Đinh Tiến Hải, gió lùa đầy vai...

Đọc 'Chiều trên sông vắng', tôi cứ ngờ ngợ Đinh Tiến Hải 'tự nén' mình trong 10/13 bài lục bát, ngay đầu tập nhằm tạo ra sự 'bung phá' với những bài thơ tự do. Đinh Tiến Hải hoàn toàn được 'giải phóng' khỏi cấu trúc niêm luật, lộ rõ 'cách chơi' ngôn ngữ của 'lãng tử' sông Thương.

Đinh Tiến Hải, gã lãng tử sông Thương, từ lâu độc giả không lạ trên thi đàn. Anh vừa tặng tôi tập thơ “Chiều trên sông vắng”, NXB Hội Nhà văn, quý 3/2020. Đây là tập thơ in riêng đầu tiên của Đinh Tiến Hải. Trước đó, Hải đã có thơ và tản văn in chung trong 2 tập khác. Thơ Đinh Tiến Hải, in đều trên các báo, tạp chí về văn học nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương.

Chiều trên sông vắng” gồm 58 bài, được in, thiết kế sang trọng, phụ bản minh họa ấn tượng. Điều đó có nghĩa Đinh Tiến Hải cẩn trọng với sáng tạo, yêu con chữ của mình, gián tiếp trân trọng bạn đọc thơ anh. Nhà văn, đại tá Sương Nguyệt Minh nhận xét, “Đinh Tiến Hải yêu, buồn, cô đơn và sáng tạo” thay cho Tựa. Tập thơ còn thêm phụ lục là bài viết của tác giả Trần Tiến Đạt.

Chiều trên sông vắng” có đến 13 bài lục bát. Lục bát ư? Rất dễ làm bởi “vần vè” 6/8; nhưng hay quá khó. Trên nền “trắc bằng” của 6/8 phải rất sáng tạo. Nếu không “lục bát” rất dễ “chôn vùi” sự nghiệp ngay cả với những nhà thơ đã thành danh, chưa nói đến Đinh Tiến Hải mới bước chân đến “thềm” của “ngôi đền” thiêng thi ca. Rất dễ sa vào lối mòn, rất khó phân biệt đâu là vè lục bát và thơ lục bát.

Trong 13 bài lục bát, Đinh Tiến Hải - về hình thức cũng ngắt câu/xuống dòng không theo trật tự câu “lục” đủ 6 từ, câu “bát” đủ 8 từ. Điều này nhiều người đã làm, không có gì mới. Tuy nhiên, đọc hết lục bát Đinh Tiến Hải, thấy anh tự tin. Đinh Tiến Hải cô đơn, đổ vỡ...đầy vẻ đẹp, cùng lục bát.

Tôi ngồi

với một bóng tôi

Vai gầy với mảnh trăng côi vực sầu

(Vết đêm)

Một ta

ngồi uống cô liêu

Gió ngân ngấn thổi trăng xiêu xiêu buồn

(Một ta)

Hai câu thơ này cho thấy, anh tự tin có cơ sở. Đinh Tiến Hải sáng tạo về thi ảnh. Hãy xem hai câu kế tiếp: “Một ta/ kẻ đứng bên đường/ câu thơ rụng xuống phố phường nằm nghiêng”, (Một ta). “Rụng” là động từ. Trời cho Hải động từ “rụng”. “Câu thơ rụng” gây thảng thốt, cũng như hai câu trên “gió” trong lục bát Đinh Tiến Hải có thân phận, mắt gió cũng ngân ngấn lệ trước một thì nhân đang ngồi uống “cô liêu”. Khi nỗi buồn đến lõi thì “câu thơ rụng xuống” là quy luật. Người làm thơ chỉ sáng tạo được khi nỗi buồn và sự cô đơn đến chín. Khi đọc đến hai câu thơ này của Đinh Tiến Hải, tôi có lấn cấn về hai câu thơ được coi là “thần” của nhà thơ nổi danh Trần Đăng Khoa: “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”, (Đêm Côn Sơn). Đinh Tiến Hải còn phải “đứng xa” so với Trần Đăng Khoa, điều tôi “lấn cấn” là ở chỗ anh có “lặp” so với nhà thơ lớn, đàn anh không? Tôi tự tin để khẳng định “rụng” và “phố nằm nghiêng” của Đinh Tiến Hải khác “rơi nghiêng” của chiếc lá trong thơ Trần Đăng Khoa. “Rơi” theo quy luật, “rụng” đột ngột, ẩn ức và “phố phường nằm nghiêng” của Đinh Tiến Hải, dưới một góc quan sát sát khác. Trong hai câu thơ trên, Đinh Tiến Hải cũng sử dụng rất thành công biện pháp tu từ ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.

Trong lục bát Đinh Tiến Hải, dễ bắt gặp hình ảnh thôn quê như con sông, bờ đê... thi ảnh ẩn dụ quen thuộc nắng, gió, trăng... Nói như Nguyễn Du “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”, (Truyện Kiều); Đinh Tiến Hải cô đơn, buồn thảm, đổ vỡ... nên những thi ảnh trở nên mới, lạ hơn trong sự sáng tạo của riêng anh:

Trả em ngày tháng giận hờn

tôi về quỳ dưới hoàng hôn thánh đường

(Từ em)

Hoàng hôn thánh đường” ở đây đâu phải chỉ buổi chiều mặt trời sắp lặn bên cây thánh giá và cả thánh đường đổ thành một vệt dài nhưng mọi thứ bóng khác. Thường người theo Thiên chúa mới hiểu buổi chiều con chiên thường đến nhà thờ xưng tội về việc mình đã làm trong ngày. “Thánh đường” trong thơ Đinh Tiến Hải chính là người con gái đã làm anh yêu, say đắm... Đinh Tiến Hải sám hối... vì chính anh.

*

* *

Đọc “Chiều trên sông vắng”, tôi cứ ngờ ngợ Đinh Tiến Hải “tự nén” mình trong 10/13 bài lục bát, ngay đầu tập nhằm tạo ra sự “bung phá” với những bài thơ tự do. Đinh Tiến Hải hoàn toàn được “giải phóng” khỏi cấu trúc niêm luật, lộ rõ “cách chơi” ngôn ngữ của “lãng tử” sông Thương. Trong 48 bài theo thể thơ tự do, tôi đặc biệt thích “Thành Xương Giang”, trang 36. “Trong thành Xương Giang/ Tôi gặp/ Nhà thơ Mỹ/ Nhà thơ Nga/ Nhà thơ Ấn Độ.../ Họ chắp tay trước ngôi đền cổ”, (Thành Xương Giang).
Bài thơ của Đinh Tiến Hải đưa người đọc đến với vùng “trầm tích” của lịch sử và văn hóa. Đó là một địa chỉ du lịch thuộc xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Năm 1407, quân Minh khi vào xâm lược nước ta xây dựng nên Thành cổ Xương Giang. Thành được xây bằng đất, các dấu tích còn lại cho biết thành hình chữ nhật, chiều dài theo hướng Đông - Tây đo được 600m, chiều rộng theo hướng Bắc - Nam 450m, diện tích 27ha, tường đắp đất cao dầy, bốn góc có pháo đài, hào rộng bao quanh, mở 4 cửa, cửa chính trông về phía Tây.

Theo chính sử, chiến thắng Xương Giang của quân và dân Đại Việt do Lê Lợi lãnh đạo, đập tan 10 vạn quân xâm lược Minh trong gần một tháng tại địa bàn Lạng Sơn và Bắc Giang ngày nay. Chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn – Lê Lợi do tướng Trần Nguyên Hãn chỉ huy, chiếm thành Xương Giang và phá tan đạo quân của Liễu Thăng, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử, lật đổ ách thống trị bạo tàn của nhà Minh kéo dài 20 năm và là chiến thắng quyết định cho nền độc lập của dân tộc ta ở thế kỷ thứ XV. Sử gia Lê Quý Đôn đánh giá: “Từ triều Trần bắt được Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi cho đến lúc ấy, nước Nam thắng giặc phương Bắc chưa có trận nào lớn như vậy”, (Đại Việt thông sử).

Tuy nhiên, thơ không phải là một thể loại văn học có nhiệm vụ “làm sử”.

...

Trong thành Xương Giang tôi gặp

Những vần thơ được chắt từ máu và nước mắt

Của sự sống và cái chết

Của chiến tranh và hòa bình

Của khát vọng và tự do

Bằng ý chí

Bằng ngôn từ

Bằng lòng tự tôn dân tộc

Cùng bay trên đôi cánh thi ca

...

Đây là bài thơ có tư tưởng. Đinh Tiến Hải đã đưa ra thông điệp về hòa hiếu, hợp tác, tôn trọng độc lập chủ quyền của mỗi quốc gia trong một thế giới đầy biến động và bất trắc. Thi ca, đúng thế, tham gia vào cứu rỗi nhân loại, bước qua những hiềm khích, những lợi ích đa chiều, nắm tay nhau hướng về chiều cái đẹp. “Trong thành Xương Giang tôi gặp/ Những nụ cười lẫn trong những màu da”, với hai câu kết này, Đinh Tiến Hải đã hoàn thành “tâm nguyện” anh gửi gắm trong một thi phẩm.

Về mặt thi pháp, những nhà phê bình văn học có thể tiếc đôi chút, nếu Đinh Tiến Hải tối giản hơn ngôn ngữ, nén chặt lại câu thơ? Chắc chắn, ngộ giác về thông điệp sẽ sâu sắc hơn. Tuy nhiên, đó cũng là cách Đinh Tiến Hải trải lòng. Tôi cho rằng “Thành Xương Giang”, khác biệt với 58 bài thơ trong tập “Chiều trên sông vắng” ở tính tư tưởng. Bài thơ “lớn” hơn tác giả, ở độ tuổi mới ngoài bốn mươi.

*

* *

Đinh Tiến Hải không chỉ đa tình trong thơ, anh còn là một người hiếu nghĩa. Trong “Chiều trên sông vắng” nhà thơ có khá nhiều bài viết về mẹ, như “Mẹ tôi”, “Cánh đồng của mẹ tôi”, “Một ngày của mẹ”, “Ngóng mẹ”...Cũng như lục bát, dễ viết, khó hay; viết về mẹ dễ viết, khó hay. Trên đời, tình cảm mẫu tử là thiêng liêng nhất. Vì thế, có lẽ không có nhà thơ nào không viết về mẹ. Cảm xúc, ký ức về mẹ, dễ chảy tràn trên trang thơ. Nhưng hay, thì rất ít thi nhân. Trong các bài thơ về mẹ, lấy cảm hứng từ mẹ, tôi thích “Cánh đồng của mẹ tôi” của Đinh Tiến Hải.

Mẹ gom cánh đồng đi bán

Vàng phai những cánh hoa đào

Mẹ gom cả chiều giông bão

Mặn mòi cả giấc chiêm bao

(Cánh đồng của mẹ tôi)

Bài thơ chỉ có hai khổ, tứ thơ chặt chẽ, là khổ thơ thành công, sáng tạo, có thời gian và không gian, nén chặt sự vật và suy tưởng. Có lẽ nên nhường để bạn đọc ngộ về bốn câu thơ này của anh, bình thêm sẽ thừa.

Người làm thơ nói chung, nhà thơ nói riêng là “tri kỷ của cô đơn”. Nhà văn Sương Nguyệt Minh khi đọc “Chiều trên sông vắng” đã gặp Đinh Tiến Hải của cô đơn.

Cô đơn nên Đinh Tiến Hải tìm đến đêm. Đêm được nhà lý luận phê bình văn học Hoàng Thụy Anh minh định: “...là không gian tâm trạng, là nơi chốn người nghệ sĩ đối diện với bóng với vách để bộc bạch hay chất vấn chính mình”, (Hoàng Thụy Anh: Ballad đêm vào mùa dâng hiến). Đinh Tiến Hải có nhiều bài thơ về đêm, ví dụ: “Giấc mơ đêm”, “Độc thoại đêm”, “Soi bóng vào đêm”...và đêm trong nhiều bài thơ khác. Đinh Tiến Hải mượn đêm để tỏ lòng mình về những khát khao cùng em. “Đêm qua anh mơ/ Băng mình ngang qua ngực đá/ Tìm dấu chân em ven cồn cát sông Hồng”, thế nhưng “Chỉ còn gió/ Vương câu thơ sót lại/ Lở bồi ngầu đỏ mặt sông”, (Giấc mơ đêm).

Đã có người nói “đẹp như nỗi buồn”, đọc “Chiều trên sông vắng” của Đinh Tiến Hải tôi thấy “buồn” trong trái tim thi sỹ thiêng liêng như một “tôn giáo”. Buồn với anh không chỉ là trạng thái tình cảm, hơn thế là nơi nén lại, cất giữ ký ức “Thỉnh không vẳng tiếng mõ chùa/ Chiều trên sông vắng gió lùa gầy vai”, (Chiều trên sông vắng). Những câu thơ xa xót có chiều kích như trầm tích về nỗi buồn, cô đơn, thiếu vắng.

Đinh Tiến Hải trẻ trung, lãng tử, mê đắm. Vốn là dân Hà Nội nhưng anh lập nghiệp ở Bắc Giang. Anh sinh năm 1975, mệnh Thủy (Đại Khe thủy, nghĩa là khe nước lớn). Phải chăng vì thế, mà thơ Đinh Tiến Hải diệu vợi hai bờ sông Thương và tập thơ in riêng đầu tay có tên “Chiều trên sông vắng”?

Tháng 5/2021

NĐH

Nhà thơ Ngô Đức Hành

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/dinh-tien-hai-gio-lua-day-vai-a2763.html