Điều trị phục hồi chức năng sớm giúp hạn chế nguy cơ biến chứng, dị tật

Phục hồi chức năng (PHCN) sớm là chìa khóa giúp người bệnh rút ngắn thời gian điều trị, nhanh chóng lấy lại sức khỏe và khả năng vận động, độc lập trong sinh hoạt. Đây là phương pháp điều trị mang lại hiệu quả cao, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh sau chấn thương, phẫu thuật.

Điều trị phục hồi chức năng sớm giúp ông Nguyễn Văn Hiền ở huyện Mê Linh (Hà Nội) giảm bớt các biến chứng sau phẫu thuật khớp vai. Ảnh: Kim Ly

Điều trị phục hồi chức năng sớm giúp ông Nguyễn Văn Hiền ở huyện Mê Linh (Hà Nội) giảm bớt các biến chứng sau phẫu thuật khớp vai. Ảnh: Kim Ly

PHCN là chuyên khoa về khám, đánh giá và phục hồi tối đa chức năng cơ thể đã suy yếu hoặc khuyết tật của người bệnh. Mỗi trường hợp bệnh phù hợp với các hình thức phục hồi khác nhau, song đều hướng tới mục tiêu phục hồi sức khỏe cho người bệnh, giúp họ lấy lại khả năng tự hoạt động.

Việc PHCN nên bắt đầu càng sớm càng tốt, bởi PHCN sớm giúp ngăn ngừa các tai biến cũng như biến chứng có thể xảy ra như trật khớp, chấn thương, rối loạn vận mạch; giảm các biến chứng về hô hấp, loét tỳ đè, teo cơ, cứng khớp, táo bón, nhiễm khuẩn tiết niệu, bí tiểu… do nằm lâu.

Đồng thời thúc đẩy quá trình phục hồi của não bộ; các hoạt động chức năng được cải thiện nhanh hơn và tốt hơn; rút ngắn thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị.

Nếu không được tiếp cận với PHCN sớm, người bệnh sẽ bỏ qua “thời gian vàng” để phục hồi các chức năng sau chấn thương, phẫu thuật và phải đối mặt với các biến chứng, dị tật.

Hiện nay, tình trạng bệnh nhân đột quỵ não đang ngày càng gia tăng. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra tàn tật và để lại di chứng nặng nề đối với sức khỏe người bệnh.

Theo thống kê, có từ 1/3 - 2/3 người bệnh sống sót sau đột quỵ não để lại di chứng tàn tật vĩnh viễn. Do đó, việc PHCN vận động sớm là việc cần thiết nhằm làm giảm tối đa các di chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Nếu được bác sĩ, kỹ thuật viên tư vấn, thực hiện các bài tập, phương pháp trị liệu phù hợp, người bệnh có khả năng phục hồi cao nhất sau đột quỵ não.

Còn đối với các tổn thương do chấn thương, phẫu thuật, PHCN sớm giúp hạn chế đối đa mức độ tổn thương, phòng ngừa nguy cơ để lại các biến chứng, dị tật.

Với đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm, cùng với hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại được trang bị đầy đủ, Bệnh viện PHCN tỉnh đáp ứng nhu cầu dịch vụ y tế chất lượng cao, tốt nhất cho người dân trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận.

Mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận và điều trị nội trú gần 4.300 bệnh nhân, trong đó, nhiều bệnh nhân được tiếp cận PHCN sớm có quá trình phục hồi sức khỏe nhanh chóng sau chấn thương, phẫu thuật.

Ông Nguyễn Văn Hiền ở huyện Mê Linh (Hà Nội) bị teo cơ vùng khớp vai đã được phẫu thuật tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Sau phẫu thuật, ông được các bác sĩ tư vấn điều trị PHCN sớm tại Bệnh viện PHCN tỉnh nhằm đẩy nhanh quá trình PHCN vận động của tay.

Ông Hiền cho biết: “Trong quá trình điều trị tại Bệnh viện PHCN tỉnh, tôi được các bác sĩ, kỹ thuật viên hướng dẫn cách tập và trực tiếp giúp tôi tập luyện.

Hằng ngày, các bác sĩ, kỹ thuật viên thực hiện các kỹ thuật điện phân, điện xung, siêu âm, xoa bóp, giúp tôi hồi phục nhanh chóng. Trước khi nhập viện, cánh tay tôi không thể giơ lên 1 góc 15 độ, nhưng giờ đây có thể cử động như bình thường. Ít ngày nữa tôi có thể ra viện và tự tập luyện ở nhà theo hướng dẫn của bác sĩ”.

Sau khi mổ thoát vị đĩa đệm, anh Đào Huy Thuần (Vĩnh Tường) có biểu hiện bí tiểu, tê liệt 2 chân, khiến anh đi lại, vận động khó. Anh Thuần được các bác sĩ tư vấn, can thiệp PHCN sớm để giảm bớt các biến chứng sau phẫu thuật. Sau 2 tháng điều trị tại Bệnh viện PHCN tỉnh, anh Thuần đã có thể sinh hoạt và đi lại bình thường.

Bác sĩ Đoàn Thanh Bình, Giám đốc Bệnh viện PHCN tỉnh cho biết: Để việc điều trị có hiệu quả, ngoài điều trị PHCN sớm và toàn diện cho người bệnh với các bài tập phù hợp, khoa học, cần kết hợp trị liệu về mặt tâm lý cho người bệnh để họ có tinh thần lạc quan, ý chí vững vàng trong quá trình điều trị.

Ngoài ra, người thân trong gia đình cần khuyến khích, động viên người bệnh tập luyện, ăn uống và sinh hoạt phù hợp. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ đúng liệu trình PHCN theo chỉ định của bác sĩ, đồng thời từ bỏ các thói quen có thể gây tái phát bệnh như hút thuốc lá, uống rượu, ăn quá mặn hoặc quá ngọt…

Bệnh viện PHCN tỉnh cũng phối hợp với các bệnh viện, cơ sở y tế trong việc tư vấn, kết hợp điều trị PHCN sớm cho người bệnh; tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho bệnh nhân và người nhà trong việc điều trị PHCN sớm, góp phần hạn chế thấp nhất những biến chứng, dị tật sau chấn thương, phẫu thuật.

Bạch Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/121819//dieu-tri-phuc-hoi-chuc-nang-som-giup-han-che-nguy-co-bien-chung-di-tat