Dính vào tín dụng đen, người nghèo phải gán đất đai, nhà tình thương
Với thủ đoạn đáp ứng cho vay tiền nhanh chóng, đơn giản, người dân ở một số buôn làng tại tỉnh Gia Lai đã sập bẫy tín dụng đen, trở thành con mồi.
H.Chư Pưh, tỉnh Gia Lai có đông người đồng bào dân tộc thiểu số với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở mức cao. Người dân ở các buôn làng thường có thói quen vào đầu vụ sản xuất đi vay tiền để đầu tư sản xuất, nhưng hình thức vay đã biến tướng trở thành chiếc thòng lọng đưa họ vào bi kịch.
Thời gian gần đây, người dân trong thôn Kênh Mét (xã Ia Le, H.Chư Pưh) vẫn chưa hết bàn tán chuyện bà Siu Biêp phải gán cả căn nhà tình thương (nhà xây theo diện Quyết định 167 của Chính phủ) cùng toàn bộ đất ở cho chủ nợ chỉ vì vay 15 triệu đồng.
Bà Siu Biêp kể lại: Cách đây khoảng 6 năm, 2 vợ chồng có đi vay của 1 cá nhân ở xã Ia Le 15 triệu đồng. Khi vay, 2 vợ chồng nhận tiền chứ không biết lãi suất bao nhiêu. Năm 2021, bà phải lấy căn nhà do Nhà nước xây cho và toàn bộ đất ở để gán cho chủ nợ. Sau đó, chủ nợ bắt 2 vợ chồng phải ra khỏi nhà để bán nhà lại cho người khác.
Chị L. chủ mới của căn nhà tình thương cho biết, chị mua lại căn nhà này của bà Th. ở xã Ia Le với giá 90 triệu đồng. Khi đang cải tạo lại nhà, thì được cán bộ xã Ia Le thông báo, căn nhà này được Nhà nước xây dựng cho đối tượng là hộ người đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn nên không được mua bán. Khi đó gia đình chị L. mới biết mình mua phải nhà bà Siu Biêp. Hiện gia đình cũng chưa biết xử lý ra sao với căn nhà này.
Tương tự ông Rmah Lan (thôn Kênh Mét, xã Ia Le) cho biết, năm 2013, trong thôn bị mất mùa, không có tiền đầu tư trồng tiêu nên vợ chồng ông Lan phải đi vay của 1 người trong xã Ia Le tổng số tiền 50 triệu đồng, mỗi tháng trả lãi suất 1,5 triệu đồng. Mỗi năm, gia đình đều mang từ 10-18 triệu đồng để trả lãi. Đến khi vườn tiêu gia đình bị chết sạch nên không còn khả năng trả. Tiền gốc thì chưa biết khi nào mới có để trả, còn lãi mẹ thì cứ đẻ lãi con.
“Đến năm 2020, do không có tiền trả cả gốc và lãi nên mình phải đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho chủ nợ. Đến ngày 1-6-2022, chủ nợ yêu cầu mình lên văn phòng công chứng để sang tên mảnh đất vườn diện tích 1.500m2 và 7.000m2 đất rẫy”, ông Lan trình bày.
Cũng vướng vào bẫy tín dụng đen, chi Siu Iêc (thôn Kênh Mét) vay 30 triệu đồng vào năm 2016. Tuy nhiên đến năm 2019, gia đình chị Iêc phải gán 3 con bò cho chủ nợ. Ngoài ra, chủ nợ còn yêu cầu trả thêm 100 triệu đồng. Sợ bị chủ nợ lấy thêm tài sản, năm 2022, gia đình đã phải bán đất để lấy 100 triệu đồng trả cho hết nợ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các đối tượng ngoài việc cho người đồng bào dân tộc thiểu số xã Ia Le vay tiền, còn cho vay lúa, phân bón,… Đối tượng thường nhắm vào những người đồng bào dân tộc thiểu số có tài sản là đất đai, nương rẫy và chỉ cho vay không quá 50 triệu đồng. Ban đầu, người dân đến vay không phải thế chấp gì. Sau khi mà lãi mẹ đẻ lại con, người dân không có trả, bắt buộc phải thế chấp đất đai, nhà cửa, sổ đỏ…
Theo ông Lê Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Ia Le, H.Chư Pưh, trước đây, Thôn trưởng Kênh Mét cũng có báo cáo về việc người đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn vay tiền của các cá nhân rồi thế chấp đất đai, sổ đỏ. Xã cũng cho công an xác minh, nhưng phía người dân không có lưu giữ bất kỳ giấy tờ vào về hoạt động vay. Cách đây ít ngày, người dân có gửi đơn về việc bị dính vào cho vay nặng lãi.
Hiện Công an xã đã báo cáo Công an huyện Chư Pưh để xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định. Còn việc người đồng bào dân tộc thiểu số phải gán đất, gán nhà tình thương, gán sổ đỏ cho chủ nợ, xã mới nghe thông tin và đang cho xác minh.
Ông Siu Y Bé, Phó Chủ tịch UBND H.Chư Pưh cho biết, theo như đơn của người dân gửi đến cơ qua chức năng, thì đây là trường hợp cho nhiều người vay, khi không có trả bắt người dân thế chấp bìa đỏ, trả bằng nhà và đất. Việc cho vay này gây mất an ninh trật tự ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên huyện đang giao cho công an xác minh. Nếu có yếu tố cho vay nặng lãi trong vụ việc sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.