Định hình dòng đầu tư hậu Covid-19: Tận dụng lợi thế hơn là cạnh tranh thu hút FDI

Theo một số chuyên gia, Việt Nam có thể trở thành một trong những 'ứng viên' của dòng FDI chuyển dịch từ Trung Quốc do chuỗi cung ứng bị gián đoạn bởi dịch covid-19. Tuy nhiên, không nên quá phấn khích với xu hướng này.

Kiểm soát tốt dịch Covid-19 là một yếu tố quan trọng làm gia tăng thu hút FDI vào Việt Nam.

Kiểm soát tốt dịch Covid-19 là một yếu tố quan trọng làm gia tăng thu hút FDI vào Việt Nam.

Định hình lại chuỗi cung ứng và dòng đầu tư

Trong một hội thảo vừa diễn ra tại Hà Nội, TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NICF) cho biết, Covid-19 đã làm thay đổi quan điểm, nhận thức về sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặc dù hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi, thậm chí là phục hồi nhanh, nhưng không thể phục hồi quá nhanh. Theo tính toán của NCIF, phục hồi của Trung Quốc phụ thuộc vào sự phục hồi của các nền kinh tế khác. Trung Quốc là nơi sản xuất đầu vào cho nhiều nước khác nên khi các nước này đang tắc nghẽn sản xuất thì xuất khẩu của Trung Quốc cũng không thể tăng nhanh được.

Hiện tại, các chuỗi giá trị toàn cầu có thể biến đổi theo 4 xu hướng: đa dạng hơn, khu vực hóa hơn, nhân rộng, chuyển về sản xuất gần. Xu hướng chuyển sản xuất về gần, xây dựng các chuỗi ngắn, ít phân mảnh hơn, thu hẹp chuỗi cung ứng, giảm thuê ngoài, đặc biệt với những ngành dựa trên công nghệ. Xu hướng này dẫn tới kết quả là FDI có thể chảy ngược trở lại các nước cung cấp FDI. Tiếp đó là xu hướng đa dạng hóa, tập trung hơn vào một số phân khúc, các ngành tham gia vào chuỗi cung ứng, thường là xảy ra nhiều ở các ngành dịch vụ. Kết quả của xu hướng này dẫn tới giảm FDI vào sản xuất vật chất, tăng tài sản vô hình.

Xu hướng khu vực hóa xảy ra ở các ngành công nghiệp tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng, các ngành sơ cấp, làm cho các chuỗi thu hẹp lại, mang tính khu vực hơn là tính toàn cầu. Kết quả của xu hướng này có thể làm tăng FDI nội vùng, dịch chuyển sản xuất, gia tăng thương mại nội vùng. Đây là xu hướng mà Việt Nam cũng nên lưu ý. Với xu hướng nhân rộng thì các chuỗi ngắn, ít phân mảnh, hoạt động được phân bố theo địa lý nhiều hơn. Xu hướng này tập trung ở các ngành tự động hóa và số hóa, in 3D…, dẫn tới kết quả làm giảm FDI, tăng thương mại dịch vụ, tài sản vô hình, các luồng dữ liệu và phí bản quyền.

Theo TS. Trần Toàn Thắng, một điều quan trọng của cả 4 chuỗi này là đều dẫn tới FDI toàn cầu sẽ giảm, không phải tăng quá nhanh như trước đây. Có thời điểm FDI đã tăng tới 1.800 tỷ USD, nhưng những dự báo gần đây cho thấy, dòng FDI sẽ giảm và phục hồi chậm. Dự báo FDI toàn cầu sẽ giảm 40% trong năm 2020, có thể chỉ ở mức 850 - 1.000 tỷ USD và giảm 5 - 10% trong năm 2021, trước khi bắt đầu phục hồi vào năm 2022. Cũng theo ông Thắng, FDI toàn cầu không chỉ giảm mà hình thức đầu tư cũng sẽ thay đổi, tỷ lệ các dự án đầu tư qua M&A có thể tăng lên. Do đó, Việt Nam cần phải lưu ý những xu hướng định hình lại chuỗi cung ứng này để có chiến lược xây dựng các chuỗi cung ứng mới, giúp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó thúc đẩy thu hút FDI.

Khả năng hấp thụ FDI của Việt Nam còn “nghẽn”

Trả lời câu hỏi việc dịch chuyển chuỗi và FDI ảnh hưởng gì tới FDI tại Việt Nam, TS. Trần Toàn Thắng cho biết, đánh giá chung các chuyên gia của NICF cho rằng, với lợi thế của Việt Nam hiện nay, đặc biệt khi chúng ta đã khá thành công trong việc kiểm soát Covid-19 - là một yếu tố quan trọng thu hút FDI vào Việt Nam tăng trong thời gian tới.

Tuy nhiên theo ông Thắng, câu chuyện FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc có thể khiến FDI vào Việt Nam tăng nhưng không quá nhanh. Lượng FDI này có thể tăng nhẹ, trong các lĩnh vực bất động sản công nghiệp, lao động. Điều này một phần liên quan đến lợi thế vốn có rất lớn trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Nhưng điều quan trọng hơn, là liên quan đến khả năng hấp thụ FDI của Việt Nam. Thực ra, FDI có thể tăng tương đối nhanh vào năm 2016 - 2017, từ 25 tỷ USD lên trên 35 tỷ USD FDI đăng ký, nhưng FDI giải ngân thực tế mỗi năm bình quân chỉ tăng từ 1 - 2 tỷ USD. Điều này liên quan đến khả năng hấp thụ FDI của nền kinh tế, đặc biệt là những điểm nghẽn hấp thụ FDI như câu chuyện về hạ tầng, về nguồn cung trong nước, về chất lượng lao động… Covid-19 cho thấy một yếu tố tương đối rõ ràng là lao động chất lượng cao của Việt Nam rất thấp. Những điểm nghẽn về thu hút FDI như vậy sẽ làm cho dòng FDI dịch chuyển vào Việt Nam không quá nhiều và việc Việt Nam trở thành một nước cạnh tranh với các quốc gia khác trong thu hút FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc hoặc thậm chí cạnh tranh với Trung Quốc là quan điểm chưa chính xác.

“Không nên quá phấn khích với xu hướng này vì lợi thế của Trung Quốc vẫn rất lớn. Tôi chỉ cho rằng, trong tương lai gần, Việt Nam cần chú ý câu chuyện tận dụng chiến lược “Trung Quốc +1” của các tập đoàn đa quốc gia hơn là cạnh tranh để thu hút FDI” - ông Thắng nhấn mạnh. Tập trung vào chiến lược này, Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và nguồn FDI chất lượng sẽ từ đó mà đổ về Việt Nam. Đồng thời, cũng cần chú ý rủi ro từ dòng đầu tư FDI của Trung Quốc khi mua lại doanh nghiệp của các nước khác do giá của doanh nghiệp sẽ giảm.

Covid-19 đang tác động lên kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng lớn hơn, sâu hơn so với cuộc khủng hoảng 2008 - 2009 ở các đối tác lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần xem xét mức độ ảnh hưởng, tốc độ phục hồi có thể khác nhau ở các khu vực, từ đó, có chiến lược tiếp cận thị trường để xuất khẩu và thu hút FDI hợp lý.

Thảo Miên

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-07-24/dinh-hinh-dong-dau-tu-hau-covid-19-tan-dung-loi-the-hon-la-canh-tranh-thu-hut-fdi-89970.aspx