Định hướng tương lai của hợp tác xã do phụ nữ làm chủ
Trong những năm qua, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong điều hành, quản lý các hợp tác xã.
Tối 29/7, tại Hà Nội đã khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Nữ lãnh đạo hợp tác xã khu vực châu Á – Thái Bình Dương với chủ đề chức với chủ đề: “Trao quyền lãnh đạo: Định hướng tương lai của hợp tác xã do phụ nữ làm chủ”.
Sự kiện này là hoạt động thường niên bên lề Hội nghị Ban lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ICA-AP).
Đây là diễn đàn để các nữ lãnh đạo, giám đốc và doanh nhân nữ trong khu vực hợp tác xã chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và tạo sự kết nối giữa các quốc gia và các ngành/lĩnh vực trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của môi trường thế giới hậu dịch COVID-19. Cùng đó, đại biểu nhận diện rõ hơn những thách thức và những vấn đề mới nổi đối với phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong khu vực và trên toàn thế giới, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động của hợp tác xã, đặc biệt nắm giữ vai trò quan trọng, chủ chốt trong việc ra quyết định phát triển hợp tác xã.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong phát triển kinh tế là mối quan tâm của các quốc gia trên thế giới và khu vực. Nhiều hợp tác xã được thành lập và lãnh đạo bởi phụ nữ đang hoạt động hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động.
Ở Việt Nam, chỉ tính riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù chưa có số liệu nghiên cứu đầy đủ nhưng có ít nhất 10% phụ nữ tham gia quản lý trong số 18.340 hợp tác xã nông nghiệp; 85% lao động nữ tham gia và có việc làm ổn định trong lĩnh vực này.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) hiện đang là một trong những đòn bẩy thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn của Việt Nam phát triển, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới. Trong số các chủ thể tham gia OCOP, tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ chiếm 39%, khoảng 20% hợp tác xã đăng ký sản phẩm OCOP là mô hình do phụ nữ quản lý và đóng góp vào thành công của chương trình. Các hợp tác xã do phụ nữ quản lý tạo được nhiều việc làm cho lao động nữ và quan tâm đến các chế độ chính sách về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và các vấn đề xã hội.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã. Chương trình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu "Tiếp tục thành lập các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã do thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, đồng bào dân tộc làm chủ"; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đặt ra chỉ tiêu "Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030".
Theo đó, tháng 1/2023, Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030". Đề án do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chủ trì đã ký kết các thỏa thuận với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong điều hành, quản lý các hợp tác xã cũng như chủ động đề xuất các chính sách, chương trình/đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Theo bà Cao Xuân Thu Vân, góp phần vào nỗ lực chung của đất nước, trong những năm qua, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong điều hành, quản lý các hợp tác xã. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã chủ động đề xuất các chính sách, chương trình/đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng trống về bình đẳng giới trong khu vực này, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý chỉ chiếm khoảng trên 25% trong tổng số lãnh đạo của các hợp tác xã và phần lớn chỉ giữ chức vụ từ cấp phó trở xuống. Năng lực đội ngũ ban lãnh đạo hợp tác xã nhất là phụ nữ còn hạn chế ở các kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, tổ chức sản xuất kinh doanh, ứng dụng công nghệ, xúc tiến thương mại...Vì vậy, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hợp tác xã là một yêu cầu quan trọng, góp phần phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững và phát triển kinh tế xã hội nói chung.
Ông Lê Hoài Trung- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương nhận định, tại Việt Nam, kinh tế tập thể, hợp tác xã là một thành phần quan trọng của nền kinh tế quốc dân, có vai trò và đóng góp đặc biệt có ý nghĩa trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Theo ông Lê Hoài Trung, sáng kiến tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Nữ lãnh đạo Hợp tác xã khu vực châu Á - Thái Bình Dương rất có ý nghĩa và phù hợp với chủ đề Ngày Quốc tế Hợp tác xã năm 2024 là "Hợp tác xã xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người".
Do đó, hy vọng hội nghị cũng sẽ mang đến cơ hội kết nối, giao thương giữa các hợp tác xã Việt Nam với các đối tác hợp tác xã trong khu vực nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên doanh liên kết; kết nối thị trường và công nghệ trong tương lai. Hơn nữa, các nước sẽ tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng và các cấp lãnh đạo về vai trò, đóng góp của phụ nữ đối với sự phát triển bền vững của hợp tác xã. Mặt khác, kết nối các nữ doanh nhân, nữ lãnh đạo hợp tác xã với Chính phủ, chính quyền các cấp, giữa các nữ doanh nhân, nữ lãnh đạo hợp tác xã ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
Đặc biệt, các lãnh đạo nữ, đặc biệt là doanh nghiệp nữ và hợp tác xã do nữ làm chủ của các nước tiếp tục tiên phong, chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; xanh hóa sản xuất và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Cùng đó, nhận diện rõ hơn những thách thức, những vấn đề mới nổi đối với phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Ngoài ra, chia sẻ kinh nghiệm vận động chính sách có lồng ghép giới cho hợp tác xã nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các hợp tác xã phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Ông Lê Hoài Trung cũng đề nghị Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tiếp tục chủ động đề xuất và phối hợp với các cơ quan, bộ ngành liên quan triển khai các sáng kiến, hoạt động chung nhằm phát huy vai trò của nữ quản lý, lãnh đạo hợp tác xã và đóng góp thực chất, hiệu quả vào phát triển kinh tế; đảm bảo có cơ cấu nữ trong Ban lãnh đạo các hợp tá xã và Ban lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã các cấp, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các tham luận, ý kiến của các chuyên gia, khách mời nhằm khuyến khích phụ nữ tham gia và điều hành hợp tác xã; nhận diện một số thách thức đặt ra trong tình hình mới với việc xây dựng và phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Hội nghị Thượng đỉnh Nữ lãnh đạo hợp tác xã khu vực châu Á – Thái Bình Dương dự kiến kéo dài tới ngày 31/7.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dinh-huong-tuong-lai-cua-hop-tac-xa-do-phu-nu-lam-chu/341990.html