Định hướng cơ cấu tổ chức; số lượng chức danh lãnh đạo chính quyền cấp xã
Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp định hướng cơ cấu tổ chức HĐND và UBND; số lượng chức danh lãnh đạo và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Ban Chỉ đạo) vừa ký Công văn số 03/CV-BCĐ ngày 15/4/2025 gửi Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc định hướng một số nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp.
Về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, tại văn bản này, Ban Chỉ đạo đã định hướng về chính quyền địa phương cấp xã (xã, phường, đặc khu).
Cơ cấu tổ chức HĐND và UBND cấp xã
Cụ thể, về cơ cấu tổ chức:
Chính quyền địa phương cấp xã gồm có HĐND và UBND.
HĐND cấp xã thành lập 2 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội.
UBND cấp xã thành lập tối đa 4 phòng và tương đương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn và hải đảo, gồm:
(1) Văn phòng HĐND và UBND;
(2) Phòng Kinh tế (đối với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc);
(3) Phòng Văn hóa – Xã hội;
(4) Trung tâm phục vụ hành chính công (xác định là tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp xã).
Giao UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, diện tích tự nhiên, quy mô dân số của đơn vị hành chính để quyết định số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cho phù hợp.
Trường hợp địa phương tổ chức số lượng cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp xã dưới 3 đầu mối thì có thể bố trí tăng 1 Phó Chủ tịch UBND để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo.
Đối với trường hợp 1 đơn vị hành chính cấp xã giữ nguyên (không sắp xếp), giao địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế để xem xét quyết định số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cho phù hợp hoặc không tổ chức các phòng chuyên môn theo hướng dẫn chung (trừ các Ban của HĐND hiện có) mà phân công công chức chuyên môn trực tiếp đảm nhiệm các vị trí việc làm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương cấp xã mới.
Trường hợp không tổ chức các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp xã, giao UBND cấp tỉnh quyết định tăng biên chế so với số lượng biên chế cán bộ, công chức cấp xã hiện nay để thực hiện các nhiệm vụ mới chuyển giao từ cấp huyện.
Dự kiến số lượng biên chế không quá 40 cán bộ, công chức, trong đó tập trung cho công chức trực tiếp đảm nhiệm các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, công tác MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, công tác chính quyền.
Đối với các huyện đảo, thành phố đảo có đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, khi thực hiện sắp xếp thành đặc khu thì kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp xã và trước mắt giữ nguyên số lượng các cơ quan chuyên môn của huyện đảo, thành phố đảo như hiện nay; sau đó thực hiện theo hướng dẫn mới của Chính phủ.
Tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ huy quân sự ở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.
Về số lượng chức danh lãnh đạo sau sắp xếp
Thực hiện chủ trương của cấp có thẩm quyền về việc bố trí chức danh lãnh đạo cấp xã kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc cho cấp ủy, MTTQ, tổ chức CT-XH, chính quyền để tăng số lượng công chức làm việc trực tiếp giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp, đề nghị các địa phương thực hiện như sau:
- Lãnh đạo HĐND cấp xã gồm Chủ tịch (chức danh kiêm nhiệm) và 1 Phó Chủ tịch (chức danh chuyên trách).
- Lãnh đạo UBND cấp xã gồm Chủ tịch (chức danh chuyên trách) và 2 Phó Chủ tịch (1 Phó Chủ tịch kiêm nhiệm chức danh Chánh Văn phòng HĐND và UBND; 1 Phó Chủ tịch kiêm nhiệm chức danh Giám đốc Trung tâm dịch vụ hành chính công).
Các Ban của HĐND có Trưởng Ban (chức danh kiêm nhiệm) và 1 Phó Trưởng Ban (chức danh chuyên trách).
Các phòng và tương đương của UBND có Trưởng phòng (chức danh chuyên trách hoặc do Phó Chủ tịch UBND kiêm nhiệm) và 1 cấp phó (chức danh chuyên trách).
Đối với trường hợp đơn vị hành chính cấp xã giữ nguyên (khong sắp xếp) và không tổ chức các phòng chuyên môn thì số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã có thể bố trí tăng thêm 1 Phó Chủ tịch để bảo đảm vai trò lãnh đạo, điều hành của chính quyền trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Giao địa phương căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ chủ động sắp xếp, bố trí sử dụng lãnh đạo kiêm nhiệm hoặc giảm cấp phó các phòng, ban chuyên môn để tăng số lượng công chức làm việc trực tiếp đắp ứng yêu cầu phục vụ người dân của đơn vị hành chính cấp xã mới.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp xã sau sắp xếp
Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của chính quyền địa phương cấp xã được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Sau khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (1/72025), đề nghị các địa phương quan tâm một số nội dung sau:
Cấp xã chủ yếu là thực hiện chính sách từ cấp Trung ương và cấp tỉnh ban hành, tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản thiết yếu cho người dân trên địa bàn; có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định việc tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp mình.
Theo đó, chính quyền địa phương cấp xã mới đảm nhận các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện hiện nay, trực tiếp phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.
Chính quyền địa phương cấp tỉnh tiếp tục phân cấp cho chính quyền địa phương cấp xã thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn tùy thuộc vào đặc điểm, điều kiện, năng lực và yêu cầu quản lý của từng cấp xã./.