Đính chính 3 hiểu lầm thường gặp về thẻ Visa
Mặc dù thẻ Visa được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam nhưng vẫn còn một số người dùng hiểu sai bản chất của loại thẻ này. Bài viết dưới đây sẽ đính chính 3 hiểu nhầm thường gặp về thẻ Visa, cùng theo dõi nhé!
1. Visa là tên gọi của ngân hàng quốc tế
Đây là thông tin hoàn toàn sai. Thực tế, Visa là công ty công nghệ thanh toán toàn cầu (Visa International Service Association), không phải là một ngân hàng. Visa không cung cấp dịch vụ gửi tiền, vay vốn hoặc các dịch vụ tài chính trực tiếp đến người dùng. Tuy nhiên, nhờ sáng kiến của Visa mà các tổ chức tài chính có thể cung cấp cho người dùng nhiều phương thức thanh toán hơn như thanh toán ngay bằng thẻ ghi nợ (tên gọi khác: thẻ thanh toán), trả trước hoặc trả sau bằng các sản phẩm tín dụng.
Visa hoạt động như một mạng lưới thanh toán trung gian giữa các ngân hàng, người dùng và doanh nghiệp trên toàn thế giới. Visa hiện tại đã phủ sóng tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với các sản phẩm và dịch vụ khả dụng trên nhiều thiết bị như máy tính bảng, điện thoại thông minh, máy POS… Sở hữu thẻ Visa, chủ thẻ có thể thanh toán, rút tiền mặt, chuyển tiền… quốc tế một cách linh hoạt và tiện lợi.
2. Thẻ Visa là thẻ tín dụng
Suy nghĩ trên không hoàn toàn đúng vì thẻ Visa bao gồm 3 loại: Visa Debit Card (thẻ thanh toán quốc tế), Visa Credit Card (thẻ tín dụng quốc tế) và Visa Prepaid Card (thẻ Visa trả trước). Mỗi loại sẽ có đặc điểm và thủ tục mở thẻ Visa khác nhau:
Visa Debit Card (thẻ thanh toán quốc tế): Là loại thẻ được liên kết trực tiếp đến tài khoản ngân hàng của chủ thẻ. Để sử dụng thẻ thanh toán quốc tế, chủ thẻ phải nạp tiền vào tài khoản ngân hàng và chỉ sử dụng số tiền có trong tài khoản, không thể dùng vượt hạn mức. Khách hàng không cần chứng minh tài chính vẫn có thể mở thẻ thanh toán quốc tế.
Visa Credit Card (thẻ tín dụng quốc tế): Là loại thẻ cho phép chủ thẻ “mượn” tiền từ ngân hàng để mua sắm và thanh toán. Sau 45 - 55 ngày nếu chưa hoàn trả ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất cho khoản tiền vay và chủ thẻ phải trả lại số tiền vay trong khoảng thời gian quy định. Thẻ tín dụng thường có hạn mức từ 10 triệu VND đến vài tỷ VND, tùy thuộc vào loại thẻ và quy định của ngân hàng phát hành thẻ. Khách hàng cần chứng minh tài chính để có thể mở thẻ tín dụng quốc tế.
Visa Prepaid Card (thẻ trả trước): Là loại thẻ không liên kết với ngân hàng và khách hàng không cần mở tài khoản ngân hàng. Để sử dụng thẻ trả trước, chủ thẻ cần nạp tiền và chỉ được chi tiêu hạn mức tiền có sẵn trong thẻ. Khách hàng không cần chứng minh tài chính vẫn có thể mở thẻ thanh toán quốc tế.
3. Thẻ Visa chỉ sử dụng để thanh toán quốc tế
Suy nghĩ này đúng nhưng chưa đủ vì thẻ Visa có thể thanh toán tại hơn 200 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chủ thẻ Visa hoàn toàn có thể sử dụng thẻ thanh toán/thẻ tín dụng cho những chi tiêu trong nước và quốc tế. Có nhiều hình thức thanh toán bằng thẻ Visa, bao gồm:
Trực tuyến: Ngân hàng số (chuyển khoản bằng số tài khoản, quét mã QR), ví điện tử (Momo, ZaloPay, VNPAY), dịch vụ thanh toán di động (Apple Pay, Samsung Pay, Google Pay).
Trực tiếp: Thẻ Contactless, thẻ chip.
Ngoài thanh toán hóa đơn, thẻ Visa còn được sử dụng để rút tiền mặt tại cây ATM. Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng Visa Debit Card (thẻ thanh toán quốc tế) để rút tiền vì đây là một trong các chức năng chính của thẻ thanh toán. Đối với chủ thẻ tín dụng cần hạn chế rút tiền mặt vì phí rút cao (lên đến 4% giá trị giao dịch) cùng một số rủi ro như hạn mức rút tiền bị giới hạn, lãi suất cao, mất khả năng thanh toán…
Trên đây là 3 hiểu lầm thường gặp về thẻ Visa. Việc hiểu đúng bản chất của thẻ Visa và cách hoạt động của thẻ tín dụng, thẻ thanh toán và thẻ trả trước sẽ giúp người dùng khai thác tốt lợi ích và công năng của từng loại thẻ.