Đình Phù Cựu - nơi lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử địa phương

Ở vùng đất cổ cuối huyện Ninh Giang đến nay vẫn còn lưu giữ được một công trình văn hóa, lịch sử hàng trăm năm tuổi khá đẹp và bề thế là đình Phù Cựu.

Khung cảnh yên bình ở đình Phù Cựu

Khung cảnh yên bình ở đình Phù Cựu

Nơi thờ Cao Sơn đại vương

Đình Phù Cựu nằm ở thôn Một, xã Văn Hội, nơi được bồi đắp bởi phù sa màu mỡ của sông Luộc. Ngôi đình thờ Thành hoàng làng Cao Sơn, một viên quan người Trung Quốc từng can gián vua không nên đem quân đánh nước ta. Theo bản thần tích soạn vào ngày 15 tháng 3 năm Tự Đức thứ 21 (1868), vào thời vua Tống Nhân Tông niên hiệu Khánh Lịch, có một người ở tỉnh Quảng Nam (Trung Quốc) họ Cao, tự Văn Trường, húy là Cao Sơn thông hiểu kinh sử, có chí lớn, năm 27 tuổi đỗ tiến sĩ nhị danh kỳ thi hương, sau làm quan tới chức thừa tướng. Lúc đương nhiệm, vua Tống sai Cao Sơn đem quân đánh chiếm nước ta và một số nước ở phía đông Trung Quốc, nhưng ông can vua không nên xuất quân vì lòng người không thuận. Vua Tống cho rằng ông chống lệnh, nhưng sau đó vua chấp thuận lời can gián của ông. Sau này, ông về quê dưỡng lão và mất tại quê nhà.

Ở nước ta, đến triều vua Lê Kính Tông có quân nổi loạn, triều thần Nguyễn Bá Lân và Nguyễn Văn Lữ phụng mệnh xuất chinh nhằm dẹp tan lực lượng này. Đến huyện Phụng Hóa, thuộc Châu Hoan, nay là vùng đất thuộc tỉnh Nghệ An gặp một ngôi đền nhỏ trong rừng sâu bên ngoài đề 5 chữ “Cao Sơn đại vương từ”. Hai ông vào đền khẩn cầu thần phù hộ dẹp yên quân nổi loạn. Sau đó quân sĩ đi tới đâu thắng tới đó. Thắng trận trở về, hai ông tâu việc này với nhà vua, vua lệnh cho quan huyện Phụng Hóa đốc thúc quân dân tu sửa đền thờ bốn mùa hương hỏa. Đến thời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786), khi đất nước thanh bình, nhà vua ban lệnh làng nào chưa có thành hoàng để tôn thờ thì được phép rước thần hiệu, sao thần tích “Cao Sơn đại vương” về lập miếu thờ.

Làng Phù Cựu từ trước chưa có thành hoàng, khi nghe lệnh vua ban, các hương lý, kỳ hào bẩm báo xin được rước thần hiệu, sao thần tích về lập miếu thờ từ đó. Ngày 28.7.1783, vua Lê Cảnh Hưng phong cho vị thần làng Phù Cựu sắc phong đầu tiên. Từ đó về sau, các đời vua nhà Nguyễn đều có sắc phong cho vị Thành hoàng làng tại đây.

Ngôi đình Phù Cựu là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử địa phương

Ngôi đình Phù Cựu là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử địa phương

Giá trị văn hóa, lịch sử

Từ hàng trăm năm trước, vùng đất Văn Hội đã phát triển mạnh mẽ nghề trồng dâu nuôi tằm, tơ tằm trở thành hàng hóa đi đến các tỉnh và thành phố lớn. Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện chăm lo đời sống tinh thần, dựng xây các công trình văn hóa. Đình Phù Cựu là một trong những ngôi đình có quy mô lớn nhất huyện.

Ngôi đình được khởi dựng giữa thế kỷ XVIII vào thời Hậu Lê, kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Đại bái gồm 6 vì kèo, trong đó có 4 vì kèo chính và 2 vì kèo áp đầu hồi phía bắc và phía nam, các vì kèo được dựng theo kiểu giá chiêng truyền thống. Đến nay, ngôi đình còn lưu giữ được những bức chạm, cốn sinh động, là những tiêu bản quý trong nghệ thuật điêu khắc truyền thống. Tại các bẩy hiên, các nghệ nhân dân gian đã khéo léo khắc họa những bức chạm theo chủ đề cúc hóa long, trúc hóa long, trên xà nách là các bức cốn với chủ đề tứ linh, tứ quý… mềm mại.

Tòa đại bái còn nhiều bức chạm lá hóa long, lá hóa phượng, lá lật liên hoàn. Phần điêu khắc gỗ của ngôi đình được thể hiện chủ yếu bằng kỹ thuật chạm lộng, chạm bong, tạo ra những tác phẩm sinh động, hoa văn tầng tầng lớp lớp, đạt hiệu quả cao về không gian, hình khối. Ngôi chùa được dựng từ những khúc gỗ lim chắc khỏe. Mái lợp ngói vảy cá, tường xây bằng gạch Bát Tràng, thu hồi bít đốc. Trên bờ cánh, bờ nóc có các phù điêu hổ phù đội nguyệt, triện tàu lá dắt và những đường hoa chanh mềm mại. Do sự tàn phá của thời gian, tòa hậu cung đã xuống cấp và được nhân dân tu bổ cách đây hơn chục năm, khá đồng bộ với tòa đại bái. Ngôi đình cũng được lợp lại mái, thay thế cửa trước, 4 cột đầu hồi bằng gạch… nên đến nay vẫn giữ được vẻ cổ kính, uy nghi vốn có.

Cùng với công trình chính, trong khuôn viên đình còn 2 dãy dải vũ phía bắc và phía nam, mỗi dãy 3 gian, kiến trúc đơn giản với các vì kèo bằng gỗ lim chắc chắn. Hiện nay, dãy phía bắc đã bị hạ giải, chỉ còn dãy phía nam.

Người dân địa phương cũng gìn giữ được 1 khám thờ cổ nơi đặt tượng Cao Sơn đại vương, 1 bản thần tích viết trên giấy dó vào năm Tự Đức 21 (1868), 9 đạo sắc phong quý giá của các đời vua cho Thành hoàng làng và một số ít cổ vật. Năm 2006, đình Phù Cựu được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ngôi đình từng là nơi họp của những người yêu nước, tiễn quân tham gia kháng chiến. “Ngôi đình cũng đã nhiều lần bị kẻ gian phá khóa lục tìm sắc phong nhưng chúng tôi đã đề phòng, cử người trông coi nên mới giữ được các sắc phong quý giá này”, ông Nguyễn Văn Thìn, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Một cho biết.

BÌNH AN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/di-tich/dinh-phu-cuu---noi-luu-giu-gia-tri-van-hoa-lich-su-dia-phuong-172981