Định danh và định hình tư duy
Đang bước vào quá trình chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, người dân lẫn cơ quan chức năng đều có chút lúng túng, vướng mắc khi thực hiện. Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, đã có luồng dư luận cho rằng, không nên triển khai cùng lúc nhiều đổi mới liên quan đến công dân, như: Làm căn cước công dân (CCCD), định danh điện tử mức độ 1, mức độ 2, biển số xe định danh… Tuy nhiên, về tiện ích lâu dài, không thể không thực hiện.
Vướng mắc nhiều phía
Trong quá trình cài đặt ứng dụng VNeID và nâng cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2, cả người dân và cán bộ hướng dẫn gặp không ít khó khăn. Một số cán bộ phụ trách khóm, ấp tại huyện Chợ Mới cho rằng, việc thực hiện nâng cấp định danh mức độ 1, 2 trong thời gian ngắn gây áp lực lên tuyến cơ sở. Bởi ngoài việc đi trực tiếp hỗ trợ từng hộ dân cài đặt, cán bộ cũng không thể lơ là nhiệm vụ chuyên môn. Một số cán bộ, nhân viên lớn tuổi chậm tiếp thu công nghệ, càng gặp khó trong việc hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt, nâng cấp.
Hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID tại ấp Vĩnh Hạ (xã Vĩnh Trung, TX. Tịnh Biên), Trần Thị Ngọc Thảo (sinh viên Trường Đại học An Giang) chia sẻ: "Mặc dù chúng tôi cố gắng tuyên truyền, giải thích, vận động người dân tham gia cài đặt ứng dụng, nhưng đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, chưa hiểu ý nghĩa của việc cài đặt. Có người không sử dụng điện thoại thông minh, không biết tải ứng dụng là gì. Có trường hợp, người chồng không cho vợ đưa điện thoại để chúng tôi cài đặt giúp, vì lo sợ lừa đảo, lừa mất điện thoại”.
Ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân cần tự nâng cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2, chị V.T.T.P (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) tranh thủ thời gian đến Công an phường thực hiện. Thế nhưng, CCCD (được cấp từ tháng 2/2022) của chị không thể đọc được thông tin. Chị được hướng dẫn đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, vừa làm CCCD mới, kết hợp nâng cấp mức độ định danh điện tử, tích hợp giấy tờ cá nhân cần thiết. Dù đã có bước đăng ký trực tuyến, nhưng chị P. không thoát khỏi cảnh chờ đợi hàng giờ để chụp ảnh, thu dấu vân tay.
“Tôi vừa đi làm, vừa phải tranh thủ thời gian đi làm lại CCCD. Có hôm, đến muộn lúc 16 giờ, cán bộ phụ trách hẹn hôm sau đến sớm hơn. Đến khi làm xong thủ tục, không rõ ngày nào được nhận lại CCCD, tôi phải tạm ngưng giải quyết thủ tục hành chính khác cần đến CCCD” - chị P. chia sẻ.
Đó là chưa kể, nhiều trường hợp bị hủy CCCD do lỗi chủ quan của cán bộ chuyên môn (nhập sai thông tin công dân), buộc phải cấp lại mã định danh, CCCD mới. CCCD chưa được cấp đầy đủ, gây tâm lý bất an trong người dân. Họ sợ khó thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận độc thân, công chứng mua bán, vay tiền ngân hàng… Một số thủ tục vẫn chấp nhận người dân sử dụng chứng minh nhân dân, nhưng phải kèm theo mã số định danh, hộ khẩu, trong khi một số thủ tục tạm gián đoạn vì cần CCCD.
Những băn khoăn
“Mớ bòng bong” về CCCD, tài khoản định danh chưa thông, thì ngày 15/8, toàn quốc áp dụng quy định về biển số xe định danh. Quy định có hiệu lực áp dụng quá nhanh, trong khi các nội dung quan trọng chưa được thẩm thấu vào tư duy người dân. Cộng với đủ luồng thông tin đúng, sai trên mạng xã hội càng khiến họ hoang mang, không biết thực hư thế nào.
Quy định mới khiến người mua lẫn người bán xe đã qua sử dụng đều… bế tắc. Ông Hoàng (55 tuổi, ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) làm lao động phổ thông, gom góp chút tiền mua xe gắn máy cũ ở cửa hàng. “Cửa hàng hứa liên hệ với chủ cũ, làm giấy tờ mua bán đàng hoàng để tôi đứng tên “chính chủ”. Ai dè, giờ tôi gặp cảnh chờ hồ sơ giấy tờ, thấy nản quá. Hỏi cửa hàng hướng giải quyết dứt điểm, họ chỉ hứa hẹn dây dưa”.
Trong khi đó, ông Sang (45 tuổi, chủ một cửa hàng xe gắn máy) than thở: “Trước đây, tôi mua bán suôn sẻ lắm, có đồng ra đồng vô. Vừa nghe chuẩn bị áp dụng quy định mới, người dân không dám mua bán gì nữa. Xe mua vào không được, bán ra cũng không xong. Nhiều cửa tiệm xe cũ giống tôi “đóng băng” cả tháng nay. Theo tôi, quy định mới có nhiều điểm khó khả thi, bất tiện, trong khi nào giờ quy định về giấy tờ chưa hoàn chỉnh”.
Người dân một số địa phương cho biết, tổ công nghệ số cộng đồng tại xã, phường đăng ký thuê bao chính chủ, hỗ trợ cài đặt ứng dụng công nghệ số (SmartAnGiang, VNeID…) thì miễn phí, nhưng khi đến liên hệ đại lý Viettel, họ bị thu phí 25.000 đồng/lượt.
Phó Giám đốc Dịch vụ số Viettel An Giang Võ Hoàng Công khẳng định: “Chúng tôi không quy định thu phí khi hỗ trợ cài đặt ứng dụng cho người dân. Người dân mạnh dạn phản ánh trường hợp cụ thể, địa điểm ở đâu, chúng tôi sẽ tiến hành xử lý. Hiện tại, Viettel có 17 cửa hàng, 4 siêu thị và hơn 300 nhân viên tại địa bàn; bố trí nhân sự tại tất cả bộ phận “một cửa”, hỗ trợ trực tiếp người dân cài đặt miễn phí. Chúng tôi đang phối hợp, triển khai kế hoạch chuyển đổi số toàn diện cho các xã. Tháng 8 vừa qua, đã làm thí điểm tại 6 xã, dự kiến mở rộng toàn tỉnh trong tháng 9”.
Nhấn mạnh mặt tiện ích
Thật ra, những điều trên chỉ là vướng mắc không lớn, so với lợi ích của việc định danh, xác thực con người cụ thể. Lợi ích lớn nhất của định danh điện tử là khi sử dụng tài khoản VNeID, người dân tiết kiệm thời gian, chi phí (vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm thủ tục, giảm giấy tờ cá nhân) khi giao dịch hành chính công.
Mặt khác, việc ứng dụng định danh và xác thực điện tử đối với cá nhân đáp ứng yêu cầu quản lý đối với giao dịch điện tử trên môi trường mạng, hạn chế hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Công dân có thể ngồi tại nhà để thực hiện nhiều dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử) mà không cần trực tiếp đến trụ sở cơ quan Nhà nước.
Tính đến ngày 20/6/2023, An Giang hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD do Bộ Công an giao, đã thu nhận hồ sơ cấp CCCD trên 2 triệu nhân khẩu trong độ tuổi. Hiện nay, Công an tỉnh chuyển sang trạng thái duy trì cấp CCCD thường xuyên.
Theo thống kê sơ bộ của Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP của Chính phủ, tính đến ngày 18/8/2023, toàn tỉnh có 1,5 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; khoảng 721.894 lượt sử dụng CCCD gắn chíp và tài khoản định danh điện tử mức độ 2 thay thẻ BHYT giấy khi làm thủ tục khám, chữa bệnh; toàn bộ 186 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT toàn tỉnh đã có bệnh nhân đến khám, chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD hoặc tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID.
Ngoài ra, công dân có thể thực hiện giao dịch tài chính (thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, BHYT, chuyển tiền…).
“Cần khẳng định, việc đăng ký, sử dụng tài khoản định danh điện tử ngày càng trở nên cần thiết, mang lại nhiều lợi ích rõ rệt cho người dân. Việc đăng ký tài khoản định danh điện tử chưa bắt buộc, nhưng khuyến khích công dân nên làm, vì sau này, các dịch vụ công đều sẽ thực hiện thông qua định danh điện tử.
Bên cạnh sự tham gia tích cực của các cấp, ngành, mỗi công dân cần chủ động thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp và cài đặt định danh điện tử. Đây là "chìa khóa" quan trọng bậc nhất để thực hiện thắng lợi mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đã được Đảng, Nhà nước đặt ra” - thượng tá Đặng Tấn Đắc, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh nhấn mạnh.
Đối với biển số định danh, theo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), sau khi triển khai Thông tư 24/2023/TT-BCA, ngày 1/7/2023 của Bộ Công an, số lượng người dân đến làm thủ tục sang tên (đặc biệt là đăng ký sang tên xe đối với xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều tổ chức, cá nhân) tăng đột biến. Nguyên nhân do người dân muốn sang tên chính chủ để được cấp biển số định danh theo quy định. Đây là mặt tích cực, góp phần giúp công tác quản lý nhà nước về đảm bảo trật tự an toàn giao thông được chặt chẽ hơn, việc tra cứu xác minh thông tin xe được chính xác.
Tuy nhiên, khó khăn nằm ở chỗ, người dân chưa nhận thức được trách nhiệm nộp lại biển số đăng ký xe của mình cho cơ quan đăng ký xe khi bán xe; chưa nắm rõ quy định về trình tự, thủ tục, đặc biệt là việc khai nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công… nên việc hướng dẫn mất nhiều thời gian, công sức.
Cộng đồng trách nhiệm
“Quan trọng nhất, cần tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu rõ, thực hiện đúng, đầy đủ thủ tục trước khi đến cơ quan đăng ký xe nộp hồ sơ. Cụ thể, biển số xe 5 số sẽ được tự động xác định là biển số định danh của chủ đứng tên trên chứng nhận đăng ký xe; chủ xe không phải làm bất cứ thủ tục gì để định danh biển số. Khi bán xe cho người khác, chủ xe phải giữ lại biển số xe, giấy chứng nhận đăng ký xe; có trách nhiệm đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục thu hồi, trả biển số vào hệ thống phần mềm đăng ký xe, phục vụ cho việc cấp lại biển số định danh này khi mua xe mới.
Trường hợp chủ xe không đi làm thủ tục thu hồi đăng ký xe, biển số xe, có thể ủy quyền cho người mua làm thay. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe, chủ xe phải làm thủ tục thu hồi. Quá thời hạn trên mà chủ xe không làm thủ tục thu hồi (hoặc giao chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe làm thủ tục thu hồi) thì trước khi giải quyết, cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt đối với chủ xe về hành vi không làm thủ tục thu hồi theo quy định” - đại úy Dương Trường An, Phó Đội trưởng Đội Đăng ký, quản lý phương tiện giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông thông tin.
Cấp biển số xe định danh tại Phòng Cảnh sát giao thông
Trong thời gian tới, lực lượng công an tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp chính quyền, tổ công nghệ số cộng đồng làm ngoài giờ hành chính (cả thứ bảy, chủ nhật) để đẩy nhanh tiến độ công việc. Phòng Cảnh sát giao thông kịp thời tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo công an cấp huyện, cấp xã tăng cường lực lượng, phương tiện, máy móc tổ chức thu nhận hồ sơ cấp CCCD và tài khoản định danh điện tử cho người dân xuyên suốt các ngày trong tuần, nhất là dịp nghỉ lễ, Tết; bố trí điểm lưu động lẫn cố định để hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho công dân làm CCCD, đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 1, 2.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng xã hội về mục đích, ý nghĩa, lợi ích thiết thực của việc đăng ký tài khoản định danh điện tử, để người dân nâng cao nhận thức, cùng đồng hành trong việc đăng ký, cài đặt kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Với phương châm “làm hết việc, không hết giờ”, phát huy tối đa vai trò của lực lượng công an ở cơ sở, cùng sự vào cuộc, đồng hành của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”; bảo đảm mỗi người dân có tài khoản định danh điện tử để thực hiện giao dịch hành chính, dịch vụ công trực tuyến được thuận tiện, nhanh chóng.
Câu chuyện riêng lẻ của CCCD, biển số định danh gộp lại thành vấn đề chung: Trước khi thực hiện các hoạt động định danh, cần nhất vẫn là định hình tư duy cho toàn xã hội, đặc biệt là người dân. Chỉ có thể xây dựng xã hội số, khi từng người trở thành công dân số. Muốn thay đổi tư duy cũ, không thể gấp gáp, mà phải “mưa dầm thấm lâu”, chia nhỏ các bước thực hiện, truyền tải thông điệp dễ hiểu, dễ nhớ. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần hết sức cẩn trọng trong quá trình thực hiện, tránh xảy ra sai sót chủ quan, ảnh hưởng đến quyền lợi, công sức, thời gian của người dân.
Đại diện một ngân hàng chi nhánh tỉnh An Giang cho biết: “Đối với khách hàng chưa được cập nhật thông tin qua CCCD, chỉ đăng ký thông tin qua chứng minh nhân dân, vẫn có thể tiếp tục thực hiện mọi giao dịch tại ngân hàng. Khách hàng đăng ký mới hoặc cập nhật thông tin bằng CCCD thì thực hiện dịch vụ tiếp theo tại ngân hàng phải cung cấp CCCD, kể cả với hợp đồng vay đáo hạn…”.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/dinh-danh-va-dinh-hinh-tu-duy-a373783.html