Định hướng nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực

(Tiếp theo k trước)

*NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Trong những năm qua, việc ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) phục vụ sản xuất tại Bình Phước có nhiều bước tiến khả quan cho ngành nông - lâm nghiệp. Với điều kiện khí hậu và lập địa khá đặc trưng nên tỉnh có nguồn tài nguyên sinh vật khá phong phú và đa dạng. Bên cạnh đó, vấn đề sở hữu trí tuệ phục vụ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và các ngành kinh tế luôn được tỉnh quan tâm. Các đơn vị chuyên môn rất tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tiến hành tạo lập, đăng ký, bảo hộ và phát triển các nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý liên quan đến sản phẩm thế mạnh, đặc sản địa phương như hồ tiêu, điều; đồng thời, xác định được thế mạnh của từng vùng có thể sản xuất nông - lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các địa điểm để xây dựng khu nông nghiệp, khu kinh tế ứng dụng công nghệ cao; các loại hình tổ chức sản xuất là hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp… Các địa phương, doanh nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH-CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý xã hội, đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đầu tư phát triển tiềm lực KH-CN

Những năm gần đây, Tỉnh ủy quan tâm và đánh giá cao vị trí, vai trò của KH-CN trong quá trình phát triển của tỉnh, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức trong cấp ủy, chính quyền các cấp đối với phát triển KH-CN ở các địa phương, cơ quan, đơn vị. Tập trung đổi mới tổ chức và quản lý KH-CN một cách bài bản, tăng cường kiểm tra, giám sát, giám định công nghệ và chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành thị trường công nghệ. Tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực KH-CN, thể chế hóa các nội dung liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học - kỹ thuật. Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế, đẩy mạnh xã hội hóa nhà khoa học và doanh nghiệp.

Chỉ tính từ năm 2011-2014, có 23 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh được phê duyệt nghiên cứu ứng dụng và được cấp kinh phí trên 12 tỷ đồng. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, nhiều đề tài, dự án đã cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ tốt công tác hoạch định chủ trương, chính sách của tỉnh. Bên cạnh đó, công tác đổi mới hoạt động công nghệ được mở rộng, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ 7 doanh nghiệp với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Các cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng, hội thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật của tỉnh, huyện được duy trì và ngày càng nâng cao chất lượng.

Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của KH-CN, thời gian qua, Tỉnh ủy đã đề ra nhiều định hướng, giải pháp cả về thể chế, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, hoạt động đối ngoại, xây dựng Đảng. Đặc biệt, Đảng bộ tỉnh có chủ trương, giải pháp cụ thể về phát triển KH-CN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao và ứng dụng KH-CN, xác định KH-CN là một lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế thị trường, trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tỉnh ủy luôn khẳng định vận dụng KH-CN cùng với việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng, giải pháp mang tính quyết định nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả kinh tế, tạo và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, từng ngành, từng địa phương và từng doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ…

So với các tỉnh trong khu vực, Bình Phước vẫn còn nhiều hạn chế về nghiên cứu, ứng dụng KH-CN, ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh và chất lượng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc đầu tư kinh phí cho sự nghiệp KH-CN vẫn còn ở mức thấp; cơ chế, chính sách tài chính chưa tạo được động lực và điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động KH-CN, việc bố trí ngân sách cũng như huy động các nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước cho KH-CN còn hạn chế. Những quy định về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ chưa khuyến khích được việc nghiên cứu các đề tài khoa học; còn thiếu cơ chế, biện pháp cụ thể để xây dựng và nâng cao vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức làm KH-CN đầu ngành và các tập thể KH-CN. Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và tiến tới làm chủ công nghệ nhằm góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Chủ động, tích cực nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH-CN, nhất là công nghệ sinh học (CNSH), công nghệ vật liệu mới, cơ khí - tự động hóa, công nghệ thông tin, xem đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài. Lựa chọn ứng dụng các công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Phát huy tối đa các nguồn lực nhà nước và xã hội, tranh thủ các nguồn hỗ trợ của Trung ương để đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng KH-CN trên địa bàn tỉnh…

Trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của hội viên, đoàn viên và nhân dân đối với các chủ trương tăng cường nghiên cứu, ứng dụng KH-CN trong các lĩnh vực và Kết luận số 370-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về định hướng nghiên cứu, ứng dụng KH-CN trong các lĩnh vực giai đoạn 2021-2025 đến các chi, đảng bộ trực thuộc và triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn của ngành, địa phương, đơn vị. Tập trung nghiên cứu, tiếp nhận và ứng dụng thành công ít nhất 3 hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng và ít nhất 3 hệ thống cơ giới, tự động hóa phục vụ quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh, cảnh báo thiên tai, bảo vệ tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng thành công ít nhất 2 chế phẩm sinh học, ít nhất 2 sản phẩm vật liệu nano và 2 quy trình kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, 100% cơ quan quản lý nhà nước ở cấp tỉnh, huyện áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng ISO điện tử; 100% nhiệm vụ nghiên cứu KH-CN sau khi nghiệm thu đạt yêu cầu được đưa vào ứng dụng, tạo ra sản phẩm cụ thể.

Ứng dụng hiệu quả và đổi mới sáng tạo

Để thực hiện tốt định hướng nghiên cứu, ứng dụng KH-CN trong các lĩnh vực giai đoạn 2021-2025 và triển khai đồng bộ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo trên các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học nông nghiệp, khoa học tự nhiên và kỹ thuật, khoa học y - dược, khoa học tài nguyên, bảo vệ môi trường, trong đó ưu tiên các lĩnh vực CNSH, công nghệ vật liệu mới, cơ khí - tự động hóa, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy yêu cầu đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể thành viên, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và triển khai các ứng dụng chính quyền điện tử. Ứng dụng công nghệ GIS để quản lý tài nguyên, môi trường, cảnh báo thiên tai, kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Xây dựng và áp dụng hệ thống ISO điện tử, quản lý thông tin, truy xuất nguồn gốc về các sản phẩm hàng hóa, nông - lâm sản trên địa bàn tỉnh. Thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) trong quản lý, phát triển đô thị thông minh, bệnh viện thông minh, trường học thông minh. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng CNSH cải tiến gen quý trên các loại cây trồng nông, lâm nghiệp chủ lực của tỉnh. Ứng dụng mạnh mẽ các chế phẩm sinh học để phòng, chống sâu bệnh hại cây trồng, bảo quản, chế biến nông - lâm sản, xử lý ô nhiễm môi trường, nghiên cứu ứng dụng CNSH trong y - dược, chăm sóc sức khỏe, bảo quản thực phẩm... Nghiên cứu, ứng dụng CNSH tạo các chế phẩm sinh học để kiểm soát dư lượng các chất cấm trong nông sản có nguồn gốc từ cây trồng. Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp sinh học nhằm nâng cao khả năng sinh sản và bảo vệ sức khỏe đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng vật liệu nano, vật liệu polyme - compozit đặc biệt phục vụ một số lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và bảo vệ môi trường, vật liệu nhẹ dùng trong xây dựng. Ứng dụng các công nghệ vật liệu mới trong sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản…; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các phần mềm và nội dung số đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm phần mềm; xây dựng, quản ký, khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm đặc trưng, đặc sản của địa phương và có thị trường tiêu thụ lớn.

Xây dựng các mô hình ứng dụng đồng bộ các giải pháp cơ giới hóa trong sản xuất nông - lâm nghiệp và chế biến sản phẩm nông - lâm sản. Nghiên cứu phát triển và tích hợp công nghệ tự động hóa, công nghệ số và các công nghệ tiên tiến để phát triển các mô hình sản xuất, quản trị doanh nghiệp thông minh, hiện đại. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học của các tổ chức KH-CN và doanh nghiệp. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực có đủ trình độ tiếp nhận, chuyển giao các công nghệ cốt lõi của cách mạng công nghệ 4.0 trên địa bàn tỉnh; lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, nguồn vốn khác nhau của Trung ương và địa phương; khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đầu tư đối ứng để triển khai các nhiệm vụ đạt hiệu quả.

Tăng cường hợp tác, liên kết, phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học, các tập đoàn công nghệ có uy tín, doanh nghiệp KH-CN trong và ngoài nước trong việc nghiên cứu, ứng dụng KH-CN, nhất là CNSH, công nghệ vật liệu mới, cơ khí - tự động hóa, công nghệ thông tin trong các lĩnh vực, phù hợp với điều kiện của tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, doanh nghiệp chủ động hợp tác và tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở trong và ngoài nước; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các quốc gia khác trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; trao đổi, đào tạo nguồn nhân lực KH-CN và nhất là kêu gọi vốn đầu tư từ nước ngoài để triển khai, thực hiện các dự án KH-CN trên địa bàn tỉnh có quy mô lớn.

Gắn kết chặt chẽ hoạt động KH-CN với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các cá nhân, tổ chức; khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ hoạt động phổ biến, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ KH-CN vào sản xuất và đời sống; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh các sản phẩm, hàng hóa.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/139493/dinh-huong-nghien-cuu-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-trong-cac-linh-vuc