Định hướng Đồng bằng sông Hồng thành trung tâm kinh tế, tài chính

Theo tầm nhìn đến năm 2045, Đồng bằng sông Hồng là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo...

Sáng 29/11, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc trực tiếp kết hợp với trực tuyến nhằm quán triệt và triển khai Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đồng chủ trì hội nghị.

Trình bày báo cáo tại hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005-2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước.

Đồng thời, quy mô kinh tế tăng nhanh, đạt 2,37 triệu tỷ đồng vào năm 2020, chiếm 29,4% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước.

Cơ cấu kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng cũng được đánh giá chuyển dịch tích cực, khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ giữ vai trò trụ cột; thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh; đô thị phát triển nhanh, tỷ lệ đô thị hóa trên 41%.

 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đồng chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đồng chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Theo đó, Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Toàn vùng tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao.

Mục tiêu thời gian tới là cơ bản giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng. Bên cạnh đó là tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại mở rộng, hội nhập quốc tế hiệu quả.

 Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh trình bày báo cáo về một số nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 30. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh trình bày báo cáo về một số nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 30. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Nghị quyết xác định tầm nhìn đến năm 2045, Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh.

Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh, xanh, bền vững. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Đồng thời, các tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Từ mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, tầm nhìn, Nghị quyết xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm liên quan đến hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng...

Cùng với đó, phát triển kinh tế vùng; phát triển hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và người dân cả nước, nhất là các địa phương trong vùng nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.

Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và xây dựng quy hoạch vùng, địa phương; hoàn thiện thể chế, cơ chế tổ chức điều phối, liên kết phát triển vùng; điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng.

Mỹ Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dinh-huong-dong-bang-song-hong-thanh-trung-tam-kinh-te-tai-chinh-post1380040.html