Đình công tiếp tục làm tê liệt đường sắt Anh

Vào thứ Năm (23/6), các cuộc đình công tiếp tục làm tê liệt mạng lưới đường sắt của Anh trong ngày thứ hai của tuần này và các nhân viên tại hãng hàng không British Airways cũng bỏ phiếu cho một chiến dịch nghỉ làm việc.

Chi phí thực phẩm và nhiên liệu tăng vọt đang làm cạn kiệt túi tiền của nhiều hộ gia đình Anh, khiến các tổ chức công đoàn yêu cầu tăng lương cao hơn cho các thành viên của họ. Trong khi đó, chính phủ Anh đã kêu gọi kiềm chế tiền lương để tránh vòng xoáy lạm phát.

Người biểu tình bên ngoài ga đường sắt quốc tế St Pancras ở London, Anh. Ảnh: Reuters

Người biểu tình đối thoại với nhân viên an ninh ở Preston, Anh. Ảnh: Reuters

Hành khách chờ đợi bên trong nhà ga Euston ở London, Anh. Ảnh: Reuters

Mạng lưới đường sắt của Anh đã rơi vào tình trạng tê liệt khi 40.000 công nhân đình công vào thứ Ba vừa rồi, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo công đoàn, các công ty vận hành xe lửa và chính phủ phải đối mặt với yêu cầu tăng lương để theo kịp với lạm phát gia tăng và lời hứa không cắt giảm việc làm.

Hành khách được khuyến cáo không nên sử dụng tàu hỏa trừ khi thực sự cần thiết trong cả tuần này, do các hoạt động đường sắt và tàu điện ngầm chỉ duy trì ở mức 20%. Các nghiệp đoàn đã cảnh báo họ sẽ hành động nhiều hơn trừ khi đạt được thỏa thuận.

Mick Lynch, tổng thư ký của của Hiệp hội Công nhân Đường sắt, Hàng hải và Vận tải (RMT), nói với BBC: "Nếu chúng tôi không được giải quyết được thì điều đó có thể xảy ra".

Bất chấp các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra, ngày thứ ba của đình công đã được lên kế hoạch vào thứ Bảy tới. Giáo viên, nhân viên y tế và các ngành công nghiệp khác cũng đang hướng tới hành động đình công tương tự, điều mà các công đoàn cho rằng có thể tạo nên một "mùa hè bất mãn" ở Anh.

Trước tiên, các công nhân của hãng hàng không British Airways tại Heathrow ở London đã bỏ phiếu ủng hộ việc đình công để đòi tăng lương, qua đó có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn tại sân bay bận rộn nhất của Anh và vốn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân viên.

Chính phủ Anh đã chỉ trích các cuộc đình công đường sắt, gọi chúng là phản tác dụng và gây thiệt hại nhiều nhất cho những người có thu nhập thấp, những người phụ thuộc vào phương tiện giao thông công cộng và không thể làm việc tại nhà.

"Tôi muốn chúng tôi làm việc cùng với các nhân viên đường sắt vì một tương lai tốt đẹp hơn cho đường sắt, và tôi nghĩ rằng các cuộc đình công là một ý tưởng khủng khiếp", Thủ tướng Boris Johnson nói từ Rwanda, nơi ông đang tham dự một cuộc họp của Khối thịnh vượng chung.

Các bộ trưởng Anh cũng đang có kế hoạch thay đổi luật giúp các doanh nghiệp sử dụng nhân viên tạm thời dễ dàng hơn, trong một động thái được thiết lập để giảm thiểu tác động của các cuộc đình công.

Bộ trưởng Kinh doanh Kwasi Kwarteng cho biết: "Một lần nữa các tổ chức công đoàn đang cầm chân đất nước để đòi tiền chuộc bằng cách ngừng hoạt động của các dịch vụ công và doanh nghiệp quan trọng”.

Hoàng Anh (Reuters, CNA)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dinh-cong-tiep-tuc-lam-te-liet-duong-sat-anh-post200744.html