Dior im lặng

Bê bối thổi giá gấp 50 lần và bóc lột sức lao động tại xưởng Italy đã đẩy Dior vào khủng hoảng. Sau gần 1 tháng, hãng xa xỉ vẫn chưa có động thái cứu vãn danh tiếng.

 Dù thực hiện chiến lược nào, lợi nhuận của công ty đều có khả năng thấp hơn so với kỳ vọng của các cổ đông. Ảnh minh họa: @ellesingapore/IG

Dù thực hiện chiến lược nào, lợi nhuận của công ty đều có khả năng thấp hơn so với kỳ vọng của các cổ đông. Ảnh minh họa: @ellesingapore/IG

Thương hiệu thời trang cao cấp Dior đang đối mặt với khủng hoảng thương hiệu nghiêm trọng sau khi vấp phải bê bối liên quan đến việc sử dụng lao động nhập cư trái phép và điều kiện làm việc tại xưởng khắc nghiệt.

Cụ thể, tòa án Milan (Italy) đã nêu tên Dior, thuộc sở hữu của LVMH, và Giorgio Armani là hai thương hiệu có sản phẩm được sản xuất trong điều kiện bóc lột lao động tại Italy.

Hình ảnh những công xưởng bụi bặm, thiếu an toàn, trái ngược hoàn toàn với vẻ hào nhoáng mà ngành công nghiệp thời trang cao cấp thường phô trương, đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận.

Đây là nơi những chiếc túi Dior được sản xuất với giá chỉ 53 EUR (gần 60 USD), nhưng lại được bán với giá 2.600 EUR (khoảng 2.900 USD), Wall Street Journal đưa tin. Để khắc phục thiệt hại, cái giá mà hãng xa xỉ phải trả không hề rẻ.

Cái giá phải trả

Theo phán quyết của tòa án, một số sản phẩm của Dior được sản xuất tại các nhà máy do người Trung Quốc điều hành ở Italy, nơi người lao động làm việc trong điều kiện không an toàn. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp của Dior cũng tiếp tục thuê lại các nhà máy giá rẻ, sử dụng lao động bất hợp pháp để lắp ráp túi xách.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với sản phẩm, nhiều thương hiệu xa xỉ như Dior đã phụ thuộc vào các xưởng sản xuất độc lập bên cạnh nhà máy nội bộ. Tuy nhiên, trong cuộc đua lợi nhuận, một số thương hiệu có thể đã đi quá xa trong việc cắt giảm chi phí.

 Hình ảnh xưởng sản xuất túi xách hàng hiệu được phát hiện trong một cuộc điều tra, đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Ảnh: JTBC.

Hình ảnh xưởng sản xuất túi xách hàng hiệu được phát hiện trong một cuộc điều tra, đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Ảnh: JTBC.

Để giải quyết triệt bê bối vừa qua, Christian Dior sẽ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Công ty sẽ phải đầu tư hàng trăm triệu USD vào các cơ sở mới nhằm tăng cường sản xuất nội bộ, hoặc trả lương cao hơn cho các nhà cung cấp và tăng cường kiểm soát.

Dù chọn phương án nào, lợi nhuận của công ty đều có khả năng thấp hơn so với kỳ vọng của các cổ đông.

Đằng sau lợi nhuận khổng lồ

Các thương hiệu xa xỉ hàng đầu như Christian Dior thường có biên lợi nhuận rất cao do người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cho các xa xỉ phẩm.

Đối với toàn bộ tập đoàn LVMH, chi phí sản xuất các sản phẩm bán ra, từ rượu sâm panh đến đồng hồ và mỹ phẩm, chiếm 31% doanh thu trong năm 2023. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận của những chiếc túi hàng hiệu có thể cao hơn nhiều.

Luca Solca, nhà phân tích của Bernstein, ước tính rằng một thương hiệu thời trang xa xỉ trị giá 10 tỷ EUR, gần bằng quy mô của Dior, có thể chỉ chi 23% doanh thu cho nguyên liệu thô và nhân công.

Điều này có nghĩa là một chiếc túi Dior trị giá 2.600 EUR sẽ có giá 598 EUR để sản xuất, tương đương 647 USD cho một sản phẩm có giá khoảng 2.800 USD theo tỷ giá hối đoái hiện tại.

Nhưng trên thực tế, chi phí sản xuất có thể còn thấp hơn con số được điều tra tại Italy. Mức giá 53 EUR cho mỗi chiếc túi chỉ bao gồm chi phí lắp ráp, chưa tính đến chi phí da và phần cứng, nhưng theo một nhà cung cấp Italy, những chi phí này chỉ thêm khoảng 150 EUR.

 Trên mạng xã hội, nhiều người có tầm ảnh hưởng đặt câu hỏi về giá trị thực sự mà người tiêu dùng nhận được. Ảnh minh họa: Sarah Meyssonnier.

Trên mạng xã hội, nhiều người có tầm ảnh hưởng đặt câu hỏi về giá trị thực sự mà người tiêu dùng nhận được. Ảnh minh họa: Sarah Meyssonnier.

Theo phân tích của Bernstein, chi phí quảng cáo cho mỗi chiếc túi xách là 156 EUR, và khấu hao tài sản của công ty cũng là 156 EUR. Chi phí vận hành cửa hàng bao gồm tiền thuê mặt bằng trên những con phố mua sắm đắt đỏ nhất thế giới, và chi phí văn phòng là 390 EUR.

Như vậy, Dior thu về 1.300 EUR lợi nhuận hoạt động thuần túy cho mỗi chiếc túi, tương đương với tỷ suất lợi nhuận 50%.

"Đây là thực tế của ngành kinh doanh. Giá bán lẻ của các thương hiệu xa xỉ lớn thường gấp 8-12 lần chi phí sản xuất", Solca nói.

Trước cơn bão dư luận, LVMH vẫn chưa lên tiếng về cuộc điều tra.

Những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đang đặt câu hỏi về giá trị thực sự mà khách hàng nhận được khi bỏ ra một số tiền lớn để mua một chiếc túi xách sang trọng. Việc tăng giá gần đây cũng khiến chi phí sản xuất rẻ mạt trở nên khó chấp nhận hơn. Một chiếc túi mini Lady Dior có giá 3.500 USD vào năm 2019 hiện nay có giá 5.500 USD, tăng 57%.

 Việc khắc phục hậu quả và lấy lại lòng tin của khách hàng sẽ là một thách thức không nhỏ đối với Dior trong thời gian tới. Ảnh minh họa: WSJ.

Việc khắc phục hậu quả và lấy lại lòng tin của khách hàng sẽ là một thách thức không nhỏ đối với Dior trong thời gian tới. Ảnh minh họa: WSJ.

Ngoài Dior, hàng chục thương hiệu xa xỉ khác chưa được nêu tên, vẫn đang bị điều tra vì những vấn đề tương tự trong chuỗi cung ứng tại Italy.

Lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng nếu ngành công nghiệp xa xỉ quyết định thanh tra. Tuy nhiên, theo cây viết Carol Ryan từ The Wall Street Journal, cái giá của việc "làm ngơ" có thể còn cao hơn.

Các thương hiệu xa xỉ, vốn tính phí khách hàng hàng nghìn USD và dựa vào danh tiếng về chất lượng, không thể chấp nhận được việc sản xuất với chi phí rẻ mạt.

Như Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dior-im-lang-post1485705.html