Dịu dàng nón lá Hạ Thôn
Tôi sinh ra và lớn lên tại một vùng quê yên bình của mảnh đất miền Trung quanh năm đầy nắng gió. Từ bé, tôi được thấy các bà, các mẹ cặm cụi, tỷ mẩn làm ra những chiếc nón lá.
Những lá cọ, những sợi chỉ, những thanh tre làm bạn với mẹ từ khi mẹ đang là thiếu nữ cho tới khi mẹ có bốn mặt con. Nghề khâu nón vất vả, sớm khuya tần tảo không khác nghề nông là bao nhưng mẹ tôi, bà tôi và những người phụ nữ làng Hạ Thôn vẫn quyết giữ gìn nghề của ông cha để lại.
Làng Hạ Thôn quê tôi nằm trên dải đất phía nam sông Gianh thuộc xã Quảng Tân, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) là nơi sản xuất và gìn giữ nghề làm nón từ lâu đời. Ở đây, người người làm nón, nhà nhà làm nón. Thường vào các phiên chợ, bà con tới chợ Ba Đồn để mua lá nón. Lá mua về được đập thật kỹ, luộc rồi đem phơi. Đi qua Hạ Thôn vào những ngày nắng đẹp, nhìn nhà nào cũng một màu trắng xanh của lá nón, lá phơi ngoài sân, lá phơi mái nhà, lá treo gác bếp. Công việc bẻ lá, ủi lá đa số các bà, các mẹ, các chị làm, còn đàn ông thì đo, cắt, chẻ nứa vót vành. Mỗi chiếc nón có 16 vành và các cụ xưa thường ví là “16 vành trăng”. Tiếp đến là công đoạn xây lá, khâu nón và cặp nón.
Những thời điểm nông nhàn là bà con dành thời gian cho việc khâu nón. Ba mẹ tôi cũng nên duyên vợ chồng nhờ những chiếc nón lá. Trẻ em tụi tôi sau giờ tan học ở trường, cũng ngồi bên khuôn nón, tay thoăn thoắt khâu nón mà miệng vẫn nói cười vui vẻ… Cái nghề này ngoài lợi ích về kinh tế là tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân thì còn gắn kết mọi người sống gần gũi, chan hòa, yêu thương nhau hơn.
Nón lá ở Hạ Thôn có nhiều loại với giá cả khác nhau: Loại đội khi đi làm, loại dành lúc đi chơi, loại làm quà biếu, nón thường, nón bài thơ… Mỗi lần đi học về, nhìn mẹ ngồi bên hiên nhà khâu nón, vót vành, tôi lại thấy lòng mình bình yên. Những chiếc nón đã nuôi tôi khôn lớn và là kỷ niệm tuổi thơ đầy ý nghĩa đối với lũ nhóc làng Hạ Thôn chúng tôi.
Nón lá Hạ Thôn dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng ngày nay vẫn nổi tiếng vì bền, đẹp. Những người phụ nữ chằm nón nơi đây luôn tin rằng cái nghề “mẹ truyền” có thể hư hao theo thời gian chứ không bao giờ mất đi. Dẫu cuộc sống văn minh có nhiều đổi thay đến đâu thì hình ảnh nón lá sẽ mãi trường tồn với vẻ đẹp nguyên sơ, giản dị và duyên dáng, như từng đường kim, mũi chỉ yêu thương mà người phụ nữ lặng lẽ kết vào những chiếc nón lá tinh khôi.
Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, nghề làm nón lá ở Hạ Thôn sẽ được duy trì và phát triển, tạo thêm việc làm, đem lại thu nhập cho bà con và góp phần giữ gìn nét văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/diu-dang-non-la-ha-thon-615252