cũng như tại nhà, bao gồm:

- Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo loét tỳ đè như đổi màu da, loét, tiết dịch hoặc mùi hôi từ vị trí loét và các vùng cơ thể bị giảm hoặc mất cảm giác.

- Thay đổi vị trí mỗi 2 giờ, bệnh nhân không thể tự làm cần yêu cầu người chăm sóc hỗ trợ.

- Sử dụng các vật dụng hỗ trợ như gối hoặc đệm mút giúp giảm áp lực lên các điểm tì đè.

- Giữ cho da sạch và khô ráo.

- Sử dụng thuốc giảm đau để giảm bớt sự khó chịu

- Cuối cùng, dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng để chữa lành vết loét tỳ đè. Một chế độ ăn giàu protein, cân bằng được khuyến khích. Đối với bệnh nhân thiếu vitamin, có thể kết hợp bổ sung.

Dấu hiệu ung thư xương.

Ths. Trần Kim Oanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dieu-tri-loet-ty-de-nhu-nao-de-nhanh-lanh-169230524151152085.htm