Định vị giá trị giữa vòng xoáy biến động: Bài 1 – Từ lệnh cấm tạo 'cú sốc' lớn trên toàn cầu!

Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới tuyên bố sẽ tạm ngừng xuất khẩu gạo đã làm dấy lên sự lo lắng trên thị trường, thậm chí gây tâm lý tích trữ gạo ở một số nơi và đẩy giá gạo tăng vọt.

Công nhân làm việc tại nhà máy gạo ở Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Công nhân làm việc tại nhà máy gạo ở Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

“Cú sốc” về nguy cơ mất an ninh lương thực - do tác động của biến đổi khí hậu, xung đột, cấm vận - giờ đây được đẩy lên một nấc thang mới.

Là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, Việt Nam đang đứng trước bài toán làm sao vừa có thể tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, vừa đảm bảo lợi ích và an ninh lương thực quốc gia, đồng thời khẳng định vị thế và vai trò đảm bảo an ninh lương thực thế giới.

Nhằm cung cấp thêm góc nhìn về các vấn đề trên Nhóm phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài bình luận “Định vị giá trị giữa vòng xoáy biến động"!

Bài 1 - Từ lệnh cấm tạo "cú sốc" lớn trên toàn cầu!

Sau khi Ấn Độ bất ngờ quyết định tạm ngừng xuất khẩu gạo từ ngày 20/7, không chỉ các nước nhập khẩu gạo, mà cả các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới cũng đứng trước những cơ hội và thách thức mang đặc thù riêng. An ninh lương thực ngày càng trở nên “mong manh”, thị trường gạo đang đứng trước nhiều nguy cơ bất ổn...

Người dân mua gạo tại khu chợ ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân mua gạo tại khu chợ ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Lệnh cấm có hiệu lực ngay tức thì của Ấn Độ đã tạo “cú sốc” lớn trên toàn cầu. Giới chuyên gia lo ngại giá gạo sẽ tăng mạnh thời gian tới (có dự báo giá gạo sẽ tăng 100 USD/tấn trong 3-6 tháng tới), và quan ngại hơn là nguy cơ xảy ra khủng hoảng và tắc nghẽn nguồn cung gạo.

Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới; ước tính khoảng 80% lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi quyết định trên. Niên vụ 2022-2023, gạo Ấn Độ chiếm tới hơn 40% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới, nhiều hơn tổng lượng gạo xuất khẩu của bốn nhà xuất khẩu hàng đầu khác là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ cộng lại.

Việc Ấn Độ đột ngột cắt nguồn cung cũng sẽ tác động trực tiếp đến các nước tiêu thụ nhiều loại gạo tẻ của Ấn Độ, chủ yếu là những nước nghèo ở châu Á như Bangladesh và Nepal và các nước châu Phi ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara.

Cùng với đó, nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện lên rõ nét hơn, khi số người đói tăng nhanh hơn mức mà các tổ chức nhân đạo có thể hỗ trợ trong bối cảnh giá gạo tăng cao... Tất cả những yếu tố này “cộng lại” khiến thế giới đối diện nguy cơ mới về một cuộc khủng hoảng lương thực quy mô lớn.

Giá gạo toàn cầu hiện dao động quanh mức cao nhất trong hơn 11 năm và giá ngũ cốc được dự báo có thể tăng 10-15% trong năm nay. Lạm phát giá lương thực vì thế sẽ ngày càng trầm trọng.

Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu có cơ hội nào trong khủng hoảng? Rõ ràng động thái cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và một số nước đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho thị trường. Tuy nhiên, không phải là không có cơ hội trong khủng hoảng.

Trước mắt, các nước xuất khẩu gạo lớn có thể đẩy mạnh xuất khẩu (với điều kiện họ có lượng gạo lưu kho đủ để đáp ứng) khi giá tăng cao và trong bối cảnh các nước tiêu thụ gạo tìm kiếm nguồn cung thay thế để tăng lượng lưu kho. Tuy nhiên, không ít các nhà xuất khẩu gạo tỏ ra thận trọng.

Một mặt họ đang đàm phán lại mức giá các hợp đồng gạo đã ký mà chưa giao hàng. Mặt khác, các nhà xuất khẩu cũng thận trọng khi ký kết các hợp đồng mới, do lo ngại giá có thể bị đẩy lên cao hơn.

Ở vế ngược lại, những thuận lợi về xuất khẩu gạo cũng có thể trở thành thách thức. Tăng cường xuất khẩu cũng có nguy cơ làm giảm nguồn cung gạo trong nước. Trong khi đó, thời tiết không thuận lợi đang chi phối không nhỏ sản lượng gạo toàn cầu.

Đáng chú ý là 90% gạo được sản xuất ở châu Á, khu vực chịu tác động của El Nino, dẫn đến lượng mưa thấp hơn bình thường. Không loại trừ khả năng một nước cũng có thể chuyển sang trạng thái tạm ngừng xuất khẩu gạo.

Một kịch bản khác mà các nước xuất khẩu gạo cần lưu ý là khủng hoảng về giá cả và nguồn cung ứng có thể không kéo dài. Giống như trước đây, lệnh cấm của Ấn Độ có thể chỉ mang tính tạm thời. Hơn nữa, Ấn Độ vẫn còn lượng dự trữ khá lớn.

Thêm vào đó, nguồn cung sẽ có sự cải thiện khi căng thẳng địa-chính trị hạ nhiệt và các nước xuất khẩu gạo bước vào vụ thu hoạch mới. Vấn đề hiện nay cũng có thể được giải quyết phần nào trong thời gian tới. Do vậy, nếu tăng sản lượng quá mức có thể gây sức ép lên chính giá gạo sau này.

Hiện khó có câu trả lời chính xác cho việc liệu tình huống hiện nay bao giờ sẽ được khắc phục. Kiểm soát giá gạo đang là ưu tiên của Chính phủ Ấn Độ, trước khi diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng, trong đó có các cuộc bỏ phiếu tại các bang trong năm nay và bầu cử quốc gia trong chưa đầy 12 tháng tới. Lệnh cấm xuất khẩu gạo, với mục tiêu ổn định giá cả, dự kiến được duy trì tới sau tháng 11 hay 12, thời điểm Ấn Độ thu hoạch vụ lúa chính trong năm.

Bên cạnh đó, gạo cũng không nằm ngoài quy luật cung-cầu thị trường. Đó là nguồn cung hạn chế đẩy giá cả tăng. Khi đó, các nhà sản xuất sẽ đẩy mạnh canh tác, sản xuất để tranh thủ lợi thế về giá. Tuy nhiên, đến một thời điểm nhu cầu gạo bão hòa, giá gạo có thể sẽ đi xuống.

Tập đoàn Lộc Trời – Doanh nghiệp dẫn đầu xuất khẩu gạo sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Tập đoàn Lộc Trời – Doanh nghiệp dẫn đầu xuất khẩu gạo sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Tuy Thái Lan và Việt Nam hiện không đứng trước nguy cơ thiếu gạo, nhưng nếu không có các giải pháp đồng bộ về sản xuất, xuất khẩu và lưu kho giữa chính phủ và doanh nghiệp, thì không loại trừ khả năng các nước xuất khẩu gạo cũng có thể có rơi vào tình huống như Ấn Độ.

Làm sao để hóa giải thách thức? Trước bối cảnh bất ổn trên thị trường gạo đang đặt ra yêu cầu đối với các chính phủ nhằm đối phó với an ninh lương thực. Các chính phủ cần tạo lập một hệ thống quản lý dự trữ lương thực quốc gia để đảm bảo nguồn cung trong nước trước những biến động giá trên thị trường thế giới.

Song song với đó thiết lập hệ thống giám sát giá trong nước để ngăn chặn biến động giá bất ngờ có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực, tương tự như cách Bộ Thương mại Thái Lan thành lập “phòng tác chiến” để theo dõi tác động của El Nino đối với giá gạo và các loại cây trồng.

Đảm bảo an ninh lương thực, song song với việc đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo, mở rộng thị trường và củng cố thương hiệu gạo đang và sẽ là những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam./.

Tác giả bài viết:

Nhà báo Như Mai, Ban Biên tập tin Kinh tế, Thông tấn xã Việt Nam

Nhà báo Như Mai, Ban Biên tập tin Kinh tế, Thông tấn xã Việt Nam

Như Mai/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dinh-vi-gia-tri-giua-vong-xoay-bien-dong-bai-1-tu-lenh-cam-tao-cu-soc-lon-tren-toan-cau/303528.html