Dịp lễ, công nhân tranh thủ nghỉ ngơi và về quê
Lễ Quốc Khánh 2-9 là dịp nghỉ lễ dài cuối cùng của năm 2024 nên nhiều công nhân tranh thủ về quê thăm cha mẹ, con cái hoặc tận dụng cơ hội nghỉ ngơi lấy lại sức khỏe
Chiều tối 31-8, sau khi tan ca, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thanh và chị Trịnh Thu Ngân (đều là công nhân tại KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM) soạn vội ít quần áo để về quê Bến Tre nghỉ lễ. Dù trời mưa, song anh chị vẫn quyết định đi xe máy để tiết kiệm.
Anh Thanh cho biết hai năm trước, công ty của cả anh và vợ đều lâm vào khó khăn, ít đơn hàng khiến thu nhập người lao động giảm sút nên vợ chồng anh bàn nhau gửi cả hai con gái đang học tiểu học về Bến Tre nhờ ông bà nội chăm sóc.
Xa con nên dịp lễ nào anh chị cũng tranh thủ về quê sum họp. Lần này được nghỉ 3 ngày liên tục nên vợ chồng anh đã sớm có kế hoạch về quê. "Chạy xe máy mất khoảng 3 giờ. Hành lý của chúng tôi cũng rất gọn nhẹ bởi lần này về chủ yếu là để đưa con đi sắm sửa quần áo, giày dép, sách vở trước khi trường học khai giảng chính thức" - anh Thanh nói
Tương tự, công ty cho nghỉ lễ 2 ngày (2 và 3-9) cùng với ngày Chủ Nhật là 3 ngày nghỉ liên tục, gia đình 3 thành viên của chị Trần Thị Nương (quê Sóc Trăng), hiện làm công nhân tại KCN Tân Tạo (quận Bình Tân, TP HCM), quyết định về quê thăm gia đình. Dù khoảng cách từ TP HCM về quê hơn 210 km, chuyến đi về mất hơn nửa ngày, anh chị vẫn tranh thủ về, chủ yếu để thăm con gái lớn.
Vợ chồng chị Nương có 2 con, con trai nhỏ sống cùng bố mẹ ở thành phố, còn con gái lớn sống với ông bà ở quê. Vì hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, vợ chồng chị đành gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc, mỗi tháng chắt chiu gửi ít tiền về, lo từng bữa cơm, từng quyển sách cho con. "Những dịp lễ được nghỉ dài ngày, chúng tôi lại tranh thủ chạy về thăm con cho đỡ nhớ dù việc đi lại khá vất vả" – chị Nương tâm sự.
Tổng thu nhập của vợ chồng chị Nương khoảng 15 triệu đồng/tháng. Đợt nghỉ lễ này, cả hai vợ chồng đều được thưởng mỗi người 500.000 đồng, gom góp với lương tháng đủ để lo học phí cho con. Chị Nương cho biết khi hay tin bố mẹ và em trai sắp về, con gái rất vui mừng, ngày nào cũng gọi hỏi han, mong chờ ngày gia đình sum họp.
Kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa rồi, vợ chồng chị không về quê vì doanh nghiệp có đơn hàng gấp, chủ trả lương gấp 3 mỗi ngày công nên ở lại làm việc.
"Đợt này cũng vậy, nhưng chúng tôi quyết định về quê để xem con gái đã chuẩn bị năm học mới thế nào. Thiếu gì thì sắm thêm cho con để không thua thiệt bạn bè. Nghĩ đến cảnh cả gia đình về quê, cùng nhau đi chợ, mua sắm, rồi cùng ăn uống mà lòng đã thấy nôn nao" - chị Nương nói.
Trái ngược với nhiều gia đình công nhân rộn ràng về quê đón lễ, dịp lễ này gia đình chị Ngô Thị Hân (quê Nghệ An), công nhân Công ty TNHH Điện cơ Solen (KCX Tân Thuận), tiếp tục ở lại TP HCM. Mỗi lần nghĩ đến việc về quê, chị chỉ biết thở dài vì giá vé tàu xe quá đắt đỏ. Vậy nên, 2 - 3 năm chị mới dám về thăm nhà một lần. Năm nay, con trai lớn ở quê đã vào lớp 1, gia đình chị phải đối mặt với hàng trăm nỗi lo toan bủa vây.
"Con trai cứ gọi hỏi bao giờ cha mẹ và em gái về thăm, lòng tôi đau thắt nhưng chẳng còn lựa chọn nào khác. Thu nhập ít ỏi, chắt chiu cũng chỉ vừa đủ chi tiêu và gửi về quê lo cho con ăn học. Kỳ lương vừa rồi, tôi đã trích ra một ít mua quần áo, quà bánh gửi cho con, để cháu đỡ tủi thân, đỡ thấy chạnh lòng vì thiếu vắng cha mẹ" - chị Hân bày tỏ.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Hận (công nhân Công ty TNHH Việt Giai Thành, quận 8, TP HCM) cũng chỉ về quê vào dịp Tết Nguyên Đán, còn các ngày lễ thì cả nhà cùng đón lễ tại khu trọ.
Nguyên nhân chủ yếu là bởi cả gia đình 8 người của anh (gồm vợ, con trai, các em và các cháu) đều ở chung trong dãy trọ tại phường 16, quận 8. Do vậy, những dịp lễ, cả nhà lại tụ họp, nấu nướng, ăn uống tại khu nhà trọ.
Anh Hận nói: "Vì người thân đều ở đây nên chúng tôi ít về quê, chỉ dịp Tết là cùng nhau về thăm họ hàng. Để tiết kiệm, gia đình tôi thường ăn lễ đơn giản, cũng hiếm khi đi du lịch, thời gian nghỉ chủ yếu để nghỉ ngơi tái tạo sức lao động".
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dip-le-cong-nhan-tranh-thu-nghi-ngoi-va-ve-que-196240901102304535.htm