Đỉnh cao nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Phật giáo Việt Nam nhìn từ những tòa tháp Cửu phẩm Liên Hoa
Cửu phẩm Liên Hoa là một dạng tháp hết sức đặc biệt trong hệ thống điêu khắc và kiến trúc của Phật giáo Việt Nam, là biểu hiện kết tinh của 3 dòng tư tưởng Thiền- Tịnh- Mật tông. Hiện cả nước chỉ còn 3 tòa Cửu phẩm Liên Hoa có niên đại từ thế kỷ thứ 17- 18, trong đó có hai tòa ở chùa Động Ngọ và chùa Giám (Hải Dương) đã được công nhận bảo vật quốc gia mà chúng tôi đã phản ánh.
Từ kinh Phật “bước ra” đời thường
Theo TS. Trang Thanh Hiền, Cửu Phẩm Liên Hoa vốn có nguồn gốc sâu xa từ các nghi thức vừa hành lễ vừa cầu kinh lại đồng thời quay một vật gì đó như con lắc, quả chuông, tòa tháp, từ đó giúp cho lời kinh được phát tán vào trời đất. Tuy nhiên, dạng thức Cửu phẩm Liên Hoa vốn được hình tượng hóa lên từ kinh Phật nhưng lại chỉ được tìm thấy trong nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Hình tượng Cửu phẩm Liên Hoa trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam, chính là sự phát triển ở mức độ đỉnh cao của tín ngưỡng Tịnh Độ tông.
Tuy nhiên, tư tưởng này không chỉ đến thế kỷ XVII mới khởi phát khi loại hình kiến trúc này trở nên thịnh hành. Nó là một quá trình vận động phát triển lâu dài. Khi tháp Cửu phẩm Liên Hoa hình thành, các giá trị Tịnh Độ này chỉ chiếm vai trò chủ đạo chứ không phải vị trí độc tôn. Bởi lẽ lịch sử tư tưởng Phật giáo Việt Nam không phải lúc nào cũng thuần nhất một tông phái. Đặc biệt ở thế kỷ XVII, các tư tưởng Thiền - Tịnh - Mật đã luôn song hành. Tháp Cửu phẩm Liên Hoa là biểu hiện đầy đủ của các dòng tư tưởng này.
Thời Lý, tín ngưỡng Tịnh Độ tông đã rất phát triển với sự xuất hiện phổ biến thức tượng A Di Đà. Dưới thời Lý, Tịnh Độ Tông có mặt trong cả phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Cũng vào thời kỳ này, Thiền phái Vô Ngôn Thông cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng của Tịnh Độ Tông. Bằng chứng là trong Thiền Uyển Tập Anh cho biết: sư Tĩnh Lực (1112- 1175) thuộc thế hệ thứ 10 của Vô Ngôn Thông đã chủ trương niệm Phật cả tâm lẫn miệng, nghĩa là có sự phối hợp giữa Thiền với Tịnh.
Sang đến thời Trần, trước khi Thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập ra vào năm 1299 thì đã có Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ là những người có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ra đời của môn phái này. Dù vậy, yếu tố Mật giáo thời Lý đến giai đoạn này vẫn còn khá đậm. Yếu tố Mật Giáo này còn tiếp tục được lưu giữ một cách vô thức trong các tông phái Phật giáo giai đoạn sau.
Sau thế kỷ XVI tư tưởng Phật giáo Việt Nam mang nhiều tính phức tạp hơn, tuy không mất đi cái mạch nguồn của nó. Ảnh hưởng Phật giáo Trung Quốc hiện ra rõ nét hơn. Tông phái Trúc Lâm tiếp tục phát triển với vai trò của nhà sư Chân Nguyên. Nhưng Chân Nguyên không chỉ là tổ truyền thừa của Trúc Lâm mà còn chịu ảnh hưởng của phái Lâm Tế xâm nhập vào nước ta khoảng thế kỷ XVII.
Điểm qua các vị chân sư thuộc giai đoạn Phật giáo Phục hưng ở đàng ngoài, ta có thể nhận ra những mối liên hệ mật thiết của các tòa Cửu phẩm Liên Hoa. Thiền sư Chuyết Chuyết, Minh Hành gắn bó với chùa Bút Tháp, mặc dầu Cửu phẩm Liên Hoa chùa Bút Tháp hiện tại không ghi người khởi dựng. Qua một số thư tịch cổ chép là do Huyền Quang (Tổ thứ 3 dòng thiển Trúc Lâm Yên Tử) xây dựng. Đến thế kỷ XVIII thì được sư Tính Hài dựng lại.
Đỉnh cao nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Phật giáo Việt
Thiền sư Chân Nguyên không chỉ là tác giả của riêng cây phẩm này mà còn xây thêm 2 cây phẩm ở các chùa khác nữa như chùa Quỳnh Lâm, chùa Hoa Yên trong hệ thống các chùa thuộc dòng Trúc Lâm Yên Tử. Sự ra đời và nở rộ của các tháp Cửu phẩm Liên Hoa trong giai đoạn này cho thấy không chỉ đơn thuần xuất phát là Tịnh Độ, mà nó còn được cộng hưởng bởi nhiều yếu tố tư tưởng Phật giáo khác nhau. Tư tưởng chủ yếu vẫn là Thiền và Tịnh, dù yếu tố Thiền - Tịnh song tu có từ thời Lý - Trần nhưng đến đây đã mang màu sắc khác. Không loại trừ màu sắc của Mật tông vốn có trong đạo Phật thời Lý trong các Thiền phái như Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, kể cả Thiển phái Trúc Lâm.
Chúng không được gọi tên một cách biệt lập mà chỉ được coi như một yếu tố có màu sắc Mật giáo, hay có nguồn gốc từ Mật giáo sau đó bị biến đổi trong các hoạt động và thực hành của các Thiển phái mà thôi. Do đó, trong nghệ thuật tạo hình các yếu tố này cũng liên tục được trộn lẫn với nhau, để tạo nên một giá trị khá đặc trưng cho văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Như vậy sự hình thành tháp Cửu phẩm Liên Hoa trong lịch sử kiến trúc Phật giáo Việt Nam là một quá trình phát triển liên tục. Chúng là sự tiếp nối của các mô hình chùa tháp biểu tượng cho Phật hay một vị quân vương chiếm vị trí trung tâm của ngôi chùa. Tháp - chùa hoa sen với nghĩa biểu tượng là thế giới thanh tịnh của đức Phật. Cuối cùng là tháp Cửu phẩm Liên Hoa, hình thức tượng trưng cho luận thuyết của Phật giáo Tịnh Độ và công quả của những kẻ tu hành.
Tháp Cửu phẩm Liên Hoa khi đạt đến độ hoàn thiện vào đầu thế kỷ XVIII là sự chứng thực cho những thay đổi và chuyển biến về tư tưởng Phật giáo Việt Nam qua các thời đại. Từ Thiền - Tịnh trong Phật giáo Lý - Trần làm nền tảng, chuyển sang một hình thức mới mẻ rõ nét hơn trong thế kỷ XVII. Tư tưởng này được hòa trộn rất nhiều các yếu tố khác nhau mà trong đó: Thiền - Tịnh - Mật chiếm vị trí chủ đạo.
Đồng thời các yếu tố mới này còn mang cả tính chất thực dụng hơn. Người ta cần đến Phật pháp để mong tìm đến sự bình an trong tâm hồn vào thời loạn và tìm được ý nghĩa của sự sống mới nơi cõi Cực lạc khi được vãng sinh sau khi chết. Cửu phẩm Liên Hoa đã tạo nên một dạng thức hết sức độc đáo trong nghệ thuật kiến trúc cổ Việt Nam.