Định hình trung tâm hành chính mới cho đô thị Nhơn Trạch
Phân khu 2.2 bao gồm địa bàn 4 xã: Phú Thạnh, Long Tân, Phước An và Vĩnh Thanh sẽ được quy hoạch phát triển để trở thành trung tâm hành chính mới của đô thị Nhơn Trạch trong tương lai.
Tạo điểm nhấn cho đô thị mới
Theo đồ án quy hoạch, phân khu 2.2 có diện tích hơn 1,6 ngàn ha, trong đó tiểu khu đô thị trung tâm được định hình là trung tâm hành chính mới của đô thị Nhơn Trạch trong tương lai có quy mô khoảng 600ha.
Kiến trúc sư Phan Trung Tuệ, Viện Thiết kế đô thị thuộc Viện Quy hoạch quốc gia (Bộ Xây dựng), đơn vị tư vấn lập quy hoạch phân khu 2.2 đô thị mới Nhơn Trạch cho hay, phân khu này được xác định là khu đô thị sẽ được xây dựng mới hoàn toàn và sẽ trở thành trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, đô thị mới Nhơn Trạch. Đây cũng là một trong những khu vực phát triển chính của đô thị Nhơn Trạch đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Phân khu 2.2 sẽ được quy hoạch đa dạng loại hình công trình đô thị và đồng bộ chất lượng hạ tầng đô thị. Đồng thời, đây cũng là khu đô thị có cảnh quan hấp dẫn, tạo động lực phát triển kinh tế và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, phân khu 2.2 sẽ được phân chia thành 5 tiểu khu gồm: tiểu khu 1 - tiểu khu đô thị trung tâm; tiểu khu 2 - tiểu khu đô thị phía Đông; tiểu khu 3 - tiểu khu đô thị phía Tây; tiểu khu 4 - tiểu khu đô thị phía Nam và tiểu khu 4 - tiểu khu dân cư hương lộ 19.
Đánh giá về điểm mạnh trong việc quy hoạch xây dựng phân khu 2.2 trở thành trung tâm hành chính mới của đô thị Nhơn Trạch trong tương lai, đơn vị tư vấn cho rằng, khu vực quy hoạch có điểm mạnh về kết nối giao thông với các tuyến giao thông đối ngoại liên kết trực tiếp như: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường vành đai 3 - TP.HCM, đường 25C nối dài và đường liên cảng. Bên cạnh đó, đây cũng là khu vực nằm trong vùng ảnh hưởng đô thị hóa của TP.HCM. Đặc biệt, một trong những điểm mạnh để phân khu này có thể phát triển, trở thành trung tâm hành chính mới của đô thị Nhơn Trạch chính là có quỹ đất thuận lợi cho phát triển đô thị lớn.
Đơn vị tư vấn cũng đưa ra các điểm yếu và thách thức để từ đó có những giải pháp tháo gỡ để phát triển phân khu 2.2 trở thành khu trung tâm hành chính mới của đô thị Nhơn Trạch gồm: hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện, thách thức trong việc kết nối không gian ở hiện hữu với các không gian đô thị mới trong tương lai và sự tăng giá nhanh của bất động sản gây cản trở cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng.
Tổng hợp từ những điểm mạnh, điểm yếu và thách thức nói trên, kiến trúc sư Phan Trung Tuệ cho biết, đơn vị tư vấn đã đề xuất hai chiến lược phát triển để đưa phân khu 2.2 trở thành khu trung tâm hành chính mới của đô thị Nhơn Trạch trong tương lai bao gồm: xây dựng phân khu 2.2 trở thành trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, thương mại tạo điểm nhấn mang tính biểu tượng của đô thị mới Nhơn Trạch trong tương lai và xây dựng kết nối xanh cho độ thị.
“Ngoài kết nối đô thị bằng hệ thống giao thông thì kết nối xanh cho đô thị chính là quy hoạch các không gian đi bộ, dải cây xanh nhằm kết nối các khu dân cư hiện hữu và khu đô thị phát triển mới” - kiến trúc sư Phan Trung Tuệ cho biết.
Phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Lê Mạnh Dũng cho biết, theo các quy hoạch trước đây, cụ thể nhất là Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 22-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, phân khu 2.2 đều đã được khẳng định sẽ là khu trung tâm hành chính mới của thành phố Nhơn Trạch khi đạt tiêu chuẩn đô thị loại II, thay thế cho khu trung tâm hành chính hiện nay nằm trên địa bàn xã Phú Hội. Đây là khu vực được xác định sẽ là khu xây dựng mới hoàn toàn. Đồng thuận với đánh giá của đơn vị tư vấn, ông Lê Mạnh Dũng cho rằng, khu vực có quỹ đất khá thuận lợi để phát triển đô thị mới.
Tính toán kỹ quy mô dân số
Theo đồ án quy hoạch, đơn vị tư vấn đưa ra mục tiêu đến năm 2035, phân khu 2.2 sẽ có quy mô dân số hơn 148 ngàn người, cao hơn rất nhiều so với quy mô khoảng 14 ngàn người theo quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050.
Phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Lê Mạnh Dũng cho rằng, với quy mô dân số cao hơn gấp 10 lần so với đồ án quy hoạch chung thì cần thiết phải có sự nghiên cứu rõ. “Phân khu này tăng gấp 10 lần, các phân khu khác cũng tăng thì phải làm rõ dân cư ở đâu sẽ về ở” - ông Lê Mạnh Dũng nêu quan điểm.
Cũng theo ông Lê Mạnh Dũng, việc tính toán quy mô dân số đối với đô thị mới Nhơn Trạch đã từng xảy ra câu chuyện dự báo quy mô vượt quá xa thực tế. Cụ thể, năm 1996, trong quy hoạch tổng thể đã xác định đến năm 2020 quy mô dân số của đô thị mới Nhơn Trạch sẽ đạt khoảng 1 triệu người. Tuy nhiên, năm 2006, sau khi đánh giá lại tốc độ phát triển, mục tiêu đã được giảm xuống mức 600 ngàn người. 10 năm sau, mục tiêu này lại được điều chỉnh giảm xuống mức 360 ngàn người. “Thế nhưng đến thời điểm này, quy mô dân số của H.Nhơn Trạch cũng chỉ mới ở mức khoảng 320 ngàn người” - ông Lê Mạnh Dũng cho biết.
Để thu hút người dân về sinh sống, Sở Xây dựng nhận định, trong đồ án Quy hoạch phân khu 2.2 cần tiếp tục triển khai các dự án khu dân cư đang xây dựng, phát triển các khu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp. Đồng thời, trong giai đoạn ngắn hạn, cần điều chỉnh quy hoạch một số khu đất ở sang đất nghỉ dưỡng để thu hút người đến sinh sống.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng lưu ý tính toán kỹ về quy mô dân số của phân khu, trong đó có tính toán cụ thể quy mô cho từng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng hiện nay, có rất nhiều yếu tố để có thể rút ngắn giai đoạn và kéo dân số tăng nhanh, đặc biệt là khi các tuyến giao thông quan trọng đã và đang được triển khai xây dựng trên địa bàn H.Nhơn Trạch. Cụ thể, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang xây dựng, đường vành đai 3 - TP.HCM chuẩn bị xây dựng thì việc thu hút người dân về sinh sống và tăng quy mô dân số là hoàn toàn khả thi.