Định hướng cho trào lưu

Hòa chung không khí cả nước chào mừng 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, trào lưu (trend) Tôi yêu Tổ quốc tôi được giới trẻ sôi nổi hưởng ứng. Tuy nhiên, chuyện làm sao để vừa lan tỏa, phát huy, vừa bảo vệ sự trong sáng cũng như các giá trị cốt lõi cho tinh thần yêu nước nhiệt thành đó, bởi vậy, chính là một đòi hỏi nghiêm túc từ thực tế.

Giới trẻ "đu trend" trên nền nhạc bài hát "Khát vọng tuổi trẻ".

Giới trẻ "đu trend" trên nền nhạc bài hát "Khát vọng tuổi trẻ".

"Ðỏ như mầu máu của mình, tim ơi!"

Từ đầu tháng 8, khi lướt qua các mạng xã hội TikTok hay Facebook, hẳn không ít "người lớn" phải ngỡ ngàng trong cảm giác tự hào, khi xem những đoạn phim ngắn được đầu tư chỉn chu, với giai điệu mạnh mẽ, tươi sáng và lời ca đầy lay động "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta/ Mà tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay..." của bản Khát vọng tuổi trẻ, trỗi lên cùng hình ảnh thú vị: Các bạn trẻ, từ phong cách thoải mái hằng ngày, trở nên hết sức nghiêm chỉnh, để thực hiện những động tác trang trọng gắn liền với Quốc kỳ Việt Nam.

Đặc biệt hơn, sự sáng tạo cùng kỹ năng sử dụng công nghệ của giới trẻ được thể hiện đậm nét qua trend "Quốc kỳ rực sáng trong ánh mắt". Chỉ với 15 giây nội dung, nhưng kịch bản với nền nhạc hào hùng, góc quay cận cảnh đặc tả đôi mắt và mọi ánh nhìn ở bất cứ clip nào cũng rực mầu cờ đỏ sao vàng... có thể làm bất cứ ai lướt qua cũng thấy lòng đầy kiêu hãnh, tự hào.

Hay trước đó, phải kể đến sự lan tỏa mạnh mẽ của ấn phẩm đặc biệt do Báo Nhân Dân phát hành ngày 7/5/2024, với tám trang thông tin, gồm bốn trang in toàn bộ bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ", bốn trang tóm tắt diễn tiến 56 ngày đêm chiến dịch dưới dạng nhật ký, nằm trong Đợt tuyên truyền cao điểm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và Triển lãm tranh tương tác Panorama. Ấn phẩm được bạn đọc cả nước, đặc biệt là giới trẻ "săn lùng", khoe "chiến tích" khi được sở hữu, viral trên khắp các nền tảng của thế giới mạng.

Bên dưới những cơn sóng "trend"

Mặc dù vậy, bởi vì bản chất của mọi trend đều là ngắn hạn, mang tính hình thức nên từ góc nhìn của một chuyên gia, PGS, TS Phạm Mạnh Hà (Giám đốc Trung tâm hợp tác đào tạo, bồi dưỡng - Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ: "Một số trào lưu có thể trở nên phô trương, thiếu đi chiều sâu, từ đó tạo nên nguy cơ: Lòng yêu nước có thể bị lợi dụng để phục vụ lợi ích cá nhân, cũng có thể dẫn đến tư tưởng cực đoan nếu không được định hướng đúng đắn".

Nhắc đến trend sơn Quốc kỳ lên mái hay tường nhà, bạn Phạm Anh Tú (sinh viên Học viện Thanh thiếu niên) thổ lộ: "Ngay khi thấy lần đầu trên TikTok, tôi đã muốn tham gia ngay, nhưng cũng lại băn khoăn: Liệu điều này thực hiện thế nào cho đúng? Có cần xin phép cơ quan chức năng không? Có cần tìm hiểu quy định pháp luật hay quy chuẩn nào không?". Sự cẩn trọng trước mỗi quyết định "đu trend" hay không là hết sức cần thiết, nhất là đối với những bạn trẻ. Bởi nhiều khi, thiếu nhận thức đúng, hoặc chỉ một chút bất cẩn, các bạn trẻ có thể ứng xử sai như vô tình tỏ ra thiếu tôn trọng "mầu cờ in máu biết bao anh hùng liệt sĩ".

Nhìn sâu về xu hướng "đua trend" trong giới trẻ, PGS, TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích: "Việc thể hiện lòng yêu nước trên mạng xã hội, ngoài việc phải xuất phát từ niềm tự hào đích thực, cũng cần được hướng dẫn để không vô tình dẫn đến những cách hiểu sai, sử dụng không đúng cách hoặc thiếu tôn trọng những nhân vật, biểu tượng quốc gia".

Tìm ra những cách làm mới mẻ, sáng tạo nhằm khuyến khích các bạn trẻ thể hiện tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước cũng như niềm tự hào dân tộc một cách đúng đắn, mạnh mẽ, rộng mở hơn nữa là điều hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Không có khuôn mẫu bó hẹp, song để tránh những "ẩn họa", những trend đi quá đà,... vẫn rất cần đến vai trò của giáo dục. PGS, TS Trần Thành Nam cho rằng: "Giáo dục gia đình và nhà trường cần khuyến khích những biểu hiện đa dạng khác nữa của lòng yêu nước, trong giới trẻ. Lòng yêu nước không nên chỉ giới hạn trong những buổi trình diễn nghệ thuật hay các clip, các trend trên mạng xã hội, mà hơn thế, phải gắn với những điều thiết thực, mang lại lợi ích cho cộng đồng".

Làm rõ hơn, PGS, TS Phạm Mạnh Hà đi vào chi tiết: "Cần kết hợp nhiều biện pháp để tận dụng và phát huy các trào lưu hiện nay của giới trẻ, như: Tăng cường giáo dục về lịch sử, văn hóa và ý nghĩa của các biểu tượng quốc gia, nhằm hướng dẫn cụ thể về cách thể hiện lòng yêu nước một cách phù hợp; tổ chức các cuộc thi, sự kiện để giới trẻ thể hiện lòng yêu nước theo cách sáng tạo nhưng vẫn đúng mực; luôn tạo điều kiện cho các hoạt động tình nguyện, để giới trẻ có cơ hội thể hiện lòng yêu nước bằng hành động cụ thể; đẩy mạnh truyền thông về các tấm gương yêu nước điển hình.

Cơ quan chức năng cần phải thể hiện vai trò định hướng, tạo các diễn đàn, không gian để giới trẻ thảo luận và chia sẻ về lòng yêu nước, từ đó hình thành nhận thức đúng đắn. Cuối cùng, cần phải khen thưởng phù hợp và kịp thời, nhằm ghi nhận và tôn vinh những cá nhân hay các nhóm có cách thể hiện lòng yêu nước sáng tạo và có ý nghĩa".

(Theo nhandan.vn)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/su-kien-binh-luan/202408/dinh-huong-cho-trao-luu-1019991/