Điều trị rối loạn nhịp tim phức tạp bằng sóng tần số radio sử dụng hệ thống lập bản đồ 3D
Lần đầu tiên tại Bệnh viện 19-8 Bộ Công an, các bác sĩ khoa Nội Tim mạch đã triển khai thành công kỹ thuật điều trị các rối loạn nhịp tim phức tạp bằng năng lượng sóng có tần số Radio (RF), sử dụng hệ thống lập bản đồ 3 chiều giải phẫu điện học buồng tim.
Bệnh nhân đầu tiên là ông Nguyễn Hữu C. (SN 1959), nhập viện với tình trạng hụt hơi, khó thở, nhiều cơn hồi hộp kéo dài, kèm theo đau tức ngực.
Qua khai thác bệnh sử, khám lâm sàng, xét nghiệm máu, siêu âm tim, đo điện tim, đặc biệt là Holter điện tim 24 giờ, bác sĩ xác định bệnh nhân bị ngoại tâm thu thất số lượng nhiều kèm theo nhiều cơn nhanh thất ngắn. Bệnh nhân đã từng sử dụng thuốc nhưng đáp ứng điều trị kém không triệt để.
Bệnh nhân thứ hai Chu Thị Ng. (SN 1957), có tiền sử thỉnh thoảng xuất hiện cơn hồi hộp trống ngực, tim đập rất nhanh vã mồ hôi, người mệt mỏi choáng váng, nhịp tim lên tới 180 chu kỳ / phút đã đi khám và sử dụng thuốc điều trị nội khoa. Nhưng gần đây bệnh nhân lại xuất hiện triệu chứng như trên với tần suất nhiều hơn nên đã vào viện, qua thăm khám và làm điện tâm đồ phát hiện là cơn hồi hộp đó là cơn tim nhịp nhanh nhĩ với tần số 170 chu kỳ/ phút.
Sau khi hội chẩn, với sự tham vấn của các chuyên gia tới từ Viện Tim mạch Quốc Gia – Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ quyết định thực hiện triệt điều trị 2 ca bệnh rối loạn nhịp trên bằng năng lượng sóng tần số Radio với sự hỗ trợ của hệ thống lập bản đồ 3 chiều. Hiện tại, đây là sự lựa chọn tối ưu nhất, điều trị triệt để đối với các rối loạn nhịp tim phức tạp như trên với độ an toàn và hiệu quả cao.
Các bác sĩ mở đường vào mạch máu nhỏ ở đùi bệnh nhân, đưa dụng cụ chuyên biệt lên buồng tim. Dưới sự trợ giúp của hệ thống lập bản đồ giải phẫu – điện học 3D, bác sĩ nhanh chóng dựng được bản đồ giải phẫu – điện học buồng tim, xác định các vị trí bất thường cần triệt đốt. Sau đó triệt đốt bằng năng lượng sóng có tần số radio, rút dụng cụ, băng ép đường vào mạch máu.
Sau can thiệp, bệnh nhân hết hẳn các triệu chứng hồi hộp trống ngực, hụt hơi, khó thở, mệt mỏi, nhịp tim trở về bình thường, vết rạch da nhỏ gần như không đau, không chảy máu, dự kiến bệnh nhân có thể xuất viện trong 2-3 ngày tới.
Theo Ths.Bs. Dương Hồng Niên, Trưởng khoa Nội Tim mạch cho biết, trước đây việc điều trị rối loạn nhịp tim phức tạp như: rung nhĩ, nhanh nhĩ, ngoại tâm thu thất… cho các bệnh nhân thường sử dụng thuốc tuy nhiên hạn chế của việc dùng thuốc là chỉ có thể điều trị triệu chứng, việc triệt đốt bằng RF trên hệ thống 2D thường rất khó khăn và không thể điều trị triệt để.
Vấn đề được giải quyết thuận lợi khi Bệnh viện được trang bị và đưa vào sử dụng máy có hệ thống lập bản đồ không gia 3D giải phẫu – điện học buồng tim của hãng St. Jude Medical, Mỹ, được đầu tư từ nguồn kinh phí thuộc đề án “Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị y tế tiên tiến hiện đại cho các bệnh viện hạng I, Bộ công an” giai đoạn 2021 – 2025. Đây là hệ thống máy hiện đại bậc nhất trên thế giới hiện nay, trong nước chỉ có một số ít bệnh viện được trang bị.
Phương pháp áp dụng hệ thống lập bản đồ 3D giải phẫu điện học buồng tim giúp xác định chính xác vị trí cần can thiệp, điều trị triệt để, duy trì nhịp tim ổn định lâu dài, tỷ lệ tái phát thấp. Đặc biệt, phương pháp này giảm tối thiểu thời gian sử dụng tia X, tránh ảnh hưởng cho bệnh nhân và nhân viên y tế. Đây là thủ thuật ít xâm lấn, thời gian nằm viện ngắn, tỷ lệ thành công cao. Tuy nhiên, để triển khai được kỹ thuật này các bệnh viện phải đảm bảo hệ thống trang thiết bị rất hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, cần có các thủ thuật can thiệp khá phức tạp do vậy hiện nay kỹ thuật này mới chỉ được triển khai ở một số ít các Bệnh viện tuyến Trung ương.
Bệnh viện 19-8 là Bệnh viện hạng I của Bộ Công an triển khai đầu tiên kỹ thuật này trong điều trị các loạn rối loạn nhịp tim phức tạp, đây là bước tiến lớn trong chuyên ngành tim mạch nói chung và nhịp học nói riêng, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ Công an cũng như tất cả người bệnh đến khám và điều trị tại Bệnh viện.