Đình Thổ Hà - Nơi lưu giữ hồn cốt bờ Bắc sông Cầu
nh Thổ Hà (thuộc làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang) là một ngôi đình nổi tiếng của xứ Kinh Bắc, là bông hoa của nghệ thuật chạm khắc Việt Nam và được xếp hạng là di tích Kiến trúc, Nghệ thuật cấp Quốc gia.
Nằm hữu duyên bên dòng sông Cầu thơ mộng, trải qua hàng ngàn năm, làng Thổ Hà vẫn còn lưu giữ trong mình nét trầm mặc của những giá trị văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc - nét đẹp cổ kính của một làng quê thuần Việt với một quần thể kiến trúc, văn hóa, cảnh quan hết sức độc đáo. Điều đặc biệt không thể không kể đến đó là công trình kiến trúc cổ đình Thổ Hà được xây dựng từ thế kỷ XVI, XVII.
Đình làng Thổ Hà. Ảnh: Thủy Tiên
Đình Thổ Hà gắn liền với vị Thành hoàng làng là Thái Thượng Lão Quân. Theo Thần tích của làng, ông là người phương Bắc, sống vào thời An Dương Vương, họ Lý, tên Đam (còn gọi là Lão Đam, Lão Tử). Ông có công giết giặc Xích Tỵ quỷ, có công mở trường, dạy học ở làng. Ông được Vua phong là Thượng đẳng thần và Thành hoàng Thái thượng, cho phép làng Thổ Hà lập miếu phụng thờ. Do vậy dân làng đã tôn ông lên làm Thành hoàng, phù trợ cho cuộc sống của dân làng bình an, hạnh phúc.
Đình Thổ Hà là một trong số ít những ngôi đình có ghi niên đại rõ ràng trên thành phần kiến trúc. Theo các văn bia và trên một số cấu kiện của kiến trúc có ghi thì đình Thổ Hà được khởi dựng vào năm 1685. Đình được khởi dựng vào đời Lê Hy Tông trên khu đất rộng 3.000m2 có nhiều cây cổ thụ xung quanh.
Đình Thổ Hà năm 1930. Ảnh sưu tầm
Đình Thổ Hà hiện gồm ba nếp nhà là Tiền tế, Đại đình và Hậu cung. Tiền tế nằm song song với Đại đình, cách Đại đình một khoảng nhỏ. Đại đình nối với Hậu cung bằng một gian Ống muống tạo thành hình chữ Công.
Tiền tế làm theo kiểu bốn mái cong, lợp ngói mũi hài, bờ nóc và bờ dải gắn hộp hình hoa chanh. Tiền tế gồm 3 gian 2 chái. Bộ khung kết cấu bởi 4 hàng cột. Thân cột được làm nhỏ mảnh. Hai vì nóc gian giữa làm theo kiểu giá chiêng, hai vì nóc gian bên làm theo kiểu chồng rường. Vì nách gian giữa làm theo kiểu kẻ ngồi, dưới kẻ có bẩy đua ra đỡ mái hiên. Vì nách hai gian chái làm theo kiểu chồng rường.
Bộ khung cột kiên cố xung quanh gian chính của đình. Ảnh: Thủy Tiên
Đại Đình gồm 5 gian 2 chái, thành phần chịu lực chính là bộ khung gỗ gồm 48 chiếc cột, trong đó có 8 cột cái, 16 cột quân, 24 cột hiên. Liên kết ngang của 3 gian giữa là 4 bộ vì. Vì nóc làm theo kiểu giá chiêng. Vì nách làm theo kiểu cốn chồng rường. Dọc theo lòng nhà có ba hàng xà kép: xà thượng, xà trung và xà hạ. Giữa các hàng xà được bưng ván gió. Để mở rộng lòng công trình các nghệ nhân thời xưa đã đặt hai bộ vì lửng ở hai gian bên. Trên xà đùi nối các cột cái và cột quân gian bên ở hai hồi người ta đặt cột trốn rồi gác bộ vì lên trên cột trốn. Vì này làm theo kiểu chồng rường. Các con rường được xếp chống lên nhau qua các đấu và được chạm trổ.
Con rồng ở đình Thổ Hà được chạm ở nhiều bộ phận: đầu dư, bẩy, kẻ, cốn, ván nong, câu đầu với các đề tài rồng ổ, rồng mẹ cõng rồng con, rồng và thiếu nữ. Ảnh Thủy Tiên
Hậu cung gồm 3 gian kiến trúc khá đơn giản. Vì nóc làm theo kiểu giá chiêng, cấu tạo bộ vì giống với bộ vì của gian Tiền tế. Trên các cấu kiện của Hậu cung không có hình trang trí. Hậu cung làm theo kiểu “tường hồi bít đốc”, hai hồi đắp hình Hổ phù, bờ dải làm theo kiểu “long đình”. Đây là lối kiến trúc có niên đại muộn, phổ biến vào cuối thế kỷ XIX.
Tại đình Thổ Hà, ngoài những trang trí trên bộ phận kiến trúc còn có những tác phẩm điêu khắc khác, đó là bộ cửa võng ở gian giữa phía trước cung thờ. Bộ cửa võng làm vào năm Chính Hòa thứ 13 (1692) được sơn son thếp vàng, đục chạm rất công phu. Phần chính của cửa võng là 3 khám thờ.
Khám thờ tại đình cổ Thổ Hà. Ảnh: Thủy Tiên
Với nghệ thuật kiến trúc mang đậm phong cách kiến trúc thế kỷ XVI, sự quy mô, bề thế của công trình cũng thể hiện trình độ xây dựng đình công phu của những người thợ thời xưa đem lại giá trị kiến trúc vô cùng độc đáo. Đồng thời những trang trí điêu khắc ở đình Thổ Hà thực sự là những tác phẩm nghệ thuật. Những trang trí này mang hai phong cách khác biệt nhau được thể hiện trên các cấu kiện của đình làng. Với bố cục tuân thủ theo quy luật truyền thống – quy luật về tính đăng đối. Tuy nhiên các nét chạm khắc lại được thể hiện một cách khéo léo, đường nét đẹp, sinh động hơn hẳn giai đoạn trước. Cùng với bố cục kỹ thuật chạm khắc cũng góp phần không nhỏ vào thành công của nghệ thuật trang trí đình Thổ Hà. Đây thực sự được coi là đỉnh cao của nghệ thuật trang trí đình làng thế kỷ XVII.
Đình Thổ Hà vẫn giữ được nét cổ kính, trầm mặc vốn có. Ảnh: Thủy Tiên
Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, Nghệ nhân quan họ Nguyễn Hữu Hiệp chia sẻ: “Đây là nơi thờ cúng, sinh hoạt tâm linh của cả làng Thổ Hà từ nhiều đời nay. Trong tiềm thức của người dân, coi đây là nơi trang nghiêm, thí dụ như những mảnh ngói, khúc gỗ, hay bất cứ một thứ gì người dân cũng không bao giờ lấy về nhà dùng. Trong những ngày hội, đình là nơi tổ chức dân ca quan họ, tuồng cổ hay ca trù. Đây cũng là nơi con cháu của làng hay du khách thập phương lưu về mỗi độ Tết đến Xuân về."
Bền bỉ sánh bước cùng dòng chảy của lịch sử, trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, đình làng Thổ Hà vẫn sừng sững đứng đó như một chứng nhân lịch sử. Đình là nơi ấp ôm những lớp lớp thế hệ người dân làng Thổ Hà về đây tụ họp, là nơi gìn giữ những giá trị văn hóa tín ngưỡng cộng đồng của nhân dân địa phương, đình còn là nơi lưu giữ những di sản văn hóa quý giá như tấm bia cổ, các đao sắc của các triều đại trước phong tặng,… Ngôi đình cổ không những kết tinh những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn là nơi lưu giữ, tỏa sáng bề dày lịch sử, văn hóa, cách mạng của nhân dân làng Thổ Hà nơi đây, mà còn góp phần làm nên bản sắc văn hiến của quê hương nơi bờ Bắc sông Cầu.
Đình Thổ Hà còn lưu giữ được sắc phong của các triều đình thời trước ban tặng và các chứng nhận của quốc gia. Ảnh: Thủy Tiên
Giữa những bộn bề của cuộc sống hối hả, đình Thổ Hà vẫn âm thầm đứng đó, trầm mặc và cổ kính bên bờ Bắc sông Cầu, lặng lẽ ngắm nhìn những đổi thay của dòng chảy thời gian.
Phải chăng, đặt chân đến làng Thổ Hà, rồi bước chân vào ngôi đình cổ kính, lòng người như lưu luyến mãi không rời một tiếng gọi khó đặt tên… Như nghe vọng về một tiếng gọi thân thương như lời ru của mẹ, nghe thấm đượm vị ngọt ngào của bánh đa, mì sợi và chút say nồng của rượu Vân còn vương nơi đầu lưỡi, nghe vị ngọt giọng dân ca quan họ còn níu kéo bước chân. Nghe hồn cốt đất Việt ấp ôm từng nếp nhà, mái ngói, sân đình…
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dinh-tho-ha--noi-luu-giu-hon-cot-bo-bac-song-cau-post72365.html