Dìu nhau vượt bão dông

Giữa đường đời chông gai, nếm trải nhiều đắng cay, vậy mà nhiều người vẫn sống hạnh phúc và tự nhận mình là người may mắn...

Chung bước đường đời

Khớp tay, khớp chân sưng phù, đi từ phòng ngủ ra đến cửa nhà chỉ 4m, nhưng chị Phạm Thị Thanh (47 tuổi), ở đội 10, thôn An Đạo, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) phải mất đến 10 phút để di chuyển. Vịn tay vào tường để di chuyển, đôi mắt chị Thanh ánh lên niềm hạnh phúc khi chạm vào những tờ giấy khen của các con. “Nếu không có tình yêu thương của chồng, con, chắc tôi không sống được đến giờ này chứ đừng nói đến việc có thể chập chững bước đi như thế này”, chị Thanh nói.

Chị Phạm Thị Thanh hạnh phúc dõi theo việc học của con gái Nguyễn Phạm Thu Ngân, hiện đang học lớp 11 chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Lê Khiết. Ảnh: Ý Thu

Chị Phạm Thị Thanh hạnh phúc dõi theo việc học của con gái Nguyễn Phạm Thu Ngân, hiện đang học lớp 11 chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Lê Khiết. Ảnh: Ý Thu

Bị bệnh viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính (một căn bệnh hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm), chị Thanh chưa từng nghĩ mình có thể chống chọi được với căn bệnh này những 16 năm. Lúc mắc bệnh, con gái lớn của chị mới 5 tuổi, còn con gái nhỏ còn đang bú mẹ. “Có lúc, trong cơn đau vì bệnh tật, tôi muốn buông xuôi. Nhưng sự quan tâm, chăm sóc tận tình của chồng cộng với sự hiếu thảo và tinh thần hiếu học của con là liều thuốc giúp tôi có động lực để sống”, chị Thanh rưng rưng.

“Khi tôi chưa bị bệnh, anh vẫn đôi lúc ham vui cùng bạn bè và có những câu nói khiến tôi buồn lòng. Vậy mà từ lúc tôi đau bệnh, anh dành toàn bộ thời gian rảnh mà mình có cho gia đình. Từng câu từng lời anh nói với tôi đều nhẹ nhàng. Có lẽ, nếu cuộc sống cứ êm đềm trôi qua, chúng tôi sẽ không nhận ra từng khoảnh khắc được sống cùng nhau là quý giá. Chính biến cố, sóng gió xảy đến trong đời đã khiến vợ chồng tôi thêm trân trọng và yêu thương nhau hơn”.

Chị PHẠM THỊ THANH,

ở thôn An Đạo, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi).

Người dân ở địa phương cảm kích trước tình yêu thương mà anh Nguyễn Tín dành cho vợ. Từ năm 2019 - 2021, khi bệnh tình chị Thanh chuyển biến nặng, một mình anh Tín vừa đi làm thợ hồ, vừa quán xuyến việc nhà, vừa lo chuyện học hành của các con.

Chị Thanh kể, những năm trước, dù đau ốm nhưng tôi vẫn làm được những việc nhẹ như nấu cơm, quét nhà. Đến năm 2019, tay chân tôi sưng phù, đau buốt. Tôi nằm một chỗ, việc ăn uống phải có người giúp. Quãng thời gian này, ngày nào anh Tín cũng dậy sớm để nấu cơm và đút cho tôi ăn. Đến trưa, anh tranh thủ thời gian nghỉ làm chạy về nhà lo cơm cho tôi. Cứ quần quật, cực khổ như vậy, nhưng anh luôn chăm sóc tôi chu đáo, nói chuyện rất nhẹ nhàng, vì anh sợ tôi buồn tủi.

Thương cha vất vả lo toan, thương mẹ bị bệnh tật dày vò, hai con của anh Tín, chị Thanh tạo niềm vui cho cha mẹ bằng cách nỗ lực học tập. Lần giở những tờ giấy khen của các con, chị Thanh bảo, con gái lớn của anh chị từ khi còn học phổ thông đã đạt danh hiệu "học sinh 3 tốt" cấp tỉnh. Khi bước chân vào giảng đường đại học, cháu vừa đi làm thêm để tự lo một phần tiền sinh hoạt phí phụ cha mẹ, vừa nỗ lực học tập và xuất sắc đạt danh hiệu "sinh viên 5 tốt" của Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh. Còn con gái nhỏ của anh chị thì nhiều năm liền là học sinh giỏi và đang học lớp 11 chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Lê Khiết.

Vợ chồng bà Phạm Thị Phấn (59 tuổi), ở thôn Xuân An, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) cũng vậy, tình yêu đã giúp họ từng ngày vượt qua khó khăn. Chậm rãi dìu chồng tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, bà Phấn hóm hỉnh bảo, con trẻ tập đi từ lúc 1, 2 tuổi, còn ông nhà tôi, 54 tuổi mới bắt đầu tập đi! Ông tập đi từ lúc 54 tuổi, giờ đã 60 tuổi, mà đi vẫn chưa vững...

Kể từ ngày chồng bị đột quỵ, bà Phấn trở thành người gồng gánh hết thảy mọi lo toan. Sau lưng bà, không chỉ là người chồng ốm đau, mà còn có đứa con trai út và em gái của chồng không may bị chậm phát triển trí tuệ. Ngày qua ngày, bà Phấn tần tảo đi làm thuê, dầm mình từ 10 - 12 tiếng đồng hồ dưới sông để mưu sinh. "Không ai thuê mướn thì tôi đi ghe ra các khúc sông gần cửa biển Sa Kỳ để lội cắt rong. Đến mùa hàu, tôi lại nương theo con nước thủy triều để đục hàu. Dầm mình dưới nước hoài, tay chân tôi bị "nước ăn", lở loét hết cả. Nhiều bữa, cắt, chuyển xong mấy tạ rong câu vào bờ, cả người tôi đau nhức như bị ai đánh. Dẫu vậy, tôi luôn dặn lòng phải cố gắng bởi ở nhà còn có 3 người thân đang chờ tôi chăm lo", bà Phấn chia sẻ.

Bận rộn mưu sinh, nhưng mỗi sáng, bà Phấn luôn dành nửa tiếng đồng hồ để dìu chồng tập đi. Rồi cứ 2 tháng, sau khi tích cóp đủ 2 - 3 triệu đồng, bà Phấn lại khăn gói cùng chồng đón xe buýt đến Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh để điều trị và tập vật lý trị liệu. Cứ tất bật như con thoi nhưng bà Phấn luôn ân cần chăm sóc chồng từng bước đi, từng bữa cơm, giấc ngủ. Bởi với người đàn bà hết mực tảo tần này, ngày nào được ở bên cạnh chồng là ngày đó bà cảm thấy cuộc sống hạnh phúc.

Hạnh phúc giữa bộn bề vất vả

Về chung một nhà ngót nghét 40 năm, bà Phấn và chồng là ông Lê Đắc chưa từng cãi vã to tiếng với nhau. Dù rằng cuộc sống của ông bà luôn gặp nhiều biến cố, khó khăn. Song, vượt lên trên tất cả, ông bà vẫn luôn yêu thương, tôn trọng và thấu hiểu cho nhau. “Lúc còn đi làm nghề bán nước đá, thỉnh thoảng ông được người ta thương tình cho hộp bún, hoặc vài cục ram bắp, dăm cái bánh xèo... Ông không ăn mà để dành rồi mang về cho tôi”, bà Phấn xúc động kể.

Bà Phạm Thị Phấn dìu chồng tập đi tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Ảnh: Ý Thu

Bà Phạm Thị Phấn dìu chồng tập đi tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Ảnh: Ý Thu

Kết hôn với nhau từ khi mới ngoài 30 tuổi, nay tóc đã lấm tấm sợi bạc, ông Lê Văn Sơn (55 tuổi) và bà Nguyễn Thị Bợ (49 tuổi), ở thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) vẫn luôn là cặp vợ chồng hạnh phúc trong mắt mọi người. Ông Sơn bị khuyết tật vận động ở chân. Sống nhờ vào nghề thu gom rác thuê, ngày qua ngày, ông Sơn thường rời nhà từ sáng sớm cho đến trưa mới trở về. Thương chồng ngày ngày vất vả kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình, bà Bợ nay đau mai ốm nhưng vẫn một mực xin chồng cho mình được đồng hành. Từ đó, hằng ngày trên chiếc xe điện, vợ chồng ông cùng nhau rong ruổi khắp các con đường, ngõ xóm tại thôn Hải Ninh để thu gom rác thải. Sau khi hoàn thành công việc, người dân thôn Hải Ninh lại thấy hai vợ chồng chở nhau đi chợ, nấu ăn và cùng tập thể dục vào buổi chiều.

“Cưới nhau 18 năm, tôi đi nuôi vợ ở bệnh viện hơn 100 lần. Vợ thường xuyên ốm đau, còn người làm nghề gom rác thuê như tôi thì đâu thể gián đoạn công việc dài ngày! Nhưng tôi luôn tìm cách nhờ người làm giúp công việc, chứ không bao giờ để bà nhà đi bệnh viện mà thiếu tôi, dù người nhà của vợ tôi luôn nhiệt tình hỗ trợ. Bởi tôi muốn được tự mình chăm sóc vợ lúc ốm đau. Bà ấy như đứa trẻ, luôn nhờ tôi đứng ra trình bày tình hình bệnh tật với bác sĩ thay mình...”, ông Sơn kể trong hạnh phúc.

Tổ ấm của vợ chồng ông Sơn, bà Phấn, chị Thanh dẫu ngày ngày đối mặt với nhiều âu lo, vất vả, nhưng luôn đong đầy hạnh phúc, yêu thương. Họ không cầu vật chất xa hoa, cũng chẳng nghĩ đến tương lai tháng rộng năm dài, mà chỉ mong mỗi sớm mai thức dậy vẫn còn được nhìn thấy "nửa kia" của mình khỏe mạnh, bình an...

Ý THU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2481/202303/diu-nhau-vuot-bao-dong-3161551/