Định hình mối quan hệ thương mại song phương Anh - EU

Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn thỏa thuận thương mại và hợp tác (TCA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh giúp định hình mối quan hệ thương mại song phương sau khi London rời khỏi 'ngôi nhà chung' châu Âu, hay còn gọi là Brexit.

Điểm quan trọng của thỏa thuận

Ngày 28/4, các thành viên EP đã thông qua TCA với tỷ lệ 660 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 32 phiếu trắng. Điểm quan trọng nhất của thỏa thuận là giúp tránh thuế quan và bảo đảm cho thương mại song phương vận hành một cách tốt nhất. Cụ thể, thỏa thuận bao gồm những quy định về quan hệ song phương trên quy mô rộng, trong đó có tự do thương mại với hàng hóa sản xuất tại Anh xuất sang EU và ngược lại, thiết lập các quy định về hợp tác trong một số lĩnh vực như đánh bắt cá, hàng không và vận tải hàng hóa.

 Thỏa thuận TCA giúp định hình mối quan hệ thương mại giữa EU và Anh thời kỳ hậu Brexit

Thỏa thuận TCA giúp định hình mối quan hệ thương mại giữa EU và Anh thời kỳ hậu Brexit

Đây là một mốc thời gian đáng trông đợi nữa kể từ khi Brussels và London ký thỏa thuận thương mại hậu Brexit vào cuối năm 2020, chỉ ít ngày trước khi giai đoạn chuyển tiếp của quá trình Brexit kết thúc và khép lại một giai đoạn gần 9 tháng đàm phán. Kết quả này tạo cơ sở pháp lý để EU và Anh tránh được một cuộc “ly hôn” trong hỗn loạn và không có thỏa thuận, tái định hình quan hệ giữa hai bên trong tương lai và bảo đảm dòng hàng hóa tiếp tục được lưu thông giữa Anh và 27 nước thành viên EU.

Tầm ảnh hưởng rộng

Theo Chủ tịch EP David Sassoli, TCA với Anh là thỏa thuận có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất mà EU từng đạt được với một nước thứ ba, đồng thời đặt nền tảng để xây dựng mối quan hệ EU-Anh mới hướng tới tương lai. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hoan nghênh việc EP thông qua thỏa thuận TCA với Anh, đồng thời nhấn mạnh việc thực thi thỏa thuận này là rất quan trọng. Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhận định sự kiện trên đánh dấu một bước tiến lớn và mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ EU-Anh.

Về phía Anh, Thủ tướng Boris Johnson đánh giá việc phê chuẩn này là bước cuối cùng trong một hành trình dài trong việc tìm kiếm một thỏa thuận thương mại giữa hai bên, từ đó tạo ra sự ổn định trong quan hệ song phương. Trong khi đó, trưởng đoàn đàm phán thương mại hậu Brexit của Anh David Frost cho rằng TCA cho phép nước này tập trung cho tương lai nhiều hơn.

Mặc dù EU và Anh đã thống nhất về TCA từ cuối năm ngoái, nhưng EP lại trì hoãn thời gian đưa văn bản này ra bỏ phiếu. Trong đó, một lý do quan trọng là Brussels muốn thể hiện thái độ phản đối động thái đơn phương của London nhằm gia hạn chương trình miễn kiểm tra hải quan với hàng hóa từ lục địa Anh sang Bắc Ireland vào tháng 3 vừa qua. Sau đó, EC đã bắt đầu quy trình khởi kiện Anh liên quan đến quyết định trên. Thực tế, Anh chính thức cắt đứt mọi ràng buộc thành viên với EU từ ngày 1/1/2021, nhưng riêng vùng lãnh thổ Bắc Ireland vẫn tiếp tục tuân thủ các quy định thị trường chung và liên minh thuế quan của EU để tránh thiết lập “biên giới cứng” giữa vùng này và Cộng hòa Ireland-một thành viên của EU.

Trước đó, các nước thành viên EU đã áp dụng một phần thỏa thuận TCA. Quốc hội Anh cũng thông qua văn kiện này trong ngày 30/12/2020 sau khi hai bên ký kết thỏa thuận. Trong giai đoạn đầu thời kỳ hậu Brexit, thương mại hai chiều ghi nhận những tác động nhất định. Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), tính riêng hai tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của EU sang Anh giảm 20,2%, còn chiều ngược lại giảm tới 47%.

Hoài Anh (t.h)

1,972

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/dinh-hinh-moi-quan-he-thuong-mai-song-phuong-anh-eu-85987.html