Định vị đúng ngành hàng không trong thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế

Theo đại diện nhà quản lý và các chuyên gia, ngành hàng không có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao vị thế của đất nước. Do đó, hỗ trợ ngành hàng không vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 rất cần thiết, nếu không chúng ta sẽ mất cơ hội phát triển!

PGS.TS. ĐOÀN MINH HUẤN, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản:
Thống nhất nhận thức về vai trò ngành hàng không

Trong bối cảnh mới, ngành hàng không đối diện nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội, đặc biệt khi Việt Nam đi đầu trong mở cửa sau đại dịch. Điều quan trọng là chúng ta có tận dụng được cơ hội này không.

Để khôi phục ngành hàng không, trước hết, cần thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò của ngành này trong phát triển kinh tế cả ngắn hạn và dài hạn. Việc thống nhất nhận thức phải ở tất cả các tầm: vị thế; sức cạnh tranh quốc gia; tạo ra khả năng, điều kiện phát triển các ngành khác.

Ngành hàng không muốn phát triển phải hình thành hệ sinh thái và cộng sinh, bổ trợ cho nhau; phải kết nối với các ngành đi kèm, trong đó tư cách của ngành hàng không là trụ cột của lĩnh vực logistics, vận tải hàng hóa, phát triển du lịch, tạo việc làm… Đặc biệt, phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho ngành hàng không, trong đó, chú trọng tạo sự công bằng trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực cho các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải LÊ ANH TUẤN:
Cần sự đồng hành và nỗ lực

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không nước ta. Đến nay, công tác phòng, chống dịch rất khả quan. Với việc đã thích ứng linh hoạt, an toàn với Covid-19, kinh tế nước ta đang phục hồi mạnh mẽ và có những triển vọng rất tốt. Đối với ngành hàng không, đây là một tín hiệu đáng mừng.

Việc khôi phục và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng không hết sức cần thiết trong thời điểm hiện tại. Quá trình này cần có sự đồng hành của các cơ quan quản lý Nhà nước và nỗ lực của chính doanh nghiệp trong ngành.

TS. TRẦN ĐÌNH THIÊN, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:
Doanh nghiệp hàng không là tài sản quốc gia

Việc hỗ trợ ngành hàng không cần bảo đảm cho các doanh nghiệp trong ngành bước đi nhanh chứ không phải đứng lên trong tư thế lom khom.

Việt Nam đã mở cửa cả về du lịch lẫn đầu tư, thương mại nhưng chính sách hộ chiếu vẫn rụt rè quá mức cần thiết. Trước dịch, chúng ta miễn thị thực nhập cảnh (visa) với hơn 20 nước nhưng hiện chỉ còn 13 nước. Tại sao không phải là 100, 120 nước, hay ít nhất cũng phải là 50 nước? Đây chính là cơ hội để cải cách thể chế, mở cửa mạnh về mặt thủ tục, quy trình, để chứng minh cho bạn bè quốc tế biết là Việt Nam rất an toàn.

Doanh nghiệp hàng không đang cạn kiệt vốn liếng, trong khi đây phải được coi là tài sản hội nhập của quốc gia, phải được bảo vệ, phải dùng sức mạnh của cả dân tộc để hỗ trợ. Điều này đồng nghĩa, phải khẩn trương làm luật, quy định về thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho chặt chẽ bởi đây là kênh huy động vốn cực tốt cho doanh nghiệp. Thế giới đã hỗ trợ ngành hàng không rất mạnh. Nếu chúng ta không làm sẽ mất cơ hội!

GS. NAWAL TANEJA, chiến lược gia hàng không hàng đầu thế giới:
Phát triển nhân lực, nâng cấp cơ sở hạ tầng

Trên thế giới, nhu cầu đi lại đang tăng nhanh chóng nhờ 3 yếu tố thuận lợi: các quốc gia, vùng lãnh thổ mở cửa biên giới; ngành hàng không tăng cường cải cách trên nhiều mặt; Chính phủ các nước triển khai hỗ trợ tài chính.

Trong dài hạn, tại châu Á - Thái Bình Dương, nhu cầu đi lại sẽ tăng hơn nữa do nền kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại, đặt ra nhu cầu về cơ sở hạ tầng kết nối kinh doanh và du lịch. Hơn nữa, giá vé máy bay được duy trì ổn định bởi thị trường hàng không giá rẻ tiếp tục mở rộng, các hãng bay vận hành hiệu quả hơn thông qua công nghệ quản trị cung - cầu sát với thời gian thực.

Để thúc đẩy khôi phục hàng không, Chính phủ Việt Nam có thể xem xét, tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực (như giáo dục cấp cơ sở, cao đẳng và đại học); nâng cấp cơ sở hạ tầng để gia tăng năng suất và thứ bậc trong chuỗi cung ứng giá trị của Việt Nam (nhờ chuyển dịch lên các sản phẩm điện tử, công nghệ hiện đại hơn); phát triển các hãng hàng không quốc gia, hướng tới mở rộng mạng đường bay, tần suất bay, thúc đẩy giao thương với các đối tác chiến lược trên thế giới như Hoa Kỳ.

Hạnh Nhung - Quang Khánh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/dinh-vi-dung-nganh-hang-khong-trong-thuc-day-phuc-hoi-va-phat-trien-kinh-te-i289982/