Định hướng nghề nghiệp cho nạn nhân mua bán người

Khó khăn nhất để tái hòa nhập với cộng đồng của nạn nhân mua bán người, đôi khi lại chính là chuyện vượt qua bản thân mình, bà Lê Thị Bích Ngọc, cán bộ của phòng Tham vấn, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho biết.

Hành trình tái hòa nhập không thực sự dễ dàng

Trong nhiều năm đón nhận và đồng hành cùng những nạn nhân của nạn buôn người, bà Bích và đồng nghiệp nhiều khi cảm thấy quá bất lực bởi không phải nạn nhân nào cũng có thể can thiệp hoặc giúp đỡ. Việc mang trong mình căn bệnh xã hội, hoặc bệnh tật như án tử treo lơ lửng trên đầu đã quá đau xót, nhưng hành trình tái hòa nhập của các chị cũng không phải thực sự dễ dàng như người ta vẫn nghĩ.

Sau thời gian triền miên bị đầy ải, có những nạn nhân khi được giải cứu, do sang chấn tâm lý, nạn nhân đã hoàn toàn quên tất cả những việc trước kia. Thậm chí họ còn không nhớ họ là ai, làm gì chứ đừng nói đến nhớ quê quán, nghề nghiệp trước kia. Cũng có nạn nhân họ sợ tiếp xúc người lạ, họ sợ khi bước ra xã hội… tất cả những biện pháp tâm lý, những chăm sóc, những hỗ trợ chỉ dần dần khiến họ tạm quên, đôi khi những nỗi đau ám ảnh họ cả đời.

Về đến Việt Nam, cái họ nhận được là sự hỗ trợ điều trị tâm lý, kiểm tra sức khỏe. Việc đó hoàn hảo với những nạn nhân chưa bị nhiễm bệnh xã hội, còn đối với những nạn nhân bị mắc bệnh xã hội, thì đó chỉ là bước đầu. “Hầu hết những nạn nhân mua bán người đều là những người có khó khăn về tài chính. Vậy thì tài chính ở đâu để họ có thể đến bệnh viện để điều trị dứt điểm những căn bệnh xã hội mình đang mang. Chúng tôi đã từng kêu gọi, đã từng xin cho nạn nhân có bảo hiểm y tế tự nguyện, nhưng bởi có rất nhiều dích dắc nên chưa có bất cứ một nạn nhân mua bán người nào của Trung tâm có được chiếc thẻ quý giá đó” - chị Ngọc cho biết.

Khó khăn chồng khó khăn, những cán bộ ở đây kể, họ còn gặp cả khó khăn do chính nạn nhân từ chối dịch vụ của Ngôi nhà Bình yên cung cấp. “Tôi đã từng gặp trường hợp, cô gái còn rất trẻ, khi cố thuyết phục cô ở lại nhận sự hỗ trợ từ Trung tâm, cô đã ngước lên hỏi tôi: “Nếu như con trai cô yêu một cô gái như cháu, cô có chấp nhận không?” Thật khó để trả lời họ thế nào cho đúng và thỏa đáng” - bà Bích kể. Và thế là với họ, chuyện tiếp tục nhắm mắt đưa chân dùng thân xác của mình như một món hàng là cách họ chọn để tiếp tục tồn tại.

Việc hỗ trợ, giúp đỡ hay định hướng nghề nghiệp cho nạn nhân cũng chỉ mang tính chất hỗ trợ mà thôi, còn có được hay không phần nhiều lại phụ thuộc vào chính bản thân người ấy. Chẳng cần sự phủ định, kỳ thị của xã hội khiến nạn nhân mua bán người buông xuôi, mà nhiều khi lại do chính bản thân họ, tự phủ định mình.

Bộ đội Biên phòng tuyên truyền cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số về tình trạng buôn bán người. Ảnh minh họa

Bộ đội Biên phòng tuyên truyền cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số về tình trạng buôn bán người. Ảnh minh họa

Từ nạn nhân của nạn buôn người đến là nạn nhân của bạo hành

Theo chị Ngọc, nhân viên của Ngôi nhà Bình yên, nạn nhân của nạn mua bán người đa phần là những người có cuộc sống hướng ngoại, tất cả những gì họ muốn là mọi cái phải thật dễ dàng. Họ dễ dàng tin, dễ dàng trao gửi, thậm chí còn rất thiếu những kỹ năng sống, thiếu hiểu biết xã hội. Cũng không loại trừ có một số còn ham chơi hơn ham làm, việc trở thành nạn nhân là một cái cớ khiến họ buông tuồng cuộc sống hơn. “Việc trở thành gái mại dâm hoặc sa vào những tệ nạn khác với họ đơn giản vô cùng” - lời chị Ngọc.

Các tham vấn viên tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phân tích, việc nạn nhân dễ sa đà vào các quan hệ liên quan đến tình dục đôi khi rất dễ hiểu. Việc làm công cụ để giải quyết nhu cầu tình dục thời còn ở trong động mại dâm, hoặc làm vợ tất cả đàn ông trong một gia đình khi còn ở bên Trung Quốc khiến họ thấy việc quan hệ tình dục đối với họ không còn là thiêng liêng hoặc cao cả nữa, mà nó như là một đánh đổi tất yếu. Chính thế nên khi được giải cứu và trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng, những đối tượng này rất dễ dàng sa ngã vào vòng tay của bất kỳ người đàn ông nào tán tỉnh họ. Và họ sẵn sàng quan hệ tình dục với người đàn ông khác.

Như thế cũng không quá khó khăn để hiểu, từ nạn nhân của nạn buôn người đến là nạn nhân của bạo hành gia đình đôi khi như một chuỗi logic. Như đã nói từ trước, nạn nhân của nạn buôn người đa phần bị bóc lột và bạo hành tình dục. Dù có được hỗ trợ những liệu pháp tâm lý, dù có được trang bị lại những kiến thức vào đời, thế nhưng cánh cửa quay trở lại các chị đã hẹp đi một phần. Không phải người phụ nữ nào cũng đủ tự tin như những cô gái đang phơi phới ngoài kia để mà chọn lựa kỹ càng cho mình một tấm chồng, mặc cảm, tự tin khiến cái cách chọn người chung sống cũng đại khái, hoặc chấp nhận một cách phải chăng…

Nói về công việc hỗ trợ nạn nhân mua bán người tại Ngôi nhà Bình yên, các nhân viên tham vấn cho rằng, cũng không thể phủ nhận rằng công tác này cũng có nhiều hạn chế. “Thời gian 6 tháng để nắm bắt, giải quyết và định hướng công việc cho 1 nạn nhân là quá ít. Bởi lẽ, có những nạn nhân phải sau 3 tháng chúng tôi mới có thể có được một hồ sơ tương đối hoàn chỉnh về họ. Vậy còn 3 tháng với tất cả các công tác điều trị tâm lý, sức khỏe, định hướng nghề nghiệp… liệu có đủ?” - chị Ngọc nói.

Để giải cứu nạn nhân bạo hành không khó, bởi nạn nhân bạo hành có thể dám nhận họ là nạn nhân, chứ nạn nhân của mua bán người thì khác. Đó là quãng đời họa muốn xóa sạch, muốn quên hết và không còn dấu ấn trong cả cuộc đời họ.

Quá nhiều khó khăn nẻo về của nạn nhân buôn người. Nhưng dù được giải cứu hay không được giải cứu thì những nạn nhân của nạn buôn bán người vẫn cứ là những người thực sự bất hạnh. Nỗi đau của những gì đã trải qua sẽ là vết thương in dấu cả đời trong tâm hồn họ. Phòng, chống tệ nạn buôn người không phải chỉ của riêng ai, không phải chỉ của cá nhân và tập thể nào, mà của toàn xã hội, để sẽ không phải có bất cứ người nào còn phải đau đáu về câu chuyện buôn người.

Ngọc Dung

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dinh-huong-nghe-nghiep-cho-nan-nhan-mua-ban-nguoi-210702.html