Đỉnh Everest cao hơn so với các lần đo trước đây
Ngày 8-12, Trung Quốc và Nepal đã cùng công bố độ cao chính thức mới của đỉnh Everest, chấm dứt sự khác biệt về quan điểm giữa hai quốc gia về đỉnh núi cao nhất thế giới nằm giữa biên giới hai nước.
Ngày 8-12, Trung Quốc và Nepal đã cùng công bố độ cao chính thức mới của đỉnh Everest, chấm dứt sự khác biệt về quan điểm giữa hai quốc gia về đỉnh núi cao nhất thế giới nằm giữa biên giới hai nước.
Chiều cao mới của đỉnh núi cao nhất thế giới là 8.848,86 mét, cao hơn một chút so với lần đo trước đây của Nepal và cao hơn khoảng bốn mét so với số liệu đo cũ Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Nepal, Pradeep Gyawali, đồng thời bấm nút trong một hội nghị trực tuyến công bố về độ cao mới của đỉnh Everest.
Chiều cao của Everest, nằm trên biên giới giữa Trung Quốc và Nepal, đã được thống nhất sau khi các nhà khảo sát từ Nepal hạ thấp số đo của đỉnh vào năm 2019 và nhóm các nhà khảo sát Trung Quốc cũng đã làm điều tương tự vào năm 2020.
Trước đó, một cuộc tranh luận về độ cao thực tế của đỉnh Everest đã xảy ra, nhiều người lo ngại rằng đỉnh núi có thể bị thấp đi sau trận động đất lớn vào năm 2015. Trận động đất này đã giết chết 9.000 người, làm hư hại khoảng 1 triệu công trình ở Nepal và gây ra một trận lở tuyết trên Everest khiến 19 người thiệt mạng.
Với số liệu công bố mới này, không còn nghi ngờ gì nữa, Everest sẽ vẫn là đỉnh cao nhất vì đỉnh cao thứ hai, núi K2, chỉ cao 8.611 mét.
Chiều cao của đỉnh Everest lần đầu tiên được xác định bởi một nhóm người Anh vào khoảng năm 1856 là 8,842 mét.
Nhưng số đo được công nhận phổ biến nhất là 8.848 mét, do Ấn Độ tiến hành trong cuộc khảo sát vào năm 1954.
Năm 1999, một nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ sử dụng công nghệ GPS đã đo được độ cao của Everest là 8.850 mét. Vào năm 2005, một nhóm Trung Quốc công bố đỉnh núi này cao 8.844,43 mét nếu không tính cả tuyết.
Vào tháng 5-2019, một nhóm các nhà leo núi và khảo sát của chính phủ Nepal đã lắp đặt thiết bị vệ tinh và GPS để đo độ cao và độ sâu tuyết trên đỉnh Everest.
Cuối năm 2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Nepal và các nhà lãnh đạo của hai nước đã quyết định nên thống nhất số đo về độ cao của đỉnh núi.
Một nhóm khảo sát từ Trung Quốc sau đó đã tiến hành đo đạc vào mùa xuân năm 2020, còn kế hoạch của các cuộc thám hiểm khác thì bị hủy bỏ do đại dịch Covid-19.
Cộng đồng leo núi của Nepal đã hoan nghênh việc chấm dứt sự tranh cãi về độ cao của ngọn núi.
Ông Santa Bir Lama, Chủ tịch Hiệp hội leo núi Nepal cho biết: “Đây là một cột mốc quan trọng trong lịch sử leo núi, cuối cùng sẽ kết thúc cuộc tranh luận về độ cao đỉnh Everest và giờ đây thế giới sẽ có chung một con số”.
Tân Hoa Xã đã dẫn lời ông Tập Cận Bình cho biết hai bên cam kết cùng nhau bảo vệ môi trường và hợp tác trong nghiên cứu khoa học về đỉnh Everest.