Định vị sức khỏe nền kinh tế để xoay trục chính sách thích hợp
Ngày 8/11, bên lề Kỳ họp thứ 2, các đại biểu Quốc hội đã có những chia sẻ quan điểm của mình về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19.
Đưa Nghị quyết số 30 vào thực tiễn cuộc sống một cách hiệu quả
Mặc dù tình hình kinh tế đất nước từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế thấp, song đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng nguồn lực và động lực cho phát triển không yếu đi, mà điều quan trọng hiện nay đó là công tác điều hành. “Nếu làm tốt công tác phòng, chống dịch và linh hoạt trong điều hành kinh tế vĩ mô, chúng ta có thể sẽ đạt được các chỉ tiêu đã đề ra. Chúng ta có cơ sở hy vọng điều đó”, đại biểu nhấn mạnh.
Về điều hành kinh tế-xã hội, đại biểu Trịnh Xuân An chia sẻ sự quan tâm đến hệ thống doanh nghiệp trong thời gian còn lại của năm 2021. Nhấn mạnh, doanh nghiệp là linh hồn của nền kinh tế, đại biểu đề nghị những tháng cuối năm, đặc biệt cho 2022, Chính phủ cần có những hỗ trợ tối đa, tích cực cho hệ thống doanh nghiệp, đồng thời đề nghị trong bối cảnh khó khăn của xã hội, Chính phủ cũng cần phải có những gói kích cầu, kích thích kinh tế để cho các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động bình thường trong điều kiện tình hình mới.
Đại biểu đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 với vị trí là trụ cột của công tác phòng, chống dịch cũng như trong phát triển kinh tế- xã hội, đồng thời chủ động dự liệu trước một làn sóng mới, một đợt dịch mới sẽ tác động đến nền kinh tế- xã hội của đất nước ta trong thời gian những tháng còn lại của năm 2021 cũng như năm 2022.
Đại biểu nhấn mạnh, chúng ta phải kết hợp nhiều vấn đề mới có thể hy vọng nền kinh tế của đất nước sẽ có sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo, đồng thời phải kết hợp, cả các nguồn lực của Nhà nước và của người dân, doanh nghiệp để vừa phát triển kinh tế- xã hội, vừa bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả.
Khẳng định Nghị quyết số 30/2021/QH15 là một nghị quyết chưa có tiền lệ và có tính mẫu mực trong việc thể hiện vai trò chủ động, sáng tạo của Quốc hội, của cả hệ thống chính trị, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh, đến thời điểm này, Nghị quyết vẫn đang chứng tỏ là một quyết sách rất hiệu quả, sáng suốt và trách nhiệm của Quốc hội trong việc đồng hành cùng với Chính phủ, cả thống chính trị thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.
Cùng với Nghị quyết số 30, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết rất quan trọng. Theo đại biểu, trong giai đoạn tiếp theo, nhiệm vụ của Chính phủ, các cơ quan chức năng phải đưa những nội dung của Nghị quyết số 30 vào thực tiễn cuộc sống, đặc biệt là những nội dung hỗ trợ cho người dân, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đại biểu mong muốn những nội dung Nghị quyết phải thực sự hiệu quả, tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp.
Có hai vấn đề đại biểu rất quan tâm, đó là những gói hỗ trợ, những nội dung hỗ trợ trực tiếp cho hệ thống doanh nghiệp cần phải đến đúng với doanh nghiệp. Như đề cập phía trên, hệ thống nghiệp là linh hồn của nền kinh tế nhưng theo đại biểu thực tế thời gian qua, việc tiếp cận của doanh nghiệp đối với những chính sách hỗ trợ từ nhà nước còn có sự hạn chế nhất định. Còn đối với người dân, đại biểu đề nghị làm rõ những đối tượng nào được hỗ trợ, những đối tượng nào cần quan tâm. Theo đó, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng đối tượng cần quan tâm nhất lúc này là lực lượng lao động của các địa phương đã trở về quê, nay trên cơ sở tinh thần Nghị quyết số 30, Chính phủ cần phải có biện pháp cụ thể hơn, quyết liệt hơn để đưa người lao động trở lại với doanh nghiệp, trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách an toàn và hiệu quả.
Tiết kiệm triệt để, chi hiệu quả nhất
Để đánh giá về kinh tế- xã hội và việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội của đất nước trong năm 2021, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, cần phải nhìn vào bối cảnh đất nước trong suốt thời gian qua. Bối cảnh thứ nhất, đó là đại dịch COVID-19 với làn sóng thứ tư, tác động và công phá rất mạnh mẽ vào các quan hệ kinh tế và chúng ta phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, coi tính mạng, sức khỏe nhân dân làm trọng. Chính vì vậy, nhiều chỉ tiêu không đạt được, có 4/12 chỉ tiêu không đạt được, trong đó có chỉ tiêu GDP là chỉ tiêu có tính gốc rễ, và Chính phủ đang dự kiến là khoảng 3-3,5%. Từ đây, đại biểu đề nghị, Chính phủ nên đánh giá cẩn trọng lại chỉ tiêu GDP để làm nền tảng cho việc xác lập các chỉ tiêu khác, đặc biệt là cân đối thu chi ngân sách.
Bên cạnh đó, từ thực tiễn chống dịch vừa rồi, tác động đến thay đổi nếp suy nghĩ làm việc của cán bộ, công chức và bộ máy, từ chỗ tư duy theo một chiều là đổi mới để quản lý tốt hơn sự thay đổi, nay làm sao đổi mới để quản lý tốt hơn sự thay đổi. Từ đó, để đặt nền móng cho việc xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, theo đại biểu, Chính phủ cần phải đánh giá toàn diện về tình hình và kiểm soát được dịch bệnh.
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng đánh giá của Chính phủ với tình hình tuy sát nhưng đặt ra mục tiêu tăng trưởng từ 6 đến 6,5% GDP, cần phải đánh giá cẩn trọng hơn. Đại biểu cảnh báo, nếu như dịch bệnh không được kiểm soát, tiếp tục lan tràn ra, kịch bản năm sau có thể lặp lại năm nay khi Quốc hội, Chính phủ đặt ra chỉ tiêu GDP là 6% nhưng nay ngay cả đến 3-3,5 % cũng khó đạt được. Vì vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần phải xác định được sức khỏe và năng lực của kinh tế hiện tại để đặt ra mục tiêu phù hợp, từ đó làm điểm tựa để xoay trục chính sách cho thích hợp. “Một người vừa mới trải qua một cơn bạo bệnh, không thể gánh quá sức, hấp thụ với nền kinh tế cũng vậy”, đại biểu Lê Thanh Vân nói.
Đánh giá cao các giải pháp, nhóm giải pháp của Chính phủ đưa ra, như 5 cân đối lớn, phù hợp với sức khỏe của nền kinh tế và sức đóng góp của dân và doanh nghiệp, song đại biểu Lê Thanh Vân lưu ý tới vấn đề sử dụng tiền huy động từ người dân, doanh nghiệp sao cho hiệu quả; cho rằng Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung vào các công trình trọng điểm, công trình đã chuẩn bị hoàn thành, chỉ đầu tư cho những công trình nào thực sự cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội và an ninh quốc gia, mới dùng đến đầu tư công, nguồn lực tập trung của Nhà nước hoàn thành và hoàn thành ngay trong kỳ xây dựng kế hoạch.
Cùng với đó là phải tiết giảm chi tiêu thường xuyên, trong đó có chi tiêu cho các cơ quan nhà nước, hệ thống chính trị; tiết giảm mạnh chi phí cho hội họp, công tác nước ngoài, hội thảo, mua sắm tài sản công. Đại biểu đề xuất Chính phủ phát động phong trào tiết kiệm để dồn nguồn lực cho phát triển, đầu tư xã hội.
Đề cập tới bối cảnh dịch bệnh gây áp lực lạm phát đến cuối năm và năm 2022, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng điều này bắt nguồn từ nhu cầu chi tiêu của Chính phủ. Đặc biệt là từ năm 2020 cho đến nay, Chính phủ liên tiếp phải hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn, những đối tượng chịu sự tác động của COVID-19, trong lúc kinh tế bị đình trệ. Đại biểu lấy ví dụ như vào thời kỳ cao điểm, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và 3 tỉnh lân cận, chỉ có 20% doanh nghiệp hoạt động và hầu hết là hoạt động cầm chừng. Không có lực lượng sản xuất ra của cải vật chất, sẽ không có thu ngân sách, không có nguồn lực để chi cho hỗ trợ trở lại cho các đối tượng bị thiệt hại. Như vậy, dư địa chi ngân sách rất khó khăn và do đó, đại biểu nhấn mạnh trong bối cảnh hiên nay, Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền địa phương phải xác định chi đồng nào phải tính toán cho kỹ trên cơ sở tiết kiệm triệt để, chi hiệu quả nhất. Đây cũng là lý do Quốc hội có thể cho phép Chính phủ một tỷ lệ bội chi khoảng 4%, tức là lấy nguồn lực Nhà nước để đầu tư, hỗ trợ cho xã hội, doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh hồi phục lại sức khỏe của mình, tiếp tục sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội.