Định đoạt số phận 2,5 triệu m3 chất thải Dự án nhiệt điện Quảng Trạch
Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình vừa có văn bản thông báo thống nhất phương án đưa vật chất nạo vét công trình cảng nhập than Dự án cơ sở hạ tầng thuộc Trung tâm điện lực Quảng Trạch lên bờ, thay vì nhấn chìm xuống biển như đề xuất trước đây.
Trước đó, ngày 13/6, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Quảng Bình đã có văn bản tham mưu về vấn đề này. Văn bản này cho biết, hạng mục xây dựng Cảng nhập than và đê chắn sóng tại dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch hiện đã thi công đắp đá đê chắn sóng, sản xuất lắp đặt khối phá sóng, cọc khoan nhồi bến và cầu dẫn. Tổng khối lượng vật chất sau khi nạo vét để thi công dự án khoảng 2.842.095 m3.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ TN&MT phê duyệt tại quyết định số 3321/QĐ-BTNMT ngày 25/12/2017 thì 854.000 m3 được đưa lên bờ để tận dụng san lấp mặt bằng nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch II, khối lượng còn lại 1.988.095 m3 đưa đi nhận chìm ở biển.
“Tuy nhiên, phương án nhận chìm ở biển có thể làm ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái biển, tốn chi phí vận chuyển, xử lý, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh, trật tự” - văn bản Sở TN&MT Quảng Bình nêu.
Từ nhận định trên, Sở TN&MT Quảng Bình hướng dẫn đưa vật chất nạo vét vào các khu vực thuộc Trung tâm điện lực Quảng Trạch như: Mặt bằng nhà nhiệt điện máy Quảng Trạch 2; khu vực Chòm 1,2,3 thôn Vĩnh Sơn; và trữ tạm tại khu vực bờ biển tiếp giáp Chòm 1,2,3 thôn Vĩnh Sơn để sử dụng cho các dự án khác của địa phương.
Trước đó, vào năm 2018 báo Tiền Phong có loạt bài phản ánh trên cơ sở Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ TN&MT phê duyệt, Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch sẽ nhấn chìm 2,5 triệu m3 đất, cát thải do nạo vét mà có xuống biển Hòn La.
Những phản ánh của Tiền Phong được dư luận quan tâm, đặc biệt có ông Hoàng Đăng Quang (lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình) đã ra “tối hậu thư” đối với Nhiệt điện Quảng Trạch. Ông Hoàng Đăng Quang khẳng định, nếu EVN cương quyết nhấn chìm vật chất thải xuống biển, Quảng Bình sẽ từ chối Dự án nhiệt điện Quảng Trạch.
Từ phản ánh của báo Tiền Phong và sự kiên quyết của lãnh đạo Quảng Bình mà EVN đã tiếp thu và cho thay đổi phương án nhấn chìm vật chất thải từ Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch. Đây là động thái phù hợp lòng dân, đảm bảo môi trường bền vững cho khu vực xung quanh của dự án.