Định danh gần 24,21 triệu hồ sơ điện tử công dân là giáo viên và học sinh
Năm 2023, ngành Giáo dục chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý. Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục, đào tạo đã kết nối internet tốc độ cao, 90% các cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm quản lý với phần lớn là phần mềm quản lý theo mô hình trực tuyến.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, quá trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, toàn ngành đã xây dựng, bổ sung và đưa vào sử dụng Kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành với gần 7.000 bài giảng e-learning, hơn 2.000 video bài giảng dạy trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông...
Đáng chú ý, ngành Giáo dục đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu chung kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia; số hóa, gắn mã định danh 53 nghìn trường mầm non, phổ thông, gần 24 triệu học sinh, hơn 1,4 triệu giáo viên.
Cơ sở dữ liệu đã giúp nâng cao hiệu quả trong quản lý giáo dục đồng bộ trên phạm vi toàn quốc về: thừa, thiếu và đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên; bước đầu số hóa thông tin phục vụ quản lý sức khỏe học sinh.
Đến nay, toàn ngành đã thực hiện xác thực và định danh được gần 24,21 triệu hồ sơ điện tử công dân là giáo viên và học sinh trên tổng số hơn 25 triệu hồ sơ điện tử công dân là giáo viên và học sinh.
Ngoài ra, ngành Giáo dục đã hoàn thành kết nối, chia sẻ thông tin trên Cơ sở dữ liệu ngành với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Đến nay, toàn ngành đã thực hiện xác thực và định danh được gần 24,21 triệu hồ sơ điện tử công dân là giáo viên và học sinh trên tổng số hơn 25 triệu hồ sơ điện tử công dân là giáo viên và học sinh.
Cơ sở dữ liệu cũng giúp thu thập đầy đủ thông tin của gần 400 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng sư phạm; 2,6 triệu hồ sơ sinh viên và hơn 156 nghìn hồ sơ đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên giáo dục; kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và đồng bộ dữ liệu về người lao động, việc làm...
Thực hiện Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ có quy định việc bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, giấy xác nhận cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Công an hoàn thành việc thu thập xây dựng Cơ sở dữ liệu lịch sử thường trú của học sinh (trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư); đồng thời, xây dựng và cung cấp dịch vụ trực tuyến phục vụ tra cứu, xác thực trực tuyến lịch sử thường trú của học sinh nhằm xác định đúng đối tượng ưu tiên khu vực trong thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học… Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, nâng cao chất lượng dạy và học.