Đình chỉ vụ án Giám đốc TN&MT Bà Rịa – Vũng Tàu: Vụ việc có khép lại?
Nếu việc đình chỉ vụ án hình sự là do luật định, do lựa chọn của các đương sự, các tình huống mà pháp luật quy định không có lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng, vụ việc khép lại.
Mới đây, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh này do xét thấy hậu quả do các hành vi của bị can gây ra đã được khắc phục và không còn nguy hiểm cho xã hội.
Tháng 11/2023, ông Nguyễn Văn Hải khi đó đang làm Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh này khởi tố bị can, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, để điều tra về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Ông Hải bị khởi tố do những sai phạm khi đang là Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ (nhiệm kỳ 2011-2016). Việc khởi tố ông Hải cũng trong quá trình mở rộng điều tra liên quan đến vụ án trước đó.
Kết quả điều tra ban đầu, trong thời gian giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ, ông Hải có liên quan đến việc giao đất có thu tiền sử dụng đất mà không thông qua đấu giá, không đúng đối tượng, gây thiệt hại cho Nhà nước. Hiện toàn bộ các thửa đất trên đã được khắc phục hậu quả.
Sau khi bị khởi tố, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có quyết định tạm đình chỉ chức vụ Giám đốc Sở TN&MT tỉnh đối với ông Hải. Quá trình điều tra, ông Hải đã nộp số tiền hơn 983 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong thực tiễn tố tụng, đình chỉ vụ án hình sự không hiếm, pháp luật cho phép cơ quan tố tụng có quyền đình chỉ vụ án khi có căn cứ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với mỗi căn cứ pháp lý để đình chỉ vụ án hình sự, hậu quả pháp lý sẽ khác nhau.
Theo quy định tại Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp sau: Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự.
Liên quan vụ việc trên, thông tin từ cơ quan chức năng, ông Nguyễn Văn Hải đã được đình chỉ vụ án. Đồng thời được hủy bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Lý do ông Nguyễn Văn Hải được đình chỉ vụ án là do hậu quả vụ án đã được khắc phục. Vụ án đến giai đoạn điều tra, truy tố do chuyển biến tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội.
Trước đó, ông Hải bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khởi tố bị can để điều tra về hành vi "vi phạm các quy định về quản lý đất đai" theo Điều 229 Bộ luật Hình sự.
Hiện nay, cơ quan điều tra căn cứ vào Điều 29 BLHS để miễn trách nhiệm hình sự cho bị can này. Theo đó, khoản 2, điều này quy định, người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây: “Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.
Ngoài ra, điều luật này cũng quy định trường hợp người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Có thể, cơ quan điều tra xác định bị can đã bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả và do chuyển biến tình hình hành vi không còn nguy hiểm nữa nên căn cứ vào điều 29 của Bộ luật Hình sự để miễn trách nhiệm hình sự đối với bị can này. Đây là 2 căn cứ theo quy định của pháp luật để bị can có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Việc bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả chỉ có thể là căn cứ miễn trách nhiệm hình sự nếu việc bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả gắn với những tình tiết khác làm thay đổi bản chất của vụ việc như thuộc trường hợp tội phạm nghiêm trọng do lỗi vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng mà các bên đã hòa giải thỏa thuận được với nhau, đã bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả và bị hại có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
Còn trường hợp đình chỉ vụ án do "chuyển biến tình hình" hành vi của bị can bị cáo không còn nguy hiểm nữa, cơ quan tố tụng cũng cần làm rõ chuyển biến tình hình ở đây là gì khiến cho hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội nữa?
Theo Điều 29 Bộ luật Hình sự, một trong những căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự: "a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa". Đây là quy định tùy nghi để cơ quan tố tụng có thể áp dụng.
Tuy nhiên, khi áp dụng quy định này, cần phải làm rõ chuyển biến tình hình là gì và chuyển biến tình hình này có tác động như thế nào khiến hành vi phạm tội không còn nguy hiểm nữa.
Đối với việc bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả, đây là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điều 51 Bộ luật Hình sự. Bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả không phải là căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự. Tâm lý chung của các bị can, bị cáo trong vụ án hình sự là rất mong muốn được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, thậm chí là hình phạt không phải là hình phạt tù hoặc miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện...
Do đó, khi cơ quan tiến hành tố tụng đình chỉ điều tra vụ án, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn để trả tự do cho bị can, bị can sẽ vui mừng mà đón nhận quyết định đó, không khiếu kiện gì nữa. Tuy nhiên, trường hợp cơ quan điều tra đình chỉ vụ án không có căn cứ, quyết định đình chỉ này cũng có thể bị viện kiểm sát hủy bỏ hoặc bị thanh tra kiểm tra và cơ quan chức năng có thể hủy bỏ để yêu cầu tiếp tục điều tra hoặc ban hành quyết định khác phù hợp với quy định pháp luật hơn, đúng căn cứ hơn.
Ngoài ra, bị can, bị cáo cũng có quyền khiếu nại đối với các quyết định hành vi tố tụng khi cho rằng quyết định hành vi đó không đúng pháp luật.
Trường hợp bị can kêu oan, không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, trường hợp đình chỉ vụ án do chuyển biến tình hình hành vi không còn nguy hiểm, do được miễn trách nhiệm hình sự cũng có thể bị can, bị cáo không chấp nhận căn cứ để đình chỉ vụ án như vậy và sẽ có khiếu nại.
Hậu quả pháp lý của việc đình chỉ vụ án là vụ án chấm dứt. Nếu đình chỉ vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được tội phạm, không đủ căn cứ để khởi tố, có sai lầm trong việc nhận định đánh giá áp dụng pháp luật hoặc những nguyên nhân khác do có lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng (oan sai), ngoài việc đình chỉ vụ án, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn để phục hồi các quyền cơ bản của bị can, bị cáo, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trường hợp đình chỉ vụ án thuộc trường hợp mà pháp luật quy định phải không có lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, việc đình chỉ vụ án là căn cứ chấm dứt hoạt động tố tụng và trách nhiệm pháp lý sẽ không được đặt ra với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.
Việc đình chỉ vụ án hình sự phải rất thận trọng tránh oan sai cũng như bỏ lọt tội phạm. Nếu việc đình chỉ vụ án hình sự là do luật định, do sự lựa chọn của các đương sự, các tình huống mà pháp luật có quy định không có lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng, vụ việc khép lại.
Tuy nhiên, nếu vụ án bị đình chỉ do oan sai, do sai lầm trong việc áp dụng pháp luật có lỗi chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải xem xét trách nhiệm pháp lý và cần rút kinh nghiệm, có những giải pháp để không lặp lại những sự vụ như vậy.
Mời độc giả xem thêm video Đại biểu Quốc hội, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nói về Luật Đất đai (sửa đổi):