Đình chiến Mỹ - Trung có thể bị đảo ngược
Thương chiến Mỹ - Trung có thể sẽ không bao giờ được giải quyết, kể cả khi 2 phía đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, mà thỏa thuận này đang bị hoài nghi
Ủy ban Thuế quan Quốc vụ viện Trung Quốc hôm 15-12 tuyên bố hoãn kế hoạch áp thuế nhằm vào một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, vốn dự kiến được triển khai cùng ngày. Theo đó, nhiều mặt hàng Mỹ - từ bắp, lúa mì đến xe cộ và phụ tùng ôtô - sẽ không bị áp thuế 5%-10%. Tuy nhiên, những mức thuế mà Bắc Kinh đã áp lên hàng hóa Mỹ từ trước vẫn sẽ được giữ nguyên.
"Trung Quốc hy vọng có thể hợp tác với Mỹ, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, để giải quyết những mối lo ngại cốt lõi của nhau một cách đúng đắn và thúc đẩy sự phát triển ổn định của quan hệ kinh tế - thương mại song phương" - thông báo nêu rõ.
Thông báo trên được đưa ra 2 ngày sau khi Washington - Bắc Kinh đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà trong đó, theo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bắc Kinh đồng ý mua ít nhất 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong 2 năm.
Thỏa thuận còn yêu cầu Trung Quốc "thực hiện các cải cách cơ cấu cùng những thay đổi khác trong nhiều lĩnh vực liên quan đến kinh tế và thương mại, như sở hữu tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, dịch vụ tài chính, tiền tệ và ngoại hối".
Đổi lại, Mỹ sẽ hoãn kế hoạch áp thuế bổ sung lên 160 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, dự kiến có hiệu lực vào ngày 15-12. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ trong một tuyên bố hôm 13-12 khẳng định mức thuế 25% đã được áp lên 250 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn sẽ được giữ nguyên, song mức thuế 15% đã được áp lên 120 tỉ USD sẽ giảm còn 7,5%.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 14-12 khẳng định "thỏa thuận giai đoạn 1" giữa Washington và Bắc Kinh "rất có lợi" cho tăng tưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời cho biết "thỏa thuận giai đoạn 2" có thể được 2 phía "từng bước thông qua".
Theo Bộ trưởng Mnuchin, thông tin chi tiết về thỏa thuận giai đoạn 1 sẽ sớm được công bố sau khi 2 bên hoàn tất quá trình kiểm tra văn bản.
"Chúng tôi hy vọng thỏa thuận giai đoạn 1 sẽ được thực thi toàn diện vào tháng 1-2020 và sau đó, chúng tôi sẽ tiến đến thỏa thuận giai đoạn 2" - ông Mnuchin khẳng định, đồng thời nhấn mạnh điều quan trọng nhất là bảo đảm thỏa thuận giai đoạn 1 được thực hiện đúng đắn.
Dù vậy, theo báo The Guardian (Anh), giới chuyên gia lo ngại thương chiến Mỹ - Trung có thể sẽ không bao giờ được giải quyết, kể cả khi 2 phía đã đạt được thỏa thuận giai đoạn 1.
Tiến trình chậm chạp của điều mà Washington và Bắc Kinh gọi là "thỏa thuận giai đoạn 1" cho thấy không bên nào muốn nhượng bộ; đe dọa phá vỡ điều mà chuyên gia kinh tế Mohamed El-Erian - Tập đoàn Bảo hiểm Allianz (Đức) - khẳng định là "xu hướng toàn cầu hóa" của kinh tế thế giới.
Hiện tại, "đây không chỉ đơn thuần là một cuộc chiến về thương mại và tài sản trí tuệ mà còn về tương lai của hệ thống thương mại quốc tế dựa trên các quy tắc" - theo ông El-Erian. Chuyên gia này nhấn mạnh những lời chỉ trích gay gắt của Washington nhằm vào Bắc Kinh liên quan đến vấn đề Hồng Kông, tranh chấp biển Đông cùng nỗi lo của họ về hoạt động của Tập đoàn Công nghệ Viễn thông Huawei (Trung Quốc) càng làm khoét sâu xung đột.
Do đó, ông El-Erian khẳng định "thỏa thuận nhỏ bé" mà 2 phía công bố hôm 13-12 chỉ nên được xem như là "một thỏa thuận đình chiến tạm thời, có thể bị đảo ngược", thay vì "một giải pháp toàn diện" cho cuộc chiến thương mại.
Tương tự, chuyên gia kinh tế Trung Quốc Christopher Balding, Trường ĐH Fulbright Việt Nam, tỏ ra hoài nghi với thỏa thuận giai đoạn 1 khi khẳng định hai phía chưa nhượng bộ đáng kể. Theo ông Balding, mức thuế quan mà Mỹ cắt giảm là "rất nhỏ" và "dễ bị đảo ngược" nếu Washington không hài lòng với Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán sau này.