Đình thờ nữ tướng giúp vua Lý đánh thắng giặc
Đình Phú Thọ tọa lạc ở vị trí trung tâm của khu dân cư (KDC) Phú Thọ, phường Thạch Khôi (TP Hải Dương).
Đình thờ Thành hoàng Phương Nương có công giúp vua Lý Nam Đế đánh thắng giặc Lương, được công nhận di tích cấp tỉnh năm 2005.
2 chị em cùng giúp vua Lý Nam Đế
Theo một số cụ cao niên trong làng, tương truyền, đình Phú Thọ trước đây quay về hướng đông, nơi có ao tù, nước đọng, nhiều người trong làng bị phù chân, mắt kém. Sau đó, đình chuyển về vị trí giữa làng, quay về phía tây thì người dân yên ổn, mạnh khỏe.
Căn cứ vào sắc phong, câu đối, đại tự, tài liệu Thần tích, Thần sắc, đình Phú Thọ thờ Phương Nương, người từng có công giúp vua Lý Nam Đế đánh giặc Lương vào thế kỷ VI. Lúc bấy giờ, trang Thạch Khôi có đôi vợ chồng thuộc gia đình danh giá họ Nguyễn sinh đôi 1trai, 1 gái. Người con gái cả tên Phương Nương, người con trai út là Hồng Công.
Phương Nương càng lớn càng xinh đẹp, dung nhan yểu điệu. Hồng Công sinh tài xuất tướng, đặc biệt có tài thao lược. Năm 2 chị em 16 tuổi, cuộc chiến chống giặc Lương của Lý Nam Đế đang diễn ra quyết liệt. Hai chị em Phương Nương đã tụ tập thanh niên trai tráng trong vùng, trang bị vũ khí và dẫn nghĩa quân tham gia chiến đấu góp phần đánh tan giặc Lương, phò Lý Nam Đế dựng cơ nghiệp nước Vạn Xuân. Do có công lao đối với đất nước, Phương Nương đã được các triều đại ban nhiều sắc phong.
Đình Phú Thọ được nhân dân địa phương khởi dựng vào năm Thành Thái thứ 12 (1900), có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Tòa đại bái có kiến trúc kiểu bằng đầu bít đốc. Các vì kèo, bức cốn được chạm khắc phù điêu tứ linh, tứ quý. Các bức chạm có đường nét tinh tế, nghệ thuật. Hệ thống đầu dư, con giường đều được chế tạo độc đáo, mang đậm kiến trúc thời Nguyễn. Tường xây gạch chỉ, mái lợp ngói vảy cá truyền thống, các đầu đao cao vút đậm nét kiến trúc đình làng Bắc Bộ.
Đình còn lưu giữ nhiều đồ thờ có từ thế kỷ XIX-XX như nhang án, long đình, bộ bát bửu sơn son thếp vàng... Đồ gốm, đồng có bát hương, lọ lục bình, lư hương. Ngoài ra, còn có 1 bia thần tích dựng vào năm 1880, 1 bia hậu thần dựng vào năm 1922. Trước kia, đình lưu giữ được 7 sắc phong, nhưng hiện chỉ còn 4 sắc phong.
Lễ hội đình Phú Thọ được tổ chức từ ngày 8-10.2 âm lịch để kỷ niệm ngày sinh của Thành hoàng Phương Nương. Ngoài nghi lễ truyền thống, lễ hội có các trò chơi dân gian như cờ tướng, chọi gà, bịt mắt bắt dê, đi cầu thùm..., buổi tối có hát chèo. Cụ Phạm Văn Bùn (83 tuổi) ở KDC Phú Thọ cho biết lễ hội ngày nay không tổ chức nhiều trò chơi dân gian như trước, thay vào đó là một số môn thể thao bóng đá, bóng chuyền, cầu lông...
Người dân muốn trùng tu, tôn tạo
Những năm 60 của thế kỷ trước, đình Phú Thọ bị phá dỡ 2gian ngoài cùng tòa đại bái làm nơi hoạt động của HTX. Năm 2005, nhân dân trong làng, con em xa quê đóng góp 290 triệu đồng và công sức để khôi phục lại 2 gian nhà này.
Theo ông Hồ Văn Vình, Bí thư Chi bộ, Trưởng KDC Phú Thọ, toàn bộ phần mái đình đã có hiện tượng xuống cấp, ngói xô lệch, cứ mưa là dột một số chỗ. Tháng 9 vừa qua, phát hiện có mưa dột trong gian hậu cung, nước mưa nhỏ vào bát hương nên KDC đã họp bàn và khắc phục tạm thời. Do lâu ngày, tường bao xung quanh di tích đã bị xuống cấp. Khuôn viên di tích hẹp nên không thuận lợi cho tổ chức lễ hội.
Nguyện vọng của nhân dân muốn xây 2 gian nhà nhỏ để làm nơi cất đồ đạc, xây mới tường bao ở phía sau đình để phục vụ kỳ lễ hội tới. Sau đó, khu sẽ họp bàn, trình cấp trên kế hoạch trùng tu xây mới tường bao, thay ngói và xây 2 gian nhà phía bên phải đình làm nơi soạn sửa lễ...
Theo UBND phường Thạch Khôi, thủ tục xin phép trùng tu có phần thiết kế mất nhiều kinh phí nên KDC trong phường muốn tôn tạo cũng gặp khó khăn. Cơ quan chức năng cần tạo điều kiện, giảm các thủ tục hành chính... để địa phương tôn tạo di tích, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/di-tich/dinh-tho-nu-tuong-giup-vua-ly-danh-thang-giac-149615