Điều trị tăng cholesterol sau 7 năm vẫn nhồi máu cơ tim
Anh N.T.T được bác sĩ chẩn đoán cao mỡ máu (tăng cholesterol máu) từ năm 2012, được điều trị thuốc đều đặn, nhưng vừa qua phải nhập viện vì cơn nhồi máu cơ tim khi mới 32 tuổi. vì sao?
Tăng cholesterol càng nguy hiểm nếu do di truyền
Tăng cholesterol máu có thể hình thành từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chỉ khi chẩn đoán đúng nguyên nhân bệnh lý bác sĩ mới có thể xác định mục tiêu điều trị phù hợp, đem lại hiệu quả điều trị cao nhất. Nếu bệnh nhân tăng cholesterol máu thông thường chỉ cần ổn định nồng độ LDL-C ở mức 130 - 160mg/dL còn bệnh nhân mắc cholesterol di truyền chỉ thật sự an toàn trong ngưỡng LDL-C 70 - 100mg/dL. Nếu điều trị không thích hợp trong thời gian dài sẽ giảm hiệu quả điều trị, sau 7 - 10 năm, các biến chứng từ tăng cholesterol máu vẫn xuất hiện như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến, đột quỵ.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, phác đồ điều trị dành cho tăng cholesterol máu di truyền áp dụng liệu pháp Statin cần phải bắt đầu bằng liều cao ngay từ đầu; nếu vẫn không đạt mục tiêu mong muốn, bác sĩ có thể kết hợp 2 - 3 thuốc khác để điều chỉnh, kết hợp đa trị liệu (bao gồm lọc LDL-C máu và cân nhắc dùng 4 thuốc).
Các nghiên cứu cho thấy, tuy có cùng chỉ số LDL-C máu, người mang đột biến gien (di truyền) lại có nguy cơ xơ vữa động mạch, bệnh động mạch vành trung bình cao gấp 3 lần người bình thường, và nguy cơ này càng tăng khi nồng độ LDL-C máu càng cao.
Cứ 200 - 250 người có 1 người mắc bệnh tăng cholesterol máu di truyền.Tỷ lệ này trở nên đáng lo ngại khi nhiều người còn ỷ lại rằng chỉ khi béo phì, thiếu vận động mới bị cao mỡ máu. Nếu gia đình có người thân bị bệnh mạch vành/tim mạch sớm (nam <55 tuổi, nữ <60 tuổi) nguy cơ cao là do yếu tố di truyền; những người thân cùng huyết thống có nguy cơ mắc bệnh cao do đây là bệnh di truyền trội - chỉ cần cha hoặc mẹ mắc bệnh, mỗi người con có 50% khả năng mắc bệnh.
Việc phân tích, giải mã gien di truyền (DNA) ngày càng dễ tiếp cận hơn với giới y khoa trong nước, hỗ trợ đắc lực cho chẩn đoán lâm sàng, giúp cá thể hóa quá trình điều trị, góp phần hình thành nền y học chính xác hơn là chỉ phụ thuộc vào dấu hiệu lâm sàng và yếu tố kinh nghiệm. Dựa vào bệnh trạng mà bác sĩ lâm sàng sẽ chỉ định xét nghiệm các nhóm gien liên quan trực tiếp đến một số tình trạng như cơ tim phì đại, cơ tim giãn nở, rối loạn nhịp tim như hội chứng QT dài, hội chứng Brugada, bệnh tăng cholesterol di truyền… từ đó giúp xác định chẩn đoán, hỗ trợ điều trị và cải thiện tiên lượng sống cho bệnh nhân.
Tuy có cùng chỉ số LDL-C máu, người mang đột biến gien lại có nguy cơ xơ vữa động mạch, bệnh động mạch vành trung bình cao gấp 3 lần người bình thường
Đột biến gien “đột tử sớm” ở người trẻ Đông Nam Á
Thời gian qua, nhóm bệnh liên quan đến tim mạch như đột quỵ, đột tử, nhồi máu cơ tim có xu hướng “trẻ hóa” đặt ra cho giới y học những câu hỏi cần được giải thích dưới góc độ lối sống, dinh dưỡng và di truyền.
Để xác định nguyên nhân đột tử, đầu tiên, bác sĩ lâm sàng sẽ tìm hiểu người đó đột tử khi đang nghỉ ngơi hay gắng sức. Chẳng hạn một cầu thủ đột tử trong khi đá bóng, việc thường làm là mổ tử thi để xem có yếu tố tim mạch hay không; nếu thanh niên đột tử trong giấc ngủ hoặc lúc mới thức dậy, các bác sĩ thông thường sẽ nghĩ đến hội chứng Brugada, QT dài.
Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể làm xét nghiệm gien cho người chết và trữ mẫu. Sau đó thông báo cho gia đình bệnh nhân, điều tra tiền sử gia đình (ông bà cha mẹ, anh chị em), dựa vào biểu hiện lâm sàng của người thân mà thực hiện các khảo sát siêu âm, đo điện tâm đồ cho con cái người bị đột tử… Trong đó, khảo sát di truyền (xét nghiệm gien) cho kết quả có ý nghĩa lớn, giúp bác sĩ và gia đình theo dõi, quản lý nguy cơ đột tử. Nếu phát hiện đột biến gien có thể theo dõi hoặc đặt Stent sớm để ngăn ngừa nguy cơ bệnh.
Một nghiên cứu khảo sát gần đây giữa Viện Di truyền Y học (TP.HCM) với ĐH Y Hà Nội trên nhóm bệnh nhân mắc hội chứng Brugada cho thấy 15/27 người tham gia khảo sát mang đột biến gien liên quan. Khi so sánh với kết quả nghiên cứu ở Thái Lan trên những ca đột tử trẻ (độ tuổi trung bình 31) trong giấc ngủ, thật ngạc nhiên khi thấy nhiều đột biến gien mới Việt Nam phát hiện được cũng được báo cáo trong nhóm người này. Điều này có thể cho thấy mối liên quan nào đó về gien đột biến đã dẫn đến đột quỵ trong giấc ngủ (ở người trẻ tuổi) trên quần thể người Đông Nam Á.
Để biết có yếu tố di truyền hay không, bác sĩ lâm sàng sẽ điều tra tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh động mạch vành/ tim mạch sớm (cha dưới 55 tuổi, mẹ dưới 60 tuổi) hay không. Các dấu hiệu lâm sàng gợi ý nguyên nhân di truyền như: Mảng ứ đọng mỡ máu ở da, gân cơ, mống mắt, chỉ số cholesterol xấu tăng cao (LDL-C >190 mg/dl ở người lớn và LDC-C >160 mg/dl ở trẻ em).
Khi có người thân trong gia đình chẩn đoán mang đột biến gien, các thành viên trong gia đình cần xét nghiệm gien để tầm soát sớm khả năng mang đột biến di truyền. Tuy nhiên, nguy cơ rối loạn mỡ máu, nhồi máu cơ tim không chỉ xảy ra ở người thừa cân, béo phì mà kể cả người gầy nhưng mang gien đột biến.
Vì vậy, chẩn đoán phân tử (gien) và chẩn đoán lâm sàng sẽ xác định bệnh và nguy cơ tăng cholesterol cao có ý nghĩa y tế công cộng lớn trong sàng lọc bệnh, thay đổi mục tiêu điều trị với các bệnh nhân có đột biến gien, giúp cá thể hóa quá trình điều trị.
Tim mạch là bệnh phức tạp đa yếu tố, liên quan nhiều gien khác nhau. Tùy tình trạng bệnh mà bác sĩ lâm sàng sẽ chỉ định xét nghiệm những nhóm gien ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các tình trạng như cơ tim phì đại, cơ tim giãn nở, rối loạn nhịp di truyền, QT dài, hội chứng Brugada, tăng cholesterol gia đình…
Nếu số lượng gien nhỏ, chi phí giải trình tự khoảng 3 - 4 triệu đồng, với nhóm bệnh cơ tim có thể cần xét nghiệm hàng trăm gien, chi phí khoảng 7 - 9 triệu đồng tùy theo nhóm gien được chọn. Xét nghiệm di truyền không chỉ có ý nghĩa chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân mà còn giúp tiên lượng, phòng ngừa nguy cơ cho người thân trong gia đình.
Hiện nay, giải trình tự gien di truyền giúp chúng ta có thể bao quát 85% yếu tố nguy cơ bệnh tật và sức khỏe tuy nhiên tỷ lệ chẩn đoán chỉ mới ở mức 40%. Trong 22.000 gien của con người, chúng ta chỉ hiểu rõ đột biến trên 5.000 gien sẽ ảnh hưởng đến bệnh lâm sàng, 17.000 gien còn lại nếu đột biến có thể dẫn đến những nhóm bệnh tật nào vẫn còn là mảng trống với hiểu biết của giới khoa học. Việc giải cả bộ gien không đồng nghĩa với chắc chắn 100% biết được nguyên nhân di truyền gây ra yếu tố bệnh tật, sức khỏe...
Trẻ em, người gầy, thanh niên vẫn bị nhồi máu cơ tim
-Khác với bệnh tăng cholesterol máu thông thường, tăng cholesterol máu di truyền xuất phát do đột biến trội trên một trong ba gien: LDLR, PCSK9, APOB, gây mất chức năng của gien, làm giảm sự thanh lọc LDL-C ra khỏi huyết tương, dẫn đến nồng độ LDL-C tăng cao đáng kể trong máu. Quá trình tích lũy cholesterol xấu (LDL-C) ở thể bệnh nặng có thể diễn ra từ ngay sau sinh, khó nhận biết nên khi biểu hiện thành biến chứng (như nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành), đã muộn.
-Hiểu biết về di truyền học đã và đang giải thích cho những trường hợp bị tim mạch, cao mỡ máu bẩm sinh hoặc ở người trẻ tuổi (mà không có nguyên nhân bệnh lý khác). Vì vậy, tăng cholesterol máu (hay cao mỡ máu) không còn là “bệnh nhà giàu” mà bất kỳ ai (người gầy, người dưới 40 tuổi, trẻ em) mang đột biến gien vẫn có thể âm thầm diễn tiến bệnh mà chưa được phát hiện và điều trị đúng cách.