Định mệnh Ukraine phụ thuộc Mỹ và phương Tây như thế nào?

Chính quyền Mỹ được xác định là nhân tố chính trong đàm phán với Nga để chấm dứt xung đột Ukraine tàn khốc trong gần 3 năm qua. Do vậy, khả năng cao tân Tổng thống Mỹ Trump sắp tới sẽ tạm thời loại Kiev khỏi vòng đầu của quá trình đàm phán.

Nhân tố quyết định nằm ở Mỹ và Nga

Chính quyền Tổng thống Mỹ Trump tương lai dường như chân thành cam kết tìm kiếm hòa bình cho Ukraine. Tuy nhiên, liệu chính quyền đó có sở hữu năng lực ngoại giao cực kỳ khéo léo mà thực tiễn đòi hỏi thì lại là một việc hoàn toàn khác. Có một vấn đề phải quyết định ngay vào đầu quá trình, đó là Ukraine nên tham gia vào tiến trình hòa bình này ở giai đoạn nào và trên những khía cạnh nào.

Lính Ukraine nã lựu pháo về phía quân Nga tại mặt trận Donetsk. Ảnh: Reuters.

Lính Ukraine nã lựu pháo về phía quân Nga tại mặt trận Donetsk. Ảnh: Reuters.

Có 3 bên liên quan là Ukraine, Nga và Mỹ. Tuy nhiên, chuyên gia Anatol Lieven - Giám đốc chương trình Á - Âu tại Viện Nhà nước có trách nhiệm Quincy, cho rằng trong giai đoạn đầu tiên, đàm phán chỉ nên diễn ra giữa Mỹ và Nga.

Tất nhiên có những khía cạnh nhất định của một thỏa thuận cuối cùng sẽ nhất thiết cần được Ukraine đồng thuận đầy đủ vì nếu thiếu sự đồng thuận đó, việc dàn xếp hòa bình sẽ trở nên bất khả thi.

Vấn đề không thể thương lượng đầu tiên từ quan điểm của Ukraine và của Mỹ là sự công nhận pháp lý của Ukraine và phương Tây đối với việc Nga sáp nhập một số lãnh thổ Ukraine, bất chấp việc người ta có thể chấp nhận thực tế rằng Ukraine khó phục hồi các lãnh thổ này trên chiến trường và do đó phải chấp nhận thực tế về sự kiểm soát của Nga trên thực địa, chờ đàm phán trong tương lai.

Vấn đề không thể thương lượng thứ 2 của Ukraine là yêu cầu của Tổng thống Nga Putin muốn Ukraine rút quân khỏi những lãnh thổ mà Ukraine vẫn còn kiểm soát ở 4 tỉnh Ukraine bị Nga tuyên bố đã sáp nhập vào nước này. Yêu sách này không được cả Kiev và Washington chấp nhận.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Lieven, ngoài 2 vấn đề trên còn có những vấn đề cơ bản khác không phụ thuộc vào sự quyết định của Ukraine. Các vấn đề này chủ yếu là tùy thuộc vào Mỹ. Chính phủ Mỹ sẽ phải đàm phán với phía Nga về những vấn đề này. Các đề xuất chủ chốt của Nga trong tối hậu thư họ đưa ra trước khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine cũng là những thỏa thuận mới với Mỹ và NATO, không liên quan đến Ukraine.

Ngày nay, những mặt chính của yêu sách từ phía Nga về giới hạn đối với lực lượng vũ trang Ukraine lại phụ thuộc vào Mỹ, do chỉ có Mỹ mới có thể cung cấp cho Ukraine những tên lửa tầm xa và thông tin tình báo để dẫn dắt chúng. Ngay đến vấn đề dỡ bỏ hay ngưng lệnh trừng phạt nào đó của phương Tây nhằm vào Nga với tư cách là một phần của thỏa thuận với Moscow cũng tùy thuộc vào Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Số phận Ukraine trong tay Mỹ và phương Tây

Đương nhiên Ukraine có thể xin gia nhập NATO nhưng quyết định về việc NATO liệu có chấp nhận thành viên mới là Ukraine lại không nằm ở nước này mà là ở các thành viên hiện nay của khối quân sự này - mỗi một nước như thế đều có quyền phủ quyết việc kết nạp Ukraine. Bản thân Mỹ cũng không thể ngăn quyền phủ quyết của những nước thân Nga như Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc thậm chí của cả Pháp nếu thủ lĩnh phái hữu Pháp là Marine Le Pen trở thành tổng thống kế tiếp của Pháp.

Ukraine cũng khó trả lời được câu hỏi về các đảm bảo an ninh nào của phương Tây có thể và nên trao cho Ukraine như một phần của thỏa thuận hòa bình.

Tổng thống Ukraine Zelensky đã gợi ý triển khai sang nước này các binh sĩ từ những nước thành viên NATO ở châu Âu. Tuy nhiên, phía Nga đã nói rõ rằng ý tưởng này là không chấp nhận được đối với Moscow.

Hơn nữa, các nước châu Âu sẽ đồng ý gửi quân tới Ukraine chỉ khi nào họ có được sự đảm bảo sắt đá từ Washington rằng Mỹ sẽ can thiệp để bảo vệ họ nếu họ bị tấn công. Như vậy, điều này lại đẩy trách nhiệm quyết định về phần sân của Washington, chứ không phải Kiev, Brussels, Warsaw hay Paris.

Nga luôn nhắm tới yếu tố sau lưng Ukraine

Trên tất cả, động cơ Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine là vượt ra bên ngoài Ukraine và vươn tới mối quan hệ an ninh giữa Nga và phương Tây do Mỹ dẫn dắt. Những động cơ đó của Nga bao gồm nhu cầu hạn chế lực lượng quân sự bên phương Tây và một dạng thức nào đó của cấu trúc an ninh châu Âu có tính đến lợi ích của Nga nhằm tránh các đụng độ trong tương lai.

Có khả năng chính quyền Tổng thống Nga Putin hoặc chính quyền Tổng thống Mỹ Trump hoặc cả 2 chính quyền này cùng từ chối thỏa hiệp, kéo theo đàm phán sụp đổ. Thử nghiệm điều này là một quá trình cực kỳ phức tạp và khó khăn, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tinh tế trong ngoại giao ở cả hai phía. Không nên kỳ vọng Nga hoặc Mỹ sẽ tung hết các lá bài lên bàn cùng một lúc.

Do quá trình tìm kiếm hòa bình này rất phức tạp nên nếu Ukraine tham gia đàm phán ngay từ đầu, quá trình tìm giải pháp dàn xếp dễ bị đổ vỡ. Mọi sự thỏa hiệp tương lai nào đó đều có nguy cơ bị rò rỉ tức thời và gây ra làn sóng phản đối ở châu Âu, ở Ukraine, tại Quốc hội Mỹ, trên truyền thông Mỹ và có thể cả từ những người theo đường lối cứng rắn ở Nga.

Đối với Ukraine, Mỹ là bên ủng hộ thiết yếu và không thể thay thế được trong xung đột vũ trang với Nga. Bởi vì Mỹ vừa là nhà viện trợ lớn cho Ukraine, vừa là nước có ảnh hưởng lên châu Âu - các nước EU sẽ không viện trợ cho Ukraine nếu thiếu sự khuyến khích và hậu thuẫn từ Mỹ. Và do đó, chính quyền Mỹ nên đi đầu trong nỗ lực chấm dứt xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: Foreign Policy

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dinh-menh-ukraine-phu-thuoc-my-va-phuong-tay-nhu-the-nao-post1143095.vov