Định kiến giới - rào cản tư tưởng cần xóa bỏ
Cách đây không lâu, dư luận xã hội được phen 'dậy sóng' khi xem game show truyền hình 'Hành lý tình yêu' của VTV. Tại chương trình này, một thanh niên (là người chơi) đã bày tỏ quan điểm chọn vợ với thông điệp: Sẽ ly hôn nếu vợ tương lai không sinh được con trai. Thanh niên này giải thích, ở quê anh trong các lễ cúng kỵ sẽ làm 2 mâm cỗ: Mâm lớn dành cho nam giới vì con trai là trụ cột, còn mâm dưới (có thể ngồi sau bếp) thì dành cho nữ giới…
Chị Lê Thị Tú, thành phố Đông Hà chia sẻ, khi xem chương trình này trên facebook, tôi thật sự bất bình mặc dù sau đó được biết tình huống ấy nằm trong ý đồ sắp xếp theo kịch bản của chương trình. Dẫu vậy, câu chuyện trên sân khấu ấy không phải ngoài đời không có. Tôi cũng là người phải vất vả áp dụng đủ các biện pháp từ chế độ ăn uống, sinh hoạt cho đến định kỳ phải đi siêu âm canh trứng để cố gắng đổi “lộc con” sau khi đứa đầu lỡ sinh con gái. Tôi phải quyết tâm như vậy cũng chỉ vì mong muốn của chồng và ông bà nội là “có thêm thằng cu chống gậy” dù thực tế trong gia đình chồng 2 chú (em chồng tôi) đều có con trai.
Định kiến giới với tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại trong xã hội. Người Việt vẫn quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, đàn ông là trụ cột trong gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn. Còn phụ nữ thì chỉ nên quanh quẩn với việc nội trợ, chăm sóc chồng con...
Tâm lý thích con trai và quan niệm phải có con trai để nối dõi tông đường, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ khi về già hay thờ cúng tổ tiên vẫn còn nặng nề trong đời sống văn hóa cộng đồng, nhất là ở các vùng nông thôn. Mong muốn có con trai của nhiều người dân là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng. Trong nhiều năm qua, Quảng Trị luôn là một trong những địa phương có tỉ lệ chênh lệch giới tính khi sinh (trẻ trai nhiều hơn trẻ gái) thuộc vào nhóm cao của cả nước.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Quảng Trị bắt đầu xuất hiện từ năm 2010. Đến năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 5170/KH-UBND về thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thực hiện đề án này, việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh ở các địa phương trong tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tỉ số giới tính khi sinh của tỉnh vẫn đang ở mức cao, thiếu ổn định và chưa đảm bảo tính bền vững lâu dài.
Cụ thể, tỉ số giới tính khi sinh tăng từ 112,3 trẻ nam/100 trẻ nữ (năm 2016) lên 112,8 trẻ nam/100 trẻ nữ (năm 2018), tăng bình quân 0,25 điểm phần trăm/năm; tiếp đến giảm mạnh xuống còn 110,1 trẻ nam/100 trẻ nữ (năm 2020), giảm bình quân 1,35 điểm phần trăm/năm. Tuy nhiên, đến 6 tháng đầu năm 2021 lại bắt đầu có sự chênh lệch đáng kể giữa số trẻ nam/số trẻ nữ, dự báo năm 2021 tỉ số giới tính khi sinh tăng trở lại và ở mức trên 111 trẻ nam/100 trẻ nữ.
Đối chiếu câu chuyện của nam thanh niên trong game show truyền hình với số liệu về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nhiều địa phương trong nước, trong đó có tỉnh Quảng Trị thì định kiến về giới vẫn xảy ra trong thực tế cuộc sống. Chính những quan niệm lỗi thời này khiến cho nỗ lực thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái trở nên khó khăn hơn. Mặt khác, định kiến giới cũng tạo nên rào cản lớn khiến phụ nữ có tư tưởng “an phận thủ thường”, sẵn sàng chấp nhận, thỏa hiệp với mọi định kiến về giới.
Cùng với việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, truyền thông và các giải pháp về chính sách pháp luật… thì việc khơi dậy những đam mê, khát vọng, ý chí và bản lĩnh của người phụ nữ, phát huy ý thức trách nhiệm, sự thấu cảm, sẻ chia và những kỹ năng còn tiềm ẩn ở người đàn ông cũng là một cách tích cực nhằm từng bước xóa mờ định kiến giới, góp phần thay đổi diện mạo xã hội, tiến tới bình đẳng giới.