Định hướng chính sách thúc đẩy kinh tế số, kinh tế nền tảng ở Việt Nam
CIEM công bố các kết quả nghiên cứu về tác động của kinh doanh nền tảng tới nền kinh tế; đồng thời, thảo luận về vai trò, cơ hội và thách thức trong phát triển kinh tế nền tảng...

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Với mục tiêu nhận diện vai trò và các tác động kinh tế của hoạt động kinh doanh nền tảng tới nền kinh tế Việt Nam, sáng 19/2, tại Hà Nội Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh doanh nền tảng: Động lực cho tăng trưởng kinh tế số Việt Nam”.
Tại hội thảo, CIEM công bố các kết quả nghiên cứu về tác động của kinh doanh nền tảng tới nền kinh tế; tạo diễn đàn thảo luận về vai trò, cơ hội và thách thức trong phát triển kinh tế nền tảng; đồng thời, thảo luận về định hướng phát triển và khung khổ chính sách, pháp luật thúc đẩy kinh tế số, kinh tế nền tảng ở Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM cho biết, chuyển đổi số và ứng dụng số đang trở thành xu hướng trong phát triển kinh tế; trong đó, kinh doanh nền tảng (Platform) là một mô hình kinh doanh mới, phát triển dựa trên công nghệ số, dữ liệu và hỗ trợ nền tảng, qua đó nâng cao hiệu quả và giảm chi phí. Vì thế, kinh tế nền tảng đang là ưu tiên của các Chính phủ trên toàn cầu; trong đó, có Việt Nam. Đây là xu thế không thể đảo ngược.
“Báo cáo nghiên cứu của CIEM nhận diện các tác động kinh tế của hoạt động kinh doanh nền tảng trên cơ sở phân tích cấu trúc nền kinh tế Việt Nam (thông qua bảng cân đối liên ngành I-O) và các dữ liệu chính thống liên quan sẵn có. Theo đó, vai trò của kinh tế số nói chung và kinh tế nền tảng nói riêng được nhận diện dưới nhiều khía cạnh khác nhau”, bà Nguyễn Minh Thảo cho hay.
Bà Nguyễn Minh Thảo cũng chỉ rõ, Việt Nam có tiềm năng thị trường lớn cho phát triển kinh tế số. Tỷ lệ sử dụng internet cao và tăng nhanh, cùng tỷ trọng lớn của nhóm dân số ưa chuộng sử dụng các dịch vụ nền tảng dự kiến sẽ thúc đẩy xu hướng hoạt động kinh doanh này ở Việt Nam.
Đặc biệt, hai năm gần đây, Việt Nam liên tục được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Đơn cử, doanh thu thương mại điện tử thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới; quy mô thị trường gọi xe mở rộng nhanh chóng; thị trường giao đồ ăn trực tuyến xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (năm 2023)...
Việt Nam cũng được ghi nhận là thị trường tiềm năng nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có 50.350 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động, cao hơn mục tiêu 48.000 doanh nghiệp của Chính phủ. Sự tăng trưởng nhanh về doanh nghiệp công nghệ số tạo nền tảng mở rộng và phát triển các dịch vụ kinh doanh số, trong đó có các dịch vụ nền tảng.
Báo cáo cũng chỉ ra, kinh tế số ở Việt Nam liên tục tăng trưởng nhanh trong thời gian qua. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP các năm từ 2020-2023 lần lượt là 12,66%, 12,88% 12,63% và 12,33%. Sang tới nửa đầu năm 2024, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số đạt 18,3%, vượt cao hơn tỷ lệ trung bình giai đoạn 2020-2023. Đây sẽ là động lực để Việt Nam thực hiện mục tiêu về tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Trên thị trường Việt Nam đã xuất hiện nhiều hoạt động kinh doanh nền tảng. Ngành này đóng góp khoảng 10% trong GDP. Riêng kinh doanh nền tảng trong lĩnh vực vận tải chiếm 16,8% giá trị tăng thêm của ngành nền tảng, tương đương 1,7% GDP của nền kinh tế (năm 2022).
Đặc biệt, đối với hai vùng trọng điểm phát triển của Việt Nam là vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ, dịch vụ kinh doanh nền tảng trong lĩnh vực giao thông vận tải đã đóng góp tương ứng lần lượt là 2,7% và 2,3% GRDP của hai vùng này.
Báo cáo có đưa ra phân tích bảng cân đối liên ngành I-O đã cho thấy đóng góp có ý nghĩa của ngành kinh doanh nền tảng tới nền kinh tế. Đó là: kinh doanh nền tảng phát triển sẽ kéo theo tăng trưởng của các ngành cung ứng (với Hệ số lan tỏa đo lường liên kết ngược là 1,009, cao hơn mức trung bình của nền kinh tế); đồng thời cũng là ngành có mức độ quan trọng khi là nguồn cung sản phẩm dịch vụ cho nền kinh tế.
Còn với 1 tỷ USD tăng thêm về sản phẩm cuối cùng của ngành nền tảng sẽ tác động tới nền kinh tế theo cấp số nhân. Cụ thể là: làm tăng sản lượng của toàn nền kinh tế lên 2,754 tỷ USD; kích thích giá trị tăng thêm của nền kinh tế là 1,1918 tỷ USD; tạo ra 93.734 cơ hội việc làm; tăng thu nhập của người lao động trong nền kinh tế thêm 0,7326 tỷ USD.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Minh chứng rõ nhất là mô hình Grab, đây được xem là mô hình tiên phong trong ứng dụng công nghệ, là nền tảng phổ biến được ưa chuộng ở Việt Nam. Với sự tham gia của Grab đã thúc đẩy tăng trưởng của ngành vận tải cũng như các lĩnh vực kinh doanh khác dựa trên nền tảng, từ đó đóng góp có ý nghĩa cho phát triển kinh tế Việt Nam.
Năm 2022, Grab đóng góp 7,8% về giá trị tăng thêm đối với ngành nền tảng lĩnh vực vận tải; 1,31% giá trị tăng thêm của ngành nền tảng và 0,13% trong GDP của nền kinh tế. Đáng chú ý là, Grab đã đóng góp khoảng 0,23% GRDP của vùng Đồng bằng sông Hồng (trong đó có Hà Nội); 0,17% GRDP của vùng Đông Nam Bộ (trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh). Kết quả này cho thấy Grab đã đóng góp có ý nghĩa cho các cực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Có thể thấy kinh tế số, kinh tế nền tảng đã tạo ra nhiều kết quả tích cực; liên tục đạt mức tăng trưởng cao trong những năm qua; trực tiếp đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tư duy quản lý và hệ thống pháp luật cũng dần được đổi mới để thích ứng với xu hướng chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế nền tảng.
Với những cơ sở vững chắc đã tạo ra trong hơn 10 năm qua, và với ưu thế về công nghệ, kinh tế số nói chung và kinh tế nền tảng nói riêng sẽ tiếp tục là ngành chủ chốt đóng góp vào việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 và 2 con số trong những năm tiếp theo.
Định hướng quản lý và phát triển nền tảng số tại Việt Nam, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng, Vụ Kinh tế số và xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các bộ, ngành cần xây dựng và ban hành bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số ngành, lĩnh vực; đồng thời, cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số xây dựng hệ sinh thái nền tảng và dịch vụ số. Cùng với đó, xây dựng công cụ đo lường trực tuyến theo bộ tiêu chí đã ban hành.
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để tạo động lực phát triển mạnh mẽ các dịch vụ kinh doanh nền tảng và kinh tế số, hệ thống chính sách và pháp luật về kinh tế số; trong đó, có thương mại điện tử cần hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép các sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới,... Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là một khuyến nghị luôn được đề xuất khi bàn đến khung khổ chính sách cho công nghệ và đột phá.