Định hướng thay cho cấm đoán

Sử dụng mạng xã hội để thành lập các nhóm nhằm rủ rê, lôi kéo, thậm chí là kích động để gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông là những biểu hiện mới của không ít thanh thiếu niên hiện nay khi tham gia vào mạng xã hội, nhất là thanh, thiếu niên ở khu vực nông thôn.

Đây là nhận định của Trung tá Nguyễn Tiến Nam, Đội trưởng Đội CSGTTT, Công an thành phố Tuyên Quang. Một trong những nguyên nhân là do các gia đình ở vùng nông thôn chưa quản lý, hướng dẫn các em sử dụng mạng xã hội đúng cách.

Đoàn phường Hưng Thành tuyên truyền và hướng dẫn sử dụng mạng xã hội cho đoàn viên thanh niên.

Đoàn phường Hưng Thành tuyên truyền và hướng dẫn sử dụng mạng xã hội cho đoàn viên thanh niên.

Chỉ mấy tháng trước đây, nhiều gia đình, nhà trường trên địa bàn thành phố Tuyên Quang mới “ngã ngửa” khi Công an thành phố đến làm việc vì con em mình đã thành lập các nhóm điều khiển xe mô tô, xe gắn máy lạng lách, đánh võng, chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, điều khiển thành đoàn gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đáng kể là các thanh, thiếu niên này đã thành lập nhiều nhóm trên facebook mang tên “Lò đào tạo bốc đầu Mỹ Bằng”, “Wave DreamII - Yên Sơn”, “Wave và DreamII”, “Km 13”, mỗi nhóm tập hợp hàng chục thanh niên để đua xe mà gia đình và nhà trường không hay biết. Các thanh, thiếu niên này lập facebook để rủ rê, lôi kéo và hẹn nhau tại các điểm để thực hiện các hành vi vi phạm an toàn giao thông trong một thời gian khá dài. Sau khi thực hiện các hành vi vi phạm đã đăng ảnh, video lên facebook. Qua làm việc với gia đình và nhà trường, hầu hết đều không nắm được thông tin con em mình sử dụng facebook để thực hiện các hành vi này.

Â.V.S, thôn 6, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) tham gia vào nhóm facebook “Km 13” nhưng gia đình không hề biết. Bố em ở nhà làm ruộng, mẹ đi làm ăn xa. S hàng ngày đi học, ăn trưa ở trường, tối mới về nhà. Anh Â. Đ.S, bố của em cho biết, anh không dùng điện thoại thông minh, vì không theo kịp được bọn trẻ nên gia đình cấm luôn S không được sử dụng mạng xã hội. Biết S vẫn sử dụng mạng xã hội hàng ngày nhưng gia đình cũng không có cách nào theo dõi, quản lý được.

Không chỉ S, một số trường hợp khác chúng tôi gặp trong các nhóm facebook lập ra để đua xe, thực hiện các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên đa số là thanh, thiếu niên ở nông thôn. Nhiều em, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ các em phải đi làm ăn xa, phó mặc việc quản lý các em cho ông, bà, cô chú. Một số em khác khi được hỏi cho chúng tôi biết, các em cũng bị cấm sử dụng mạng xã hội. Khi biết các em vẫn sử dụng thì lại quản lý rất gắt gao về mặt giờ giấc, thời lượng vào mạng xã hội hàng ngày.

Công an thành phố Tuyên Quang làm việc với các thanh, thiếu niên sử dụng facebook để lôi kéo thực hiện hành vi gây mất trật tự an toàn giao thông.

Công an thành phố Tuyên Quang làm việc với các thanh, thiếu niên sử dụng facebook để lôi kéo thực hiện hành vi gây mất trật tự an toàn giao thông.

Theo ông Trần Xuân Viên, Chủ tịch UBND phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) cho biết, nhiều gia đình ở nông thôn, trình độ nắm bắt công nghệ của bố mẹ không theo kịp được con trẻ và mải làm ăn nên thay cho việc hướng dẫn sử dụng mạng xã hội thông minh thì lại cấm đoán, quản lý trẻ một cách máy móc. Phương pháp đó càng kích thích sự tò mò ở trẻ, tìm mọi cách trốn tránh gia đình vào mạng. Như vậy càng trở nên tai hại hơn. Vì thế, thay cho việc cấm trẻ, quản lý chặt chẽ thì hãy để cho trẻ em được chơi một cách thông minh trong môi trường mạng dưới sự hướng dẫn của gia đình và nhà trường. Ở vùng nông thôn, tuy điều kiện để quản lý và định hướng cho trẻ không bằng những gia đình ở thành thị thì cũng hãy dành thời gian để lắng nghe, hướng dẫn trẻ sử dụng mạng xã hội.

Theo cô giáo Trần Thị Năm, Hiệu trưởng trường THPT Tân Trào, học sinh của nhà trường, nhiều em ở khu vực nông thôn. Cô Năm cho rằng, xã hội càng phát triển thì công nghệ càng phát triển mà giới trẻ phải nắm bắt được xu thế công nghệ là tất yếu. Gia đình, nhà trường không thể cấm đoán các em sử dụng mạng xã hội mà quan trọng nhất là phải hướng dẫn các em sử dụng mạng xã hội như thế nào. Làm sao để trẻ sử dụng mạng xã hội một cách có ích trong cuộc sống rất cần vai trò hướng dẫn, giáo dục, định hướng của gia đình, nhà trường chứ không phải quản lý các em một cách máy móc về giờ giấc, thời gian vào mạng xã hội như nhiều phụ huynh học sinh hiện nay đang làm.

Em Nguyễn Minh Nguyệt, lớp 10A10, trường THPT Nguyễn Văn Huyên cũng có chung sự mong muốn như nhiều bạn trẻ khác đó là gia đình đừng cấm đoán mà hãy định hướng cho các em cách sử dụng mạng xã hội một cách bổ ích. Cũng có thể quy định thời gian được sử dụng mạng xã hội để không ảnh hưởng đến cuộc sống và học tập nhưng quan trọng hơn cả là dạy trẻ biết cách thu nhận, kết nối và chia sẻ những thông tin có ích trên mạng xã hội.

Không để trẻ cô đơn trên mạng xã hội thì mỗi gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương hãy hướng dẫn các em sử dụng mạng xã hội thông minh. Không nên cấm đoán hay quản lý các em một cách máy móc. Từ đó biến môi trường mạng xã hội trở thành nơi các em được kết nối tri thức, lan tỏa và chia sẻ những điều tốt đẹp để các em phát triển một cách toàn diện nhất.

Thủy Châu

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/dinh-huong-thay-cho-cam-doan-135145.html