Dinh dưỡng hỗ trợ phục hồi chức năng cho người bị hội chứng Apallic
Người bị hội chứng Apallic cần được chăm sóc y tế đặc biệt. Chăm sóc dinh dưỡng tốt sẽ giúp duy trì chức năng của cơ thể, giảm nguy cơ biến chứng suy dinh dưỡng và teo cơ.
Nội dung
1. Dinh dưỡng hỗ trợ phục hồi chức năng cho người bị hội chứng Apallic
2. Những chất dinh dưỡng cần thiết giúp duy trì sức khỏe cho người bệnh
3. Lưu ý khi chăm sóc dinh dưỡng cho người bị hội chứng Apallic
1. Dinh dưỡng hỗ trợ phục hồi chức năng cho người bị hội chứng Apallic
Theo BSCKI Nguyễn Tiến Quân, Khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện 19-8), hội chứng Apallic là trạng thái thực vật hoặc tình trạng không phản ứng sau hôn mê, là một rối loạn ý thức trong đó bệnh nhân bị tổn thương não nghiêm trọng ở trạng thái tỉnh táo một phần thay vì nhận thức thực sự.
Ở mỗi bệnh nhân mắc hội chứng Apallic sẽ có từng triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào mức độ bệnh. Các bác sĩ chuyên khoa thần kinh sẽ dựa vào các dấu hiệu lâm sàng (thị giác, thính giác, xúc giác, ngôn ngữ, hô hấp, tuần hoàn…) để đánh giá và phân loại mức độ bệnh.
Các chuyên gia y tế nhận định đây là một tình trạng cấp cứu cần được điều trị và chăm sóc y tế toàn diện, liên tục nhằm đảm bảo chức năng tuần hoàn, hô hấp và các biện pháp hỗ trợ cho người bệnh.
Điều trị hội chứng Apallic đòi hỏi một chiến lược toàn diện và liên tục, tập trung vào việc duy trì các chức năng cơ bản của cơ thể và hỗ trợ phục hồi chức năng thần kinh. Bác sĩ sẽ ổn định chức năng hô hấp, tim mạch và thực hiện các biện pháp cần thiết để hỗ trợ.

Người bị hội chứng Apallic cần được chăm sóc y tế đặc biệt.
Việc phục hồi chức năng cho người mắc hội chứng Apallic nên được thực hiện càng sớm càng tốt ngay sau khi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định. Thời điểm cụ thể phụ thuộc vào tình trạng tổng thể, mức độ tổn thương và chỉ định của bác sĩ.
Tập luyện phục hồi chức năng nên đi đôi với dinh dưỡng hợp lý, vệ sinh cơ thể và kích thích giác quan. Cần duy trì dinh dưỡng cho bệnh nhân qua đường truyền tĩnh mạch hoặc qua sonde dạ dày kết hợp với những loại thuốc điều trị triệu chứng.
Việc xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người bệnh trong tình trạng này đặt ra nhiều thách thức và cần sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng và người chăm sóc. Mục tiêu chính nhằm đảm bảo cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu, duy trì sức khỏe, ngăn ngừa suy dinh dưỡng và teo cơ.
Cần tối ưu hóa khả năng hấp thu và dung nạp do người bệnh mất khả năng ăn uống tự nhiên, hỗ trợ chức năng tiêu hóa và hệ miễn dịch.
2. Những chất dinh dưỡng cần thiết giúp duy trì sức khỏe cho người bệnh
Đối với người bị hội chứng Apallic, việc duy trì sức khỏe dựa hoàn toàn vào việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu thông qua các phương pháp nuôi ăn nhân tạo. Người bệnh cần đảm bảo đủ lượng calo cần thiết (được bác sĩ chỉ định dựa trên cân nặng, tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe cụ thể) để duy trì các chức năng của cơ thể.
Thức ăn qua ống thông thường là dạng lỏng, được thiết kế để cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết bao gồm: Chất đạm (protein), chất bột đường (carbohydrate), chất béo, vitamin và khoáng chất.

Các nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu giúp duy trì chức năng cho người bị hội chứng Apallic.
Carbohydrate là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể.
Protein rất quan trọng cho việc duy trì khối lượng cơ bắp (ngăn ngừa teo cơ do bất động), hỗ trợ hệ miễn dịch và quá trình phục hồi.
Chất béo cung cấp năng lượng, giúp hấp thụ vitamin tan trong dầu (A, D, E, K) và cấu trúc tế bào, đồng thời cung cấp các aicd béo thiết yếu cho chức năng não bộ,
Vitamin và khoáng chất đảm bảo các chức năng sinh lý diễn ra bình thường, hỗ trợ hệ miễn dịch, dẫn truyền thần kinh, co cơ, cân bằng dịch và điện giải.
Ngoài ra, một số công thức dinh dưỡng có thể bổ sung chất xơ hòa tan để hỗ trợ sức khỏe đường ruột và ngăn ngừa táo bón.
Việc duy trì đủ lượng nước là vô cùng quan trọng để ngăn ngừa mất nước, hỗ trợ chức năng thận, tiêu hóa và duy trì sự cân bằng điện giải. Lượng nước cần thiết được cung cấp qua thức ăn lỏng và có thể cần bổ sung thêm qua đường ống thông hoặc truyền tĩnh mạch tùy theo tình trạng người bệnh.
BS. Phạm Ngọc Dương
Tăng cường cho bệnh nhân ăn một số thực phẩm có thể có lợi ở giai đoạn phục hồi và bắt đầu có tiếp xúc gồm: Trái cây họ berries như quả việt quất, mâm xôi... kết hợp với mật ong để cải thiện chức năng gan và hệ tiết niệu; Táo chứa nhiều vitamin, pectin và các nguyên tố vi lượng hỗ trợ điều trị thiếu máu, loại bỏ chất độc hại và giúp tái tạo mô.
3. Lưu ý khi chăm sóc dinh dưỡng cho người bị hội chứng Apallic
Người chăm sóc cần nắm rõ thông tin về tình trạng bệnh, nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt và các nguy cơ đối với người bệnh.
Tuân thủ hướng dẫn chi tiết về cách chuẩn bị, thực hiện và theo dõi việc nuôi ăn qua ống thông.
Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vệ sinh tay trước và sau khi thao tác với ống thông và thức ăn. Vệ sinh ống thông và vùng da quanh vị trí đặt ống hàng ngày để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Thực hiện đúng hướng dẫn về tư thế khi cho ăn để giảm nguy cơ trào ngược và hít sặc.
Duy trì vệ sinh răng miệng tốt để ngăn ngừa nhiễm trùng và tạo cảm giác dễ chịu.
Mặc dù người bệnh mất ý thức nhưng việc trò chuyện nhẹ nhàng, tạo không gian yên tĩnh và thoải mái trong quá trình cho ăn có thể mang lại sự an tâm.
Không tự ý thay đổi công thức dinh dưỡng, tốc độ hoặc lượng ăn. Cần thông báo ngay cho bác sĩ về bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở người bệnh để được xử trí kịp thời.
Tóm lại, việc chăm sóc dinh dưỡng cho người bị hội chứng Apallic là một quá trình khó khăn, đòi hỏi sự hiểu biết, kiên nhẫn, tỉ mỉ và sự phối hợp chặt chẽ giữa đội ngũ y tế và người chăm sóc. Người chăm sóc cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hỗ trợ cải thiện sức khỏe cho người bệnh.