Định Hóa: 'Gắn sao' OCOP cho sản phẩm đặc trưng

Những năm qua, huyện Định Hóa đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng các sản phẩm đặc trưng thành sản phẩm OCOP.

Các sản phẩm OCOP của huyện được giới thiệu tại Nhà trưng bày, tiếp đón ATK Định Hóa.

Các sản phẩm OCOP của huyện được giới thiệu tại Nhà trưng bày, tiếp đón ATK Định Hóa.

Hợp tác xã (HTX) nông sản Phú Đạt, xã Sơn Phú, là một trong những chủ thể đầu tiên của huyện Định Hóa có sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Năm 2021, sản phẩm Tâm Như trà nõn của HTX được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sau khi đạt sao OCOP, sản phẩm này ngày càng được thị trường ưa chuộng, với giá trị cao (350-400 nghìn đồng/kg), trở thành sản phẩm chủ lực đem lại thu nhập cho HTX.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc HTX nông sản Phú Đạt, chia sẻ: Sau khi được chứng nhận OCOP, sản phẩm Tâm Như trà nõn đem giá trị kinh tế cao gấp 1,5 lần so với trước, cao gấp 2-3 lần so các với các sản phẩm chè khác tại xã Sơn Phú.

Bên cạnh các sản phẩm từ chè, nhiều sản phẩm có tính độc đáo, cạnh tranh tốt đã được huyện Định Hóa hỗ trợ xây dựng thành sản phẩm OCOP. Đơn cử như sản phẩm đũa cọ Hoàng Linh tại cơ sở sản xuất của gia đình anh Quán Văn Bảy, xóm Cạm Phước, xã Kim Phượng, được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022.

Anh Bảy cho hay: Đũa cọ không chỉ đẹp, bền, an toàn mà còn mang những nét đặc trưng, giá trị văn hóa của địa phương. Sản phẩm đũa cọ Hoàng Linh được chứng nhận OCOP đã tạo điều kiện để chúng tôi mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng, thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế. Hiện nay, sản phẩm được bán tại gần 10 tỉnh, thành. Mỗi ngày, cơ sở cung ứng ra thị trường 15-20 nghìn đôi đũa thành phẩm. Sau khi trừ chi phí, chúng tôi thu lãi trên 200 triệu đồng/năm.

Sản phẩm nấm Linh Chi của HTX Quyết Thắng, xã Trung Lương (Định Hóa) đăng ký phân hạng OCOP năm 2023.

Sản phẩm nấm Linh Chi của HTX Quyết Thắng, xã Trung Lương (Định Hóa) đăng ký phân hạng OCOP năm 2023.

Qua hơn 3 năm triển khai, Chương trình OCOP được cấp ủy, chính quyền các cấp, hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn huyện Định Hóa đã đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương, các chủ thể đã xây dựng và phát triển nhiều chủng loại sản phẩm hàng hóa. Đến nay, toàn huyện Định Hóa có 8 sản phẩm được chứng nhận OCOP, gồm: Mỳ gạo Bao Thai Định Hóa, Tâm Như trà nõn, Long Vân trà, Tâm Tâm trà, Trà ATK Sơn Phú, Đũa cọ Hoàng Linh, Gạo bao thai Định Biên, Gạo nếp Vải Định Biên, Trà ATK Sơn Phú.

Từ kết quả đó, huyện Định Hóa đã tiếp tục dành kinh phí để hỗ trợ các chủ thể thực hiện các nội dung như: Thiết kế logo, nhãn mác, đăng ký sở hữu trí tuệ, tem truy xuất nguồn gốc, in ấn bao bì… Năm 2023, huyện Định Hóa có 8 sản phẩm đã đăng ký phân hạng, thực hiện các bước theo chu trình. Mục tiêu của huyện là có ít nhất 5 sản phẩm được phân hạng trong năm nay.

Tuy nhiên, số lượng sản phẩm OCOP của huyện Định Hóa còn khá khiêm tốn so với các địa phương khác trong tỉnh. Nguyên nhân chính là do trình độ sản xuất còn hạn chế; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; chưa đầu tư sâu cho chế biến, đóng gói và bảo quản. Ngoài ra, năng lực quản trị của các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn còn yếu, chủ thể chưa có kinh nghiệm phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị…

Ông Mông Đình Tinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa, cho biết: Trong thời gian tới, huyện có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng hữu cơ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. UBND huyện cũng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện lồng ghép các nguồn kinh phí khác nhau để hỗ trợ cho các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202310/dinh-hoa-gan-sao-ocop-cho-san-pham-dac-trung-301023f/