Định vị Việt Nam bằng sức mạnh văn hóa
Trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu, văn hóa không chỉ là bản sắc dân tộc mà còn là nguồn lực chiến lược trong phát triển quốc gia. Nhiều nước trên thế giới đã chứng minh rằng, sức mạnh mềm văn hóa là con đường hiệu quả để nâng tầm hình ảnh quốc gia, củng cố vị thế quốc tế và tạo ra giá trị kinh tế bền vững.

Lễ khai mạc Những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga (7.2024). Ảnh: P.V
Với bề dày lịch sử và kho tàng văn hóa đặc sắc, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để vươn mình trở thành một quốc gia có ảnh hưởng văn hóa trong khu vực và thế giới. Điều còn thiếu là một chiến lược bài bản, đồng bộ, và dám nghĩ lớn để hiện thực hóa khát vọng đó.
Coi văn hóa là một nguồn lực mềm cốt lõi
Chính vì vậy, việc triển khai Đề án quốc tế hóa bản sắc văn hóa dân tộc và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới trong bối cảnh này là rất đúng lúc và cần thiết. Đây sẽ là văn bản lần đầu tiên đưa ra tư duy tiếp cận hai chiều trong hội nhập văn hóa: Đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại một cách chọn lọc để làm giàu bản sắc dân tộc. So với Chiến lược Ngoại giao văn hóa, Chiến lược Văn hóa đối ngoại hay Nghị quyết 33- NQ/TW về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Đề án lần này sẽ là bước thể hiện sự trưởng thành rõ nét về tư duy phát triển: Coi văn hóa là một nguồn lực mềm cốt lõi, một ngành kinh tế dịch vụ đặc thù, và là trụ cột phát triển quốc gia trong kỷ nguyên mới.
Đề án cũng sẽ phải kế thừa và phát triển các quan điểm trong các văn bản trước, nhưng đi xa hơn ở chỗ cụ thể hóa bằng nhiều mục tiêu rõ ràng và cơ chế đột phá: Xây dựng hệ sinh thái văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, tạo môi trường sáng tạo thuận lợi cho người làm văn hóa sống được bằng nghề, và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới một cách có chiến lược. Những nội dung này phù hợp với xu thế quốc tế, đồng thời phù hợp với các mục tiêu phát triển đến 2030, 2045 của đất nước.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong lĩnh vực quảng bá văn hóa quốc gia: Từ việc liên tục được UNESCO ghi danh các di sản, cho đến việc tổ chức các sự kiện Ngày Việt Nam ở nước ngoài, các festival phim, tuần lễ văn hóa, quảng bá ẩm thực, thời trang, nghệ thuật truyền thống...
Hình ảnh Việt Nam ngày càng thân thiện, đặc sắc và hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng trở thành lực lượng quan trọng góp phần lan tỏa bản sắc Việt ra toàn cầu. Những nhà hàng Việt, các chương trình Tết cổ truyền, những clip TikTok mang hồn Việt… đã tạo nên một dòng chảy văn hóa không ngừng kết nối Việt Nam với thế giới.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận: Sức mạnh mềm văn hóa của Việt Nam vẫn còn ở mức tiềm năng, chưa tạo được dấu ấn mạnh mẽ như nhiều quốc gia láng giềng gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay Thái Lan...
Một phần do thiếu chiến lược dài hạn, thiếu đầu tư xứng đáng, thiếu cơ chế khuyến khích sáng tạo và truyền thông chưa hiệu quả. Trong khi đó, làn sóng văn hóa ngoại nhập ngày càng mạnh mẽ, đặt ra thách thức lớn đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc, nhất là trong giới trẻ.

Trải nghiệm văn hóa truyền thống trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc. Ảnh: K.VÂN
Cần thắp lên khát vọng vươn ra thế giới bằng chính bản sắc
Ở góc độ kinh nghiệm quốc tế, có thể thấy các quốc gia thành công đều đặt văn hóa vào trung tâm chiến lược quốc gia. Trung Quốc có mạng lưới Viện Khổng Tử phủ khắp thế giới để quảng bá ngôn ngữ, tư tưởng và văn hóa Trung Hoa. Hàn Quốc có làn sóng Hallyu được Chính phủ đầu tư bài bản từ giáo dục, sản xuất nội dung, đến truyền thông toàn cầu. Nhật Bản với chiến lược “Cool Japan” đã đưa anime, ẩm thực, thời trang, nghệ thuật truyền thống ra toàn thế giới với sự hỗ trợ tài chính của nhà nước và hợp tác công - tư hiệu quả. Thái Lan đi con đường độc đáo hơn, tập trung vào ẩm thực và Muay Thái, nhưng cũng rất thành công khi biến các biểu tượng văn hóa ấy thành thương hiệu quốc gia.
Từ các mô hình này, bài học rút ra cho Việt Nam là phải có một chiến lược dài hạn, một bộ máy thực thi linh hoạt, cơ chế tài chính đủ mạnh và sự tham gia tích cực của cộng đồng sáng tạo, người dân, doanh nghiệp, báo chí, kiều bào và cả hệ thống chính trị. Không thể chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước hay các hoạt động mang tính tự phát. Việc quảng bá văn hóa phải trở thành nhiệm vụ chính trị, kinh tế và xã hội cấp thiết như bất kỳ nhiệm vụ nào khác của quốc gia.
Vì vậy, sau này, cùng với việc ban hành Đề án mới, chúng ta cần khẩn trương xây dựng các hoạt động triển khai cụ thể theo từng nhóm lĩnh vực: Phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường truyền thông văn hóa trên nền tảng số, hỗ trợ sáng tạo trẻ, đưa văn hóa Việt vào trường học, hợp tác văn hóa quốc tế, số hóa và khai thác di sản, tăng cường giao lưu nhân dân, nâng cao vai trò kiều bào…

Biểu diễn nhạc cụ và trò chơi dân gian tại Lễ hội văn hóa Việt Nam kết nối cộng đồng tại Hàn Quốc (9.2022). Ảnh: K.VÂN
Mỗi nhóm giải pháp cần có cơ quan chủ trì, lộ trình rõ ràng, ngân sách đủ mạnh và cơ chế phối hợp hiệu quả giữa trung ương và địa phương, giữa nhà nước và tư nhân, giữa các ngành với nhau. Chúng ta cần nhận thức rằng sức mạnh mềm không tự nhiên mà có. Nó là kết quả của một quá trình kiến tạo bản sắc, đầu tư cho sáng tạo, và truyền thông hiệu quả.
Mỗi sản phẩm văn hóa, từ một món ăn, một bộ phim, một vở kịch, đến một bài hát, một bộ trang phục, nếu được làm tử tế, đều có thể trở thành sứ giả văn hóa Việt Nam. Mỗi công dân, từ người nghệ sĩ đến cô giáo, anh hướng dẫn viên du lịch, bạn trẻ làm nội dung số, cho đến kiều bào ở khắp nơi, đều có thể trở thành một đại sứ văn hóa.
Hơn lúc nào hết, chúng ta cần thắp lên khát vọng vươn ra thế giới bằng chính bản sắc của mình. Khát vọng ấy sẽ chỉ có thể thành hiện thực nếu được dẫn dắt bởi tầm nhìn chiến lược, thể chế phù hợp và hành động quyết liệt. Định vị Việt Nam bằng sức mạnh văn hóa không phải là khẩu hiệu, mà là một con đường phát triển dài lâu, có chiều sâu và giàu bản sắc. Một con đường mà nếu kiên trì đi tới cùng, sẽ giúp Việt Nam không chỉ giàu có hơn, mà còn được yêu mến, tôn trọng và ngưỡng mộ hơn trên bản đồ thế giới.
Bài học rút ra cho Việt Nam là phải có một chiến lược dài hạn, một bộ máy thực thi linh hoạt, cơ chế tài chính đủ mạnh và sự tham gia tích cực của cộng đồng sáng tạo, người dân, doanh nghiệp, báo chí, kiều bào và cả hệ thống chính trị.
Không thể chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước hay các hoạt động mang tính tự phát. Việc quảng bá văn hóa phải trở thành nhiệm vụ chính trị, kinh tế và xã hội cấp thiết như bất kỳ nhiệm vụ nào khác của quốc gia.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/dinh-vi-viet-nam-bang-suc-manh-van-hoa-149907.html