Định hướng phát triển khu công nghệ thông tin tập trung
Đồng Nai có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đưa vào khai thác trong tương lai, địa phương sẽ không chỉ là nơi trung chuyển hàng không quốc tế và phát triển các lĩnh vực thế mạnh về logistics, thương mại, công nghiệp, mà còn có lợi thế về nơi trung chuyển, kết nối về dữ liệu, thu hút phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT).
Tỉnh hướng tới hình thành hệ sinh thái cơ sở hạ tầng hỗ trợ CNTT, công nghệ số, big data (dữ liệu lớn) và các dịch vụ hỗ trợ phát triển CNTT khác… Trong đó, tỉnh quy hoạch hình thành một khu CNTT tập trung để phát huy các lợi thế, tiềm lực phát triển.
Quy hoạch khu CNTT tập trung ở Long Thành
Đầu tháng 7-2024, Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó có quy hoạch phát triển khu CNTT tập trung có diện tích khoảng 100 hécta ở huyện Long Thành.
Khu CNTT tập trung này nhằm tận dụng lợi thế Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tuyến cáp quang biển quốc tế, cũng như tập trung thu hút đầu tư các trung tâm dữ liệu hiện đại, luân chuyển dòng chảy dữ liệu quốc tế. Đồng thời, tạo tiền đề phát triển ngành công nghiệp CNTT, tạo sự liên kết trong chuỗi công nghệ và sản xuất các sản phẩm công nghệ số, hướng tới phát triển các dự án chuyển đổi số, phát triển các tổ hợp giáo dục - đào tạo chuyên sâu cho địa phương và vùng Đông Nam Bộ…
Theo nhiều chuyên gia, việc quy hoạch phát triển khu CNTT tập trung sẽ góp phần giúp Đồng Nai phát triển hệ sinh thái công nghiệp CNTT như: trung tâm dự báo công nghệ - thị trường công nghiệp CNTT, chương trình đào tạo nguồn nhân lực, thu hút chuyên gia, phát triển các dự án “ươm tạo” trong lĩnh vực này…
Bà Phạm Nguyễn Xuân Quỳnh, Trưởng ban Trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây (Hội Truyền thông số Việt Nam - chi hội phía Nam), nhận định Đồng Nai còn nhiều dư địa để phát triển, kết nối hạ tầng về CNTT. Khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy phát triển khu đô thị sân bay, cùng nhiều ngành thương mại, công nghiệp, dịch vụ phát triển. Điều này sẽ góp phần mở rộng tiềm năng về thu hút đầu tư cho khu CNTT tập trung, thu hút khách hàng sử dụng các dịch vụ, công nghệ của khu CNTT tập trung này. Khi đó, tỉnh cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế đến chuyển giao công nghệ cao, kết nối trung tâm dữ liệu, phát triển công nghệ số…
Cần sớm hình thành trung tâm dữ liệu của tỉnh
Một trong những nội dung quan trọng trong việc phát triển khu CNTT tập trung là xây dựng, hình thành trung tâm dữ liệu. Đây được xem là tiền đề để định hình, phát triển các ngành CNTT.
Chủ tịch Hội Tin học Đồng Nai Nguyễn Thanh Hùng cho rằng, Đồng Nai cần lưu ý vấn đề nâng cấp trung tâm dữ liệu của tỉnh, chú trọng vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu. Trong đó, địa phương cần có phương án triển khai, vận hành trung tâm điều hành thông minh một cách hiệu quả, tiếp cận các công nghệ mới, tránh chồng chéo…
Giữa tháng 7 vừa qua, Sở Thông tin và truyền thông tổ chức buổi workshop cập nhật tình hình phát triển thị trường và các tiêu chuẩn về trung tâm dữ liệu. Tại buổi workshop, các chuyên gia của trung tâm dữ liệu thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam - chi hội phía Nam đã trình bày, giới thiệu và trao đổi, cập nhật tình hình phát triển các trung tâm dữ liệu trên thế giới, tiêu chuẩn, điều kiện phát triển trung tâm dữ liệu. Đồng thời, đưa ra nhiều khuyến nghị cho địa phương trong quá trình hình thành, phát triển khu CNTT tập trung.
Tại buổi workshop, ông Hải Nguyễn, CEO Công ty USDC Technology Smart Data Center (Thành phố Hồ Chí Minh) - đơn vị chuyên tư vấn, thiết kế, xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu, đã chia sẻ tổng quan về xu hướng và công nghệ của ngành trung tâm dữ liệu. Theo đó, các định nghĩa, cấu thành của một trung tâm dữ liệu đều được đưa ra làm rõ, bao gồm: hệ thống tủ chứa thiết bị, hệ thống cáp viễn thông, hệ thống điều hòa không khí, hệ thống điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống giám sát và vận hành.
Theo ông Hải Nguyễn, hiện nay, xu hướng phát triển trung tâm dữ liệu đang hướng tới G-S-S-R. Trong đó, G (green) là yếu tố về tiết kiệm năng lượng, tối ưu không gian, giảm thải carbon, hướng tới phát triển bền vững. S (simple) nhắm đến việc hệ thống trung tâm dữ liệu có thể dễ dàng triển khai, đơn giản hóa quy trình quản lý. S (smart) hướng đến việc trung tâm dữ liệu được vận hành thông minh với các công nghệ tích hợp hiện đại, tùy biến theo yêu cầu thực tế. R (reliable) tức đảm bảo tính sẵn sàng, bền vững của dịch vụ dựa trên thiết kế và khả năng dự đoán lỗi, xử lý lỗi phát sinh một cách độc lập từng khu vực, ít tác động đến hệ thống chung…
Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Tạ Quang Trường bày tỏ, những chia sẻ góp ý từ các chuyên gia về phát triển trung tâm dữ liệu sẽ góp phần giúp các sở, ngành, địa phương liên quan chủ động tiếp cận thông tin, cập nhật tình hình phát triển trung tâm dữ liệu và các tiêu chuẩn, thu hút đầu tư về trung tâm dữ liệu, nhất là khi trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt có dự án khu CNTT tập trung tại huyện Long Thành.
Trong thời gian tới, Sở Thông tin và truyền thông sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị liên quan để trao đổi thông tin, đề xuất xây dựng lộ trình, kế hoạch về phát triển, đầu tư trung tâm dữ liệu, cũng như kết nối đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Ông Hải Nguyễn chia sẻ thêm: “Đồng Nai nên hướng tới phát triển trung tâm dữ liệu có quy mô phù hợp với nhu cầu của địa phương và đón đầu những xu hướng công nghệ mới về trung tâm dữ liệu để phát triển một cách an toàn, hiệu quả, đúng trọng tâm. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề mà địa phương cần đặc biệt quan tâm, chú trọng trong phát triển trung tâm dữ liệu đó là phát triển nguồn nhân lực. Bởi đây là yếu tố then chốt quyết định tính hiệu quả, tăng tính cạnh tranh của các trung tâm dữ liệu, nhất là trong bối cảnh nguồn nhân lực trong lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn còn hạn chế”.
Kế hoạch về chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai năm 2024 đã đề ra nhiều mục tiêu cụ thể về dữ liệu số, chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh trong năm nay. Trong đó, phấn đấu hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung và dữ liệu mở của tỉnh…