Đình Diềm - niềm tự hào của người làng quan họ cổ

Làng Diềm - một làng quan họ cổ nay thuộc phường Hòa Long, TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) có ngôi đình cổ kính, hơn 300 tuổi. Đó là đình Diềm, một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Bức cửa võng có một không hai, được sơn son thếp vàng, óng ánh suốt hơn 300 năm qua. Ảnh: YÊN LAN

Bức cửa võng có một không hai, được sơn son thếp vàng, óng ánh suốt hơn 300 năm qua. Ảnh: YÊN LAN

Khi giới thiệu về ngôi đình nổi tiếng của quê hương với khách phương xa, một cụ ông người Kinh Bắc đọc câu ca dao, giọng đầy tự hào:

Thứ nhất là đình Đông Khang

Thứ nhì đình Bảng, vẻ vang đình Diềm

Cụ kể rằng đình Đông Khang của làng Đông Yên (xã Đông Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đã bị phá hủy trong chiến tranh, được phục dựng sau này. Đình Bảng của làng Đình Bảng (TX Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) được trùng tu tôn tạo vào năm 2009. Đình Diềm được dựng lên vào năm 1692, dưới thời Lê trung hưng. Ngôi đình có bức cửa võng được các nhà khảo cổ học đánh giá là “độc nhất vô nhị”.

Người xưa dựng đình Diềm ở đầu làng Viêm Xá (tên gọi khác của làng Diềm), có 3 gian 2 chái, có nhà tiền tế rồi đến đại đình, phía sau là hậu cung; giờ nhà tiền tế không còn nữa. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, sau kháng chiến chống Pháp, ngôi đình cổ được người làng Diềm góp sức tu sửa lại, còn một gian hai chái. Người làng Diềm tự hào, cho biết: Ngôi đình có tuổi đời trên 300 năm; toàn bộ kết cấu của đình, từ cột kèo cho đến các bức hoành phi đều bằng gỗ lim. Đình Diềm thờ Đức thánh Tam Giang (hai anh em Trương Hống - Trương Hát), song có bài vị của 5 thành hoàng làng, gồm cả bài vị vua Bà - thủy tổ dân ca quan họ. Ngôi đình này lưu giữ gần 40 đạo sắc phong.

Bảo vật trong đình Diềm là bức cửa võng cao 7m, chạy dài từ thượng lương đến hạ sàn, rộng gần 4m, được chia thành 5 tầng. Đây là một tuyệt tác của các nghệ nhân điêu khắc ở thế kỷ thứ XVII. Hình ảnh chính trên bức cửa võng là rồng và mây. Rồng uốn lượn, ẩn hiện trong mây. Điểm xuyết vào đấy là hình ảnh con người và tứ linh, tứ quý. Con người xuất hiện rất ít, song qua hình ảnh con người trên bức cửa võng, các nghệ nhân điêu khắc xưa đã tái hiện sinh động cảnh sinh hoạt đời thường lúc bấy giờ.

Ở tầng thứ nhất, phía trên cùng của bức cửa võng là hình ảnh vũ khúc tiên, sau đó có hình ảnh 3 cô tiên đang nhìn xuống hạ giới. Người làng Diềm cho biết, ngày xưa, chỉ có các cụ ông mới được vào đình. Vậy mà trên bức cửa võng này, các nghệ nhân đã đưa hình ảnh thiếu nữ (3 cô tiên) lên vị trí rất cao. Bức cửa võng tôn vinh hình ảnh người thiếu nữ, đấy là điều đặc biệt trên tác phẩm của các nghệ nhân thời Lê trung hưng.

Từng ô cửa trên bức cửa võng đều có đèn lồng. Không chỉ là đèn treo, mà nghệ nhân khéo léo chạm khắc hình ảnh chim phượng cắp đèn lồng, và chạm khắc từng đôi rồng quấn quýt. Trung tâm bức cửa võng được sơn son thếp vàng, óng ánh suốt hơn 300 năm qua. Trên điểm cao nhất của câu đối ở phía tây có hình ảnh ông già ngồi đánh cờ, nói lên ước vọng về cuộc sống yên bình, an vui của người dân sống trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh. Bên dưới, nghệ nhân xưa chạm khắc hình ảnh người thiếu nữ, tay bám vào hoa sen - loài hoa của nhà Phật, kế tiếp là hình ảnh tứ quý và những con vật rất nhỏ. Khát vọng về một cuộc sống thanh bình được thể hiện tinh tế trên bức cửa võng.

Phần hạ sàn có hình ảnh thiếu nữ khỏa thân cưỡi trên mình rồng, nhìn kỹ thì thấy thiếu nữ nắm eo rồng, vuốt râu rồng. Hình ảnh này vô cùng táo bạo, khi mà rồng là biểu tượng của vua chúa. Chi tiết điêu khắc này cho thấy vua đang bị đùa bỡn, coi thường. Thời kỳ này, ở Đàng Ngoài, tất cả quyền lực nằm trong tay chúa Trịnh. Hóa ra, từng đường nét chạm trổ vô cùng tinh xảo trên bức cửa võng đã âm thầm chuyển tải đến đời sau những tâm tư, suy nghĩ của người dân sống trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh.

Hơn 300 năm qua, đình Diềm đã chứng kiến bao thăng trầm của làng quan họ cổ, của quê hương Kinh Bắc. “Thi gan cùng tuế nguyệt”, ngôi đình cổ có bức cửa võng độc nhất vô nhị là niềm tự hào của người dân làng Diềm.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/245037/dinh-diem-niem-tu-hao-cua-nguoi-lang-quan-ho-co.html