Digiworld (DGW): Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2023 giảm 53% so với cùng kỳ
Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã chứng khoán DGW) vừa có báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM giải trình nguyên nhân doanh thu và lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm nay đều sụt giảm mạnh.
Hoạt động kinh doanh lõi sụt giảm kéo theo bức tranh lợi nhuận lao dốc của DGW trong 6 tháng đầu năm 2023.
Về doanh thu thuần, kết thúc 6 tháng đầu năm 2023 Digiworld ghi nhận đạt hơn 8.555 tỷ đồng, giảm 28% so với kết quả đạt được 11.918 tỷ đồng của năm ngoái.
Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 162,4 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ năm ngoái báo lãi 347,7 tỷ đồng.
Công ty cho biết, nguyên nhân sụt giảm này hoàn toàn đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Mảng máy tính xách tay và máy tính bảng sụt giảm mạnh do nhu cầu tiêu dùng trong thời kỳ kinh tế khó khăn giảm. Mảng này ghi nhận doanh thu đạt 2.426 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 44% kế hoạch năm đề ra cho mảng này.
Mảng điện thoại di động cũng chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế hiện tại, tương tự như máy tính xách tay. Kết thúc 6 tháng đầu năm, doanh thu mảng điện thoại di động đạt 4.089 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 47% kế hoạch năm.
Mảng thiết bị văn phòng ghi nhận mức giảm thấp hơn nhờ sự đóng góp doanh thu của Công ty Achison, doanh thu mảng này giảm 12% so với cùng kỳ, đạt doanh thu 1.410 tỷ đồng, hoàn thành 37% kế hoạch năm.
Mảng hàng tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm đạt doanh thu 290 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh mẽ 77% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu nhờ vào việc Digiworld gia nhập ngành hàng đồ uống và bắt tay với hai ông lớn là ABInbev và Lotte Chilsung.
Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023, Digiworld mới hoàn thành 43% kế hoạch năm về doanh thu và 41% kế hoạch năm về lợi nhuận sau thuế.
Về tình hình tài chính, báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận tính đến hết 30/6/2023, DGW có tổng tài sản đạt 6.559 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,2% so với hồi đầu năm. Trong đó chủ yếu là tài sản ngắn hạn với 6.032 tỷ đồng, chiếm 91,9% tổng tài sản. Tiền và các khoản tương đương tiền của công ty ghi nhận tăng nhẹ so với hồi đầu năm đạt 963 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn của công ty chủ yếu tập trung ở các khoản phải thu ngắn hạn (2.355 tỷ đồng, tăng 49% so với hồi đầu năm), hàng tồn kho là 2.592 tỷ đồng (giảm 20,3% so với đầu năm).
Tài sản dài hạn của công ty ghi nhận chỉ 536,2 tỷ đồng, giảm 6,4% so với hồi đầu năm.
Tính đến hết tháng 6/2023, nợ phải trả của DGW là 4.006 tỷ đồng, tăng nhẹ 74 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, với vốn chủ sở hữu của công ty là 2.553 tỷ đồng, nợ phải trả đang cao gấp 1,56 lần vốn chủ sở hữu và chiếm đến 61% tổng nguồn vốn. Số nợ phải trả của Digiworld chủ yếu là nợ ngắn hạn (hơn 3.985 tỷ đồng). Trong đó riêng khoản vay ngắn hạn là 2.120 tỷ đồng và phải trả ngắn hạn người bán là 1.271 tỷ đồng.
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch sáng 28/8, cổ phiếu DGW đạt thị giá 55.500 đồng/cổ phiếu, tăng 0,91% so với phiên trước đó.