Định hình lối đi riêng cho nền công nghiệp văn hóa Việt Nam
Trong thời đại mới, phát triển văn hóa được xác định là một nội dung quan trọng, không chỉ đóng góp vào tăng trưởng quốc gia mà còn khẳng định thương hiệu quốc gia, góp phần vào việc bảo tồn và phát triển văn hóa đất nước.
Để có một quá trình phát triển dài hạn, Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016) và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021).
Đến nay, thị trường Việt Nam đã hình thành một số thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa như: Điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật, sách, tranh, hàng thủ công mỹ nghệ... Song song với thị trường trong nước, nhiều sản phẩm có chất lượng của Việt Nam cũng đã vươn tầm thế giới.
Tuy nhiên, cũng cần thừa nhận một thực tế rằng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam còn thiếu các sản phẩm văn hóa đại chúng, chưa có sức thu hút trên toàn cầu để định hình thương hiệu quốc gia. Bởi, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp văn hóa của Việt Nam không cao, chưa đa dạng, phong phú, kém hấp dẫn, thiếu tính độc đáo, ứng dụng nên chưa đáp ứng được thị hiếu và thẩm mỹ ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Đơn cử như lĩnh vực điện ảnh, hiện tại lĩnh vực này vẫn chưa phát huy hết được thế mạnh của mình. Minh chứng là số lượng phim đặt hàng của Nhà nước có thể ra rạp khá khiêm tốn và hầu như chỉ chiếu trong các dịp kỷ niệm với số lượng khán giả hạn chế, được mời xem miễn phí.
Trong khi đó, lượng phim tư nhân ra rạp mỗi năm chưa nhiều, chưa tạo được sức hút như các phim nước ngoài. Dù số lượng phim sản xuất để phát trên các nền tảng số đã tăng nhưng nội dung chưa được kiểm soát tốt, không ít phim có nội dung phản cảm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị hiếu, thẩm mỹ và tâm lý của khán giả, nhất là giới trẻ. Một số phim Việt đã được phát hành ở thị trường quốc tế nhưng chưa tạo được tiếng vang.
Về lĩnh vực âm nhạc, ngoài những sản phẩm âm nhạc để lại dấu ấn đặc biệt, gửi đến khán giả những thông điệp tích cực khi kết hợp và khai thác các chất liệu của văn hóa dân gian thì có những sản phẩm dù được đầu tư nhưng vẫn chưa mang đến sự khác biệt, chưa thật sự chạm vào cảm xúc người nghe.
Nguyên nhân là do chúng ta chưa thực sự đầu tư một cách bài bản, chuyên nghiệp cho các sản phẩm văn hóa. Cùng với đó là những trở ngại về cơ sở hạ tầng, cơ chế, chính sách, pháp luật chưa theo kịp thực tiễn phát triển.
Việt Nam vốn là một đất nước có nhiều lợi thế để phát triển văn hóa so với nhiều nước trong khu vực. Đầu tiên, chúng ta có một di sản văn hóa phong phú, đa dạng và đậm nét bản sắc của 54 dân tộc anh em. Bên cạnh đó, Việt Nam có thị trường rộng lớn với hơn 100 triệu dân, trong đó có một lượng lớn là dân số trẻ năng động, nhạy bén tiếp cận với sự phát triển của công nghệ.
Điển hình, việc khán giả Việt sẵn sàng chi ra số tiền lớn để được xem thần tượng biểu diễn như sự kiện Black Pink cũng cho thấy thị trường âm nhạc Việt sôi động không kém. Hơn nữa, do đi sau nên ngành văn hóa Việt Nam có thể tiếp thu được nhiều kinh nghiệm phát triển văn hóa từ thành công của nhiều nước trên thế giới và có sự hậu thuẫn rất lớn của sự phát triển internet, công nghệ đang tạo ra thế giới phẳng trong sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0.
Do đó, để xây dựng thành công ngành công nghiệp văn hóa, trước hết chúng ta cần phải thay đổi tư duy, đánh giá đúng vai trò “sức mạnh mềm” của văn hóa. Bởi, văn hóa không chỉ đơn thuần là món ăn tinh thần của nhân dân mà sẽ là các sản phẩm đóng góp lớn vào GDP của đất nước trong tương lai.
Đứng trước những nhiệm vụ này, các cơ quan quản lý, các địa phương cần xác định rõ và đánh giá đúng vai trò kinh tế của các ngành công nghiệp văn hóa, tạo điều kiện cho thị trường văn hóa phẩm phát triển bằng chính sách kinh tế trong văn hóa và chính sách văn hóa trong kinh tế.
Đồng thời có những biện pháp quản lý, kiểm soát hiệu quả để thị trường phát triển đúng hướng, phát huy hết tiềm năng và nội lực sáng tạo, bảo đảm “sức mạnh mềm” quốc gia được tạo nên từ những sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Cũng giống như một loại “hàng hóa” có tính đặc thù cao, để có thể tạo được nền móng công nghiệp văn hóa vững mạnh cần có sự chuẩn bị ở tất cả các khâu và điều đó rất cần sự chung tay, góp sức của các Bộ, ban ngành có liên quan và các địa phương.
Chính vì vậy, ở bất cứ một khâu nào trong nền công nghiệp văn hóa thì yếu tố con người luôn là yếu tố quan trọng nhất. Với sự sáng tạo của con người, những giá trị nghệ thuật của tác phẩm mới được hiện thực hóa, thăng hoa, tỏa sáng và đến gần với khán giả.
Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng các công ty quản lý và sản xuất giải trí truyền thông chuyên nghiệp, từ việc quản lý nghệ sĩ, sản xuất âm nhạc, thiết kế hình ảnh đến tổ chức sự kiện và tour diễn để có thể xã hội hóa các hoạt động văn hóa.
Khi đó Nhà nước sẽ đóng vai trò là bệ đỡ, hỗ trợ các công ty giải trí thực hiện các ý tưởng sáng tạo của mình, từng bước xây dựng một thị trường sản phẩm văn hóa đa dạng, giàu sức sống. Các công ty sản xuất cần khai thác tiềm năng của công nghệ và kỹ thuật số để phát triển các dịch vụ âm nhạc trực tuyến, nền tảng streaming và tiếp cận người hâm mộ một cách hiệu quả.
Trong một thế giới đa văn hóa như hiện nay, để tăng sức cạnh tranh, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa không những phải đa dạng, hấp dẫn, mang bản sắc văn hóa riêng mà còn cần tương thích với những giá trị chung của toàn cầu.