Định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông
Công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông (THPT) luôn được ngành Giáo dục và Đào tạo, các trường học trên địa bàn tỉnh quan tâm, nhất là đối với học sinh khối 12. Thực hiện tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp sẽ giúp học sinh nhận biết khả năng của mình, chọn đúng nghề, phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động của xã hội.
Một tiết ôn tập của học sinh trường THPT Nguyễn Trung Ngạn (Ân Thi)
Hiện tại, học sinh khối 12 đã bước sang học kỳ 2 của năm học 2021 - 2022. Đây cũng là thời điểm nước rút để các em có sự cân nhắc quyết định chọn trường, chọn nghề cho mình thông qua những bộ hồ sơ đăng ký nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, để có quyết định đúng đắn, phù hợp với bản thân thì không phải em nào cũng làm được. Chính vì thế, những năm gần đây, các trường THPT trong tỉnh đã bố trí đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm, chuyên môn để tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Đồng thời liên kết, phối hợp với các đơn vị tuyển sinh, các trường đại học, cao đẳng tổ chức tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh và cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm thực tế các ngành, nghề mà trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đang đào tạo. Cùng với đó, các nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi thi thử để phân luồng học sinh và xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với từng học sinh. Qua đó, học sinh xác định được động cơ, thái độ học tập và rèn luyện, hiểu được yêu cầu và xu thế phát triển của nguồn nhân lực trong tương lai.
Để chọn được ngành học thật sự phù hợp, trước hết phải có đam mê, yêu thích, muốn dành sức lực và tâm huyết để theo đuổi ngành, nghề đó. Thứ hai là năng lực, khả năng và thế mạnh của bản thân có phù hợp với ngành, nghề đó hay không? Thứ ba là cơ hội nghề nghiệp của ngành mình lựa chọn có cơ hội cạnh tranh trong quá trình tìm kiếm việc làm sau này hay không? Đó là chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Sim đã thu hút nhiều học sinh, phụ huynh học sinh tại hội nghị tư vấn, hướng nghiệp trực tuyến cho học sinh khối 12 do Trường THPT Tiên Lữ (Tiên Lữ) phối hợp với một số trường đại học, cao đẳng tổ chức. Mặc dù được tổ chức bằng hình thức trực tuyến nhưng học sinh rất hứng thú, đặt nhiều câu hỏi về băn khoăn, thắc mắc của bản thân trong việc chọn trường, chọn nghề. Em Trần Thị Ngọc Ánh, học sinh lớp 12A1 cho biết: Qua hội nghị tư vấn, hướng nghiệp giúp em biết về tỉ lệ tìm được việc làm của từng ngành nghề sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp. Đây là những kiến thức thông tin bổ ích giúp em có đăng ký phù hợp vào các trường đại học trong kỳ thi sắp tới.
Trường THPT Đức Hợp (Kim Động) được đánh giá là điểm sáng trong công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh. Thầy giáo Hà Quang Vinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh được nhà trường thực hiện ngay từ học sinh khối lớp 10 để các em sớm có định hướng và đầu tư những môn học theo các ngành đã chọn. Cùng với đó, nhà trường hướng dẫn các giáo viên chủ nhiệm lồng ghép các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh vào các tiết sinh hoạt lớp. Đồng thời đầu mỗi năm học, nhà trường thực hiện khảo sát đối với học sinh các khối lớp và trên cơ sở kết quả học tập của học sinh, trường sẽ tư vấn để các em hiểu rõ và lựa chọn những ngành, nghề phù hợp. Đồng thời, nhà trường sẽ phân luồng học sinh để xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp với năng lực của các em. Hàng năm có khoảng 80% số học sinh khối 12 của nhà trường trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng...
Thời gian gần đây, công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT đã được nhiều nhà trường quan tâm đổi mới theo hướng thiết thực hơn. Tuy nhiên, tình trạng hướng nghiệp chưa thực sự gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Vẫn còn tình trạng đổ xô theo học những ngành mà thị trường lao động đang dư thừa. Mặt khác, nhiều phụ huynh học sinh và học sinh vẫn là coi trọng bằng cấp. Phần lớn các trường THPT vẫn có xu hướng chạy theo thành tích số lượng học sinh tốt nghiệp và trúng tuyển đại học, dẫn đến việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THPT còn hạn chế. Chọn trường, chọn nghề sau tốt nghiệp THPT theo trào lưu, không theo năng lực, nguyện vọng và điều kiện bản thân không chỉ khiến học sinh lãng phí thời gian, công sức, tiền của mà còn gây mất cân bằng lao động xã hội…
Trước “ngã rẽ” tương lai, các em học sinh cuối cấp THPT cần nhiều hơn sự quan tâm, tư vấn của nhà trường và gia đình. Mỗi trường THPT cần thực hiện thường xuyên đồng bộ các giải pháp giúp học sinh và phụ huynh học sinh nhận thức đúng đắn trong việc học văn hóa, học nghề phù hợp, tránh lãng phí về kinh tế cho gia đình và xã hội; tăng cường phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trường trung cấp và các doanh nghiệp để tư vấn, giúp học sinh hiểu về nghề nghiệp phù hợp với năng lực bản thân cũng như yêu cầu thực tiễn. Cùng với nhà trường, các bậc phụ huynh học sinh cần chủ động tìm kiếm thông tin để phân tích, định hướng cho con em mình lựa chọn ngành, nghề thích hợp để khi bước chân vào trường đại học, cao đẳng hay các trường dạy nghề học sinh có thể yên tâm với việc lựa chọn đúng ngành, nghề phù hợp...